Hiện TP.HCM đang bước vào những ngày hè nắng nóng gay gắt, có lúc nhiệt độ ngoài trời trên 37 độ C. Nắng nóng gay gắt không những gây cảm giác khó chịu mà còn khiến người dân dễ mắc bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.

TP.HCM khuyến cáo người dân phòng bệnh mùa nắng nóng

13/05/2020, 20:40

Hiện TP.HCM đang bước vào những ngày hè nắng nóng gay gắt, có lúc nhiệt độ ngoài trời trên 37 độ C. Nắng nóng gay gắt không những gây cảm giác khó chịu mà còn khiến người dân dễ mắc bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.

Nắng nóng gay gắt đang diễn ra tại TP.HCM - Ảnh: PV

Nhiều bệnh tật phát sinh trong những ngày hè nắng nóng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, vào mùa hè nắng nóng rất dễ phát sinh những bệnh truyền nhiễm, các bệnh về da... Bên cạnh đó, thời tiết trời nắng nóng như hiện nay ở TP rất dễ gây ngộ độc thực phẩm, sốc nhiệt, tăng huyết áp kịch trần đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, đột quỵ...

Trong đó, những bệnh rất dễ xảy ra vào mùa hè nắng nóng như: viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu hoặc vi khuẩn H.influenzae, tay chân miệng, thủy đậu. Đây là các bệnh có thể lây lan thành dịch. Nắng nóng kết hợp với mưa chuyển mùa trong giai đoạn này ở TP cũng là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn phát triển gây ra sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, thêm vào đó là thói quen thức ăn chưa đươc nấu chín (tiết canh, nem chua, bò tái...) rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Nắng nóng gay gắt như hiện nay rất dễ gây ra các bệnh về da, nhất là bệnh rôm, sẩy (trẻ nhỏ), viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema). Tác hại của các bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể...

Nguy cơ mất nước và điện giải do ra mồ hôi nhiều, nhất là người làm việc dưới nắng nóng. Mất nước và chất điện giải sẽ làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt, thậm chí trụy tim mạch. Với những người lao động dưới trời nắng nóng, hoặc tắm sông, tắm biển… lúc nắng, nóng có thể bị sốc nhiệt.

Người bệnh tăng huyết áp có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột. Trong trường hợp bệnh nhân tắm nước lạnh, sử dụng máy lạnh nhiệt độ thấp bước ra bên ngoài nhiệt độ nóng, hoặc vừa ở ngoài trời nắng nóng vào phòng máy lạnh hoặc đang nóng, ra nhiều mồ hôi tắm nước lạnh ngay dễ dẫn đến đột quỵ.

Người dân phòng tránh bằng cách nào?

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, để phòng chống các bệnh trong mùa nắng nóng như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu... người dân nên đưa trẻ tim vắc xin. Vệ sinh cá nhân thường xuyên, nhất là rửa tay; vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.

Người dân không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25 đến 27 độ và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người.

Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm như: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi trẻ khát.

Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12-16 giờ chiều. Người dân nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

7 khuyến cáo của TP.HCM về phòng bệnh trong mùa nắng nóng:

1.Người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng.

2. Uống nhiều nước đặc biệt là người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh, hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol... Tuy nhiên nên uống nhiều nước đá, hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

3. Không để điều hòa nhiệt độ trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

4.Thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

5.Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

6.Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

7.Sử dụng nhà tiêu hợp về sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM khuyến cáo người dân phòng bệnh mùa nắng nóng