Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố đã lên kế hoạch huy động cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc để phòng chống dịch COVID-19 và coi tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng hàng đầu. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống dịch.

TP.HCM chủ động ứng phó tình huống xấu nhất với dịch COVID-19

Phan Thị Diệu | 16/03/2020, 23:09

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố đã lên kế hoạch huy động cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc để phòng chống dịch COVID-19 và coi tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng hàng đầu. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống dịch.

          

Chiều tối 16.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn. 

Cuối tháng 3, TP.HCM có thêm 10.000 bộ xét nghiệm

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM GS Nguyễn Tấn Bỉnh, các ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM đều là những ca xâm nhập. Sau 3 ca đã chữa khỏi, TP.HCM xuất hiện thêm 5 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 1 ca từ Anh về, 2 ca tiếp xúc bệnh nhân 34 tại Bình Thuận, 1 ca từ chuyến bay QR970 và 1 ca từ chuyến bay TK162. Như vậy, cả 5 ca nhiễm mới này đều là các ca xâm nhập, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện ca nào lây nhiễm từ 5 ca này, đây là một điều rất đáng mừng.

Tuy nhiên, hiện nay, số khách Việt Nam về từ các nước châu Âu và Mỹ rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế cửa khẩu rất vất vả. Vì vậy, Sở Y tế đang đề nghị để tránh ùn tắc cửa khẩu, thành phố cho phép lấy tờ khai y tế và mẫu xét nghiệm của những khách này tại địa điểm cách ly. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tại các cửa khẩu, yêu cầu khai báo y tế đối với cả khách quốc tế và khách nội địa, đặc biệt chú ý các chuyến bay nối chuyến đi qua vùng dịch.

“Thành phố đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm, trong tháng 3 có thêm 10.000 bộ, tháng 4 có thêm 20.000 bộ và trong tháng 5, 6 sẽ chuẩn bị 20.000 bộ xét nghiệm nữa để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh”, ông Bỉnh thông tin.

Đáng chú ý, Sở Y tế cũng đề nghị TP.HCM yêu cầu các quận huyện, phường xã quản lý, hạn chế tối đa các cuộc họp tập trung đông người trên địa bàn, báo cáo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP để có hướng xử lý.

Về các phương tiện, TP.HCM đã thiết lập bệnh viện dã chiến với quy mô 1.600 giường. Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi cũng đã được vận hành và điều trị 4 bệnh nhân. Sáng nay, Sở Y tế đã thiết lập 10 phòng áp lực âm ở bệnh viện dã chiến. Hiện tại, TP.HCM có 600 giường để điều trị bệnh COVID-19. Nếu dịch bệnh gia tăng vào tháng 5-6, Bệnh viện Ung Bướu cũng hoàn thành trong tháng 6 để điều trị.

TP.HCM họp trực tuyến - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

TP.HCM không thiếu tiền để phòng chống dịch

Tại TP.HCM, công tác chuẩn bị phòng chống dịch của thành phố lo được 1.300 chỗ cách ly, đang còn hơn 700 chỗ còn trống và từ tháng 5 thì tăng dự trữ lên được hơn 5.000 chỗ cách ly.

Thành phố đang cần mời thêm các bác sĩ và lực lượng cán bộ y tế cho công tác này và chuẩn bị thêm cả số lượng giường cho các khoa điều trị lây nhiễm để chuẩn bị cho tình huống phức tạp. “Muốn tình hình êm thì đừng để con số lây nhiễm bị vượt quá con số 1.000 người. Khi số lượng lớn thì sẽ rất khó, do đó phải kiểm soát ngay từ lúc này”, ông nói.

Theo ông Nhân, Việt Nam và TP.HCM có chủ trương yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch COVID-19.  Ở các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… có hệ thống y tế phát triển nhưng khi có virus này xuất hiện, họ không coi đeo khẩu trang là nhu cầu, không cách ly nguồn lây nhiễm. Kết quả là số người nhiễm bệnh ở những quốc gia này gia tăng với tốc độ cao, khó kiểm soát…  

Do đó, nếu không hạn chế bằng biện pháp đeo khẩu trang, cộng với phát hiện khoanh vùng sớm để cách ly thì chỉ cần mất 2 tuần một thành phố có thể có 4.000 người nhiễm, 2 tuần tiếp sẽ có 12.000 người nhiễm.

Ông Nhân cũng khẳng định TP.HCM không thiếu tiền cho phòng chống dịch, đặc biệt không thiếu khẩu trang. Vì vậy, ông đề nghị Sở Công Thương, các phường xã chủ động kết nối với hệ thống cung cấp và phân phối, chỉ ra cho được nơi nào người dân trên địa bàn có thể mua khẩu trang. Thành phố nhất quyết không thể để nhu cầu về khẩu trang trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Huy động cả lực lượng chính trị để chống dịch

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nói rằng, TP.HCM đã lên kế hoạch huy động cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc để phòng chống dịch và coi tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng hàng đầu. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống dịch, với phương châm 5 tại chỗ, bao gồm: “nhiệm vụ tại chỗ”; “chỉ huy tại chỗ” , “cơ sở vật chất tại chỗ”, “nhân lực tại chỗ” và “kinh phí tại chỗ”. 

Đối với các phản ánh của người dân về một số hiệu thuốc không có bán khẩu trang, tình trạng khẩu trang thiếu, ông Phong yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương rà soát lại và kịp thời xử lý. Ông cũng giao Sở Y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh trong từng tình huống; chuẩn bị kịch bản trong trường hợp bùng phát dịch bệnh.

Về các khu cách ly tập trung, hiện nay thành phố sẵn sàng có 25.000 chỗ cách ly, Sở Y tế cần nghiên cứu, sàng lọc để chia mức độ cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly. Dự kiến sắp tới thành phố sẽ sử dụng các quân khu để làm khu vực cách ly mới, tiếp nhận người cách ly từ các tỉnh.

Phan Diệu

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
4 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chủ động ứng phó tình huống xấu nhất với dịch COVID-19