Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ vừa mắc bệnh tay chân miệng xong sẽ không bị nữa nên chủ quan, không phòng ngừa và vẫn tiếp xúc với nguồn lây. Điều này vô tình khiến trẻ bị mắc bệnh trở lại.

Trẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng có bị mắc trở lại không?

Hồ Quang | 08/05/2023, 16:30

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ vừa mắc bệnh tay chân miệng xong sẽ không bị nữa nên chủ quan, không phòng ngừa và vẫn tiếp xúc với nguồn lây. Điều này vô tình khiến trẻ bị mắc bệnh trở lại.

Bệnh tay chân miệng: Hết bị chủng này thì bị chủng khác

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh tay chân miệng có thể gặp quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 đến tháng 12 và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Như vậy, đây là thời điểm bệnh tay chân miệng có sự lây lan và bùng phát cao trong năm.

tre0vua-khoi-benh-tay-chan-mieng-comac-benh-tro-lai-khong-hinh-anh(1).png
Nổi ban hồng, mụn nước - triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ - Ảnh: PV

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Mặc dù trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng, nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh này không bền vững.

Chia sẻ thêm về điều này, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Và điều quan trọng là cho đến hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này, vì thế khả năng tạo kháng thể chống lại siêu vi gây bệnh tay chân miệng là rất thấp.

Ngoài ra, siêu vi đường ruột là một loại siêu vi có rất là nhiều chủng, nhiều họ và có thể lây lan cho nhau. Chính vì thế, những trẻ đã từng bị mắc tay chân miệng thì vẫn có thể mắc lại căn bệnh này, nhưng của những chủng khác.

"Trong tất cả các chủng gây bệnh tay chân miệng cho người gồm có các chủng là: chủng A, chủng B, chủng C và trong các chủng đó thì nhóm Enterovirus 71 thuộc chủng A là có thể gây biến chứng", bác sĩ Tiến cho biết thêm.

Biểu hiện sớm nhất của bệnh tay chân miệng là gì?

Bác sĩ Lưu thông tin về các dấu hiệu của bệnh nhằm giúp người nhà sớm nhận biết con em mình mắc bệnh gồm: sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi ban hồng, mụn nước ở các vị trí thường gặp như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.

Thông thường, biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó sẽ xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét, đau rát. Mụn nước, bọng nước sẽ tiếp tục xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông.

Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não bộ như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não, hay các biến chứng khác về tim mạch và hô hấp. Đây là các biến chứng rất nguy hiểm, có thể tử vong nhanh nếu không được xử lý kịp thời.

Do đó, bác sĩ Lưu khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, theo dõi tái khám mỗi ngày đến 7 ngày của bệnh, và chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng: sốt cao liên tục, khó hạ; giật mình nhiều (> 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút); run chi, đi loạng choạng; co giật; ói nhiều; thở nhanh, thở mệt; tím tái; lơ mơ, hôn mê.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng ngừa nên các phụ huynh có thể phòng ngừa cho trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Nếu trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp; giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ; thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, cũng như xử lý phân, dịch tiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
33 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng có bị mắc trở lại không?