Giới chức huyện Vĩnh Hưng thuộc thành phố Sâm Châu (tỉnh Hồ Nam) đang tiến hành điều tra vụ việc ít nhất 5 trẻ sơ sinh gặp vấn đề về sức khỏe sau khi uống một sản phẩm được nơi bán ra giới thiệu là sữa công thức.
Sản phẩm mang tên Bội An Mẫn. Cha mẹ của 5 trẻ sơ sinh từng dùng sữa này trình báo rằng con họ bị chàm, sụt cân đột ngột, đầu sưng to. Các bé còn liên tục vỗ vào đầu, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán là còi xương.
Theo đài truyền hình Hồ Nam, các gia đình trên trước đó đến một cơ sở thuộc chuỗi cửa hàng Ái Anh Phường (Love Baby) mua sữa bột axit amin vì con họ dị ứng sữa công thức thông thường. Nhân viên bán hàng giới thiệu Bội An Mẫn là sản phẩm tốt nhất được nhiều trường hợp dị ứng sữa tin dùng.
Một bà mẹ họ Châu phát hiện nhãn ghi Bội An Mẫn là thức uống protein, nhưng nhân viên một mực khẳng định đây là tên gọi khác của sữa công thức.
Một bà mẹ họ Trần cho biết cô bắt đầu lo lắng khi phát hiện trán con mình sưng to. Chưa rõ các bé sử dụng Bội An Mẫn trong bao lâu. Tất cả đều thiếu cân, thiếu vitamin D, thấp còi.
Một trường hợp khác cho con dùng đến 6 tháng trước lúc bác sĩ khuyên nên đổi loại sữa. Bà chia sẻ: “Con tôi không lớn lên và không biết đi dù đã 18 tháng tuổi. Bây giờ tôi mới biết lý do là vì uống sữa công thức giả. Tôi lo ngại đứa bé sẽ gặp vấn đề về sức khỏe trong tương lai”.
Chính quyền Vĩnh Hưng cam kết tổ chức khám sức khỏe miễn phí và điều trị cho tất cả trẻ bị ảnh hưởng. Cơ sở Ái Anh Phường nêu trên mua 47 lon Bội An Mẫn từ Công ty Waverock Hồ Nam, đến tháng 10.2019 đã bán hết toàn bộ.
Phía Waverock cho biết Bội An Mẫn là thực phẩm thông thường ai cũng có thể sử dụng, đạt chuẩn quốc gia. Sản phẩm có nhãn mác rõ ràng và công ty không hề quảng cáo sai.
Waverock cũng khẳng định không liên quan đến chuyện nhân viên cơ sở Ái Anh Phường quảng cáo Bội An Mẫn là sản phẩm dành cho trẻ em dị ứng sữa công thức thông thường. Họ đã ngừng sản xuất mặt hàng này từ năm ngoái.
Đây là vụ nhập nhèm giữa thuốc uống dinh dưỡng dạng bột với sữa công thức thứ 2 tại thành phố Sâm Châu trong năm nay. Hồi tháng 3, hơn chục gia đình tố cáo Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố móc nối hiệu thuốc tư nhân tiếp thị “sữa giả” mang tên Sunbaby – sản phẩm mà cơ quan quản lý thị trường sau đó xác định là thuốc uống dinh dưỡng dạng bột.
Hai vụ việc trên càng khiến cho thực phẩm cho trẻ em Trung Quốc thêm mất uy tín. Các bậc cha mẹ tại nước này vốn đã chẳng thể nào đặt niềm tin vào hàng nội địa kể từ sau bê bối hóa chất dùng trong sản xuất nhựa melamine xuất hiện trong sữa bột khiến 300.000 trẻ bị đầu độc năm 2008.
Cẩm Bình (theo SCMP, Sina)