Hiện TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, việc phục hồi công năng khám chữa bệnh thông thường cho người dân là một yêu cầu cấp thiết.
Ngày 28.9, cả 2 bệnh viện - Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi - chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 đã được phục hồi công năng. Đây là 2 bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM phục hồi công năng trở về khám, chữa bệnh thông thường, kết thúc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo TS.BS Nguyễn Thế Vũ – Phó giám đốc Bệnh viện quận 7, để trở lại công năng khám chữa bệnh thông thường, bệnh viện này đã chuyển toàn bộ những bệnh nhân mắc COVID-19 đang còn điều trị tại đây đến các bệnh viện dã chiến; đồng thời tiến hành phun xịt, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.
Đặc biệt, phun xịt, khử khuẩn lau chùi các trang thiết bị y tế, giường bệnh… đã từng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
“Việc lau chùi, khử khuẩn máy móc, trang thiết bị y tế, giường bệnh đã được chúng tôi thực hiện 2 ngày/lần, và đến nay khử khuẩn được 4 lần đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng điều trị cho những bệnh nhân thông thường. Bên cạnh đó, một số trang thiết bị y tế khác cũng đã được bệnh viện chỉnh sửa, bổ sung thêm”, bác sĩ Vũ cho biết.
Sau một thời gian dài giãn cách, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Vì nhiều lý do khác nhau, có thể do nằm trong khu vực phong tỏa, khu cách ly, hoặc ngại đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm COVID-19. Do vậy, khi có bệnh viện “ xanh - sạch” người dân rất mong mỏi để được đến khám chữa bệnh.
“Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện đầu tiên ở TP.HCM “xanh - sạch” cùng với quận 7 là 1 trong 3 quận huyện đầu tiên đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Điều này giúp cho người dân yên tâm khi đến đây khám chữa bệnh”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện phục hồi công năng phải thực hiện đầy đủ các bước rà soát điều kiện tổ chức hoạt động khám chữa bệnh như: cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện theo quy định, tuân thủ nghiêm “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế và “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện” của Sở Y tế, sắp xếp lại nhân lực, trang thiết bị…
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngay từ khi có những tín hiệu lạc quan của dấu hiệu bắt đầu kiểm soát được dịch, TP đã chuẩn bị một lộ trình phục hồi lại công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân. Ngành y tế xác định một lộ trình trở lại công năng ban đầu của các bệnh viện nhưng phải tích hợp một cấu trúc và quy trình hoạt động mới, đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong trạng thái bình thường mới, đó là khám, chữa bệnh đa khoa hay chuyên khoa (theo loại hình ban đầu của mỗi bệnh viện) nhưng phải luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh, bên cạnh việc ưu tiên trả lại các bệnh viện dã chiến đã sử dụng các cơ sở hạ tầng của các trường học, ký túc xá, công sở, các bệnh viện đa khoa quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ sớm được trả về công năng khám, chữa bệnh thông thường nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Một nguyên tắc mà ngành y tế phải đảm bảo khi xây dựng lộ trình chuyển đổi về công năng ban đầu cho các bệnh viện, đó là trên một địa bàn quận, huyện phải luôn có sẵn phương án nơi tiếp nhận và thu dung điều trị F0 có triệu chứng.
Bên cạnh đó là hạn chế phải chuyển người bệnh F0 đi nhiều bệnh viện khác nhau. Để thực hiện điều này, TP xây dựng mô hình “bệnh viện dã chiến 3 tầng” thích ứng với hoàn cảnh mới. Hiện các bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16 cùng với các trung tâm hồi sức kế cạnh (hiện nay là do các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế đảm trách) sẽ đảm trách mô hình này khi TP đã kiểm soát được dịch.
Sở Y tế TP cho biết, trong suốt gần 5 tháng chống dịch có tổng cộng 95 bệnh viện trên địa bàn TP đã và đang tham gia điều trị COVID-19. Đây là lần đầu tiên, ngành y tế TP buộc phải huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với COVID-19 kéo dài gần 5 tháng qua như: bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần, cùng với việc phải huy động tổng lực nguồn nhân lực từ tất cả bệnh viện trên địa bàn tham gia công tác thu dung và điều trị COVID-19. Đây cũng là lần đầu tiên, ngành y tế TP nhận được sự hỗ trợ nguồn nhân lực đông đảo lên đến hàng nghìn người được Bộ Y tế huy động từ nhiều vùng trên khắp cả nước, nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của lực lượng Quân y từ Bộ Quốc phòng.