Chiều 5.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

TP.HCM đang thúc đẩy người dân tham gia mở rộng các "vùng xanh"

T.V | 05/08/2021, 19:15

Chiều 5.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng thời gian vừa qua, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP.HCM, ý thức chấp hành của người dân, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rất tích cực. Từ ý thức của người dân, tinh thần tự quản của cộng đồng, nỗ lực xây dựng các "vùng xanh" ở các địa bàn đang rất tập trung và có kết quả.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đang theo dõi, thúc đẩy người dân tham gia mở rộng các địa bàn an toàn, mở rộng "vùng xanh". “Khi người dân đã ý thức, đã tự thực hiện các biện pháp nhắc nhau, thậm chí là tổ chức phân công túc trực, thì chính nỗ lực của người dân sẽ mang lại kết quả cho cộng đồng nơi mình sinh sống”.

Theo ông Phan Văn Mãi, các hoạt động chính như việc điều trị, chăm lo cho người dân đã đi vào nề nếp, vận hành khá bài bản, giải quyết được vướng mắc, hạn chế. Điều đó cho thấy có bước tiến của TP.HCM. Hiện còn hai việc mà TP.HCM đang rất lưu tâm, tập trung.

Càng ngày càng có đông người cần điều trị, càng ngày số chuyển nặng nhiều hơn, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị có giới hạn. Vì thế, đang tạo ra áp lực rất lớn đối với TP.HCM. Để giải quyết, TP.HCM không chỉ tăng cơ học về nhân lực, trang thiết bị vật chất là được, mà phải tổ chức lại, làm sao cho sự phối hợp tốt hơn. Thậm chí, có quy trình phải được cải tiến, rút ngắn hơn để tiết kiệm thời gian hơn.

phanvanmai_fjwh.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Cao Thăng/SGGP

Do thời gian dài thực hiện giãn cách, các hoạt động sản xuất kinh doanh dừng lại, rất nhiều người dân từ lâu không đi làm, không có thu nhập, tích lũy cạn dần. Tình trạng đó tạo ra sức ép lên đời sống của người dân. Về việc này, TP.HCM huy động các nguồn lực từ trong dân, từ doanh nghiệp, từ ngân sách, từ các quỹ dự trữ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, TP.HCM chưa đến nỗi thiếu nguồn lực hỗ trợ. Vấn đề là làm sao phát hiện được nhu cầu cần giúp đỡ của người dân khắp các nơi ở TP.HCM, và mang tới hỗ trợ từng người. Nhu cầu ngày càng lớn, phát sinh mới, đòi hỏi TP.HCM cần kịp thời cập nhật, biết người dân khó khăn đang ở đâu và kịp thời hỗ trợ.

Ông Phan Văn Mãi nhận xét. “Đó là hai vấn đề đang tạo ra áp lực ngày càng lớn và TP.HCM phải nhanh nhạy hơn, bao quát hơn để có thể phát hiện và đáp ứng được”,

Theo ông Phan Văn Mãi, vấn đề đặt ra bây giờ là TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến số ca F0 cần điều trị, số ca F0 chuyển nặng và số ca tử vong, để tập trung nguồn lực, tập trung giải pháp thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là điều trị, cứu người. Đồng thời, TP.HCM quan tâm đến số ca điều trị khỏi, để từ đó rút kinh nghiệm, làm tốt hơn cho công tác điều trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, trong 5 tầng điều trị của TP.HCM thì tầng 3, tầng 4 đang có áp lực nhiều. Tầng 3, tầng 4 và tầng 5 gần như đầy hết năng lực. Và hiện tại, TP.HCM phải tập trung rất nhiều ở 2 khía cạnh. Đó là tổ chức lại và xem xét những quy trình nào có thể rút ngắn, cải thiện hơn rồi sắp xếp để có thêm không gian tiếp nhận phục vụ điều trị, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu.

Cần tập trung liên thông các tầng này. Nếu F0 ở tầng 3 chuyển nặng thì chuyển tầng 4, tầng 5 thế nào và ngược lại, khi tầng 5 có F0 đã được điều trị có kết quả nhẹ hơn thì chuyển xuống tầng 4, tầng 3 ra sao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cũng nêu thực trạng, có những bệnh viện trước đây không điều trị bệnh nhân COVID-19. Vấn đề là mở rộng không gian điều trị, thì những nơi này cần đầu tư trang thiết bị ra sao để có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Nếu các cơ sở này không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thì sẽ tiếp nhận bệnh nhân không COVID-19 ở các bệnh viện khác để các bệnh viện khác mở rộng không gian điều trị bệnh COVID-19.

TP.HCM đang cập nhật hàng ngày những vấn đề này, điều chỉnh hàng ngày sao cho hợp lý hơn, khoa học hơn để có thể tiếp nhận nhiều hơn, nhanh hơn bệnh nhân có nhu cầu cấp cứu, nhu cầu điều trị. Việc thứ hai, hiện tại TP.HCM đang chuyển thêm 3 bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng thu dung điều trị lên tầng điều trị. Như vậy, TP.HCM có 5 bệnh viện với tổng công suất 1.000 giường. TP.HCM đang quyết liệt để cuối tuần này có thể nhận tối đa thêm 1.000 giường nữa ở tầng 3.

Bên cạnh 4 bệnh viện ở tầng 5 đang triển khai, thì Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đang đạt quy mô 500 giường. TP.HCM khẩn trương mở rộng theo kế hoạch là 1.000 giường. Đây là tầng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, hồi sức, các dịch vụ phục vụ cũng đòi hỏi rất cao. Nên TP.HCM đang vướng về nhân lực và trang thiết bị.

Hiện tại, TP.HCM tập trung nguồn lực từ Trung ương và nguồn lực của TP.HCM để mở rộng. Đồng thời, Trung ương đang chỉ đạo triển khai 4 trung tâm hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược thực hiện. Đến ngày 4-8, Bệnh viện Đại học Y Dược đã triển khai được 50 giường hồi sức ở cơ sở tại quận Bình Tân. Các bệnh viện còn lại đang khẩn trương để cuối tuần này có thể nhận bệnh đầu tiên và sau đó hoàn thiện với quy mô 2.000 giường.

Như vậy, cộng với 1.000 giường từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM thì TP.HCM có khoảng 3.000 giường. Qua đó, các tầng đều nâng công suất điều trị, mở rộng thêm năng lực tiếp nhận mới.

Liên quan chăm lo cho người dân, ông Phan Văn Mãi nhận xét, do thời gian giãn cách lâu, việc tích lũy của người dân – nhất là người dân lao động kiếm sống hàng ngày đang rất khó khăn, nên TP.HCM đã quyết định có gói hỗ trợ thứ hai cho đợt hỗ trợ thứ 2.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM cố gắng bao quát hết đối tượng hỗ trợ nhưng cũng rất khó có thể bao quát hết những người đang có mặt tại TP.HCM và đang khó khăn. Vì thế, TP.HCM đang tập trung một chiến dịch để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo lương thực, thực phẩm.

“Có thể nói, tất cả người dân đang có mặt ở TP.HCM lúc này nếu khó khăn về lương thực thực phẩm, thì TPHCM đảm bảo cung cấp cho người dân. Việc đảm bảo không phải 1 tuần mà nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng sắp tới nếu tình hình còn tiếp tục khó khăn”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.

“Với những nguồn lực của ngân sách, của MTTQ vận động, của sự giúp đỡ từ người dân thì tin rằng, việc chăm lo cho đời sống người dân dù ngày càng có quy mô lớn hơn, có nhiều khó khăn hơn, nhưng TPHCM sẽ thực hiện được”, ông Phan Văn Mãi đánh giá.

Bài liên quan
Loạt sách lan tỏa văn hóa đọc của NXB Tổng hợp TP.HCM
Nhằm tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc sách, NXB Tổng hợp TP.HCM sẽ cùng đồng hành với chương trình Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với nhiều đầu sách hay, có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đang thúc đẩy người dân tham gia mở rộng các "vùng xanh"