CHDCND Triều Tiên mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp phải đối phó trong năm tới sở hữu năng lực quân sự cải thiện đáng kể.
Chiến dịch duy trì trừng phạt nhằm giữ lợi thế đàm phán của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump quả thực khiến kinh tế Triều Tiên thiệt hại nặng, nhưng song song đó cũng thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un xây dựng lực lượng quân đội ít phụ thuộc nước ngoài hơn.
Quốc gia Đông Bắc Á trong 2 năm qua phóng thử hàng loạt tên lửa đe dọa đến các đồng minh của Mỹ ở khu vực, xây dựng nên đội xe đặc biệt đủ sức triển khai số tên lửa (mang được đầu đạn hạt nhân) này đến bất cứ đâu, và dường như đang đóng một tàu ngầm. Giới chuyên gia nhận định hầu hết khí tài mới đều là hàng tự sản xuất – dấu hiệu cho thấy gây sức ép tối đa bằng trừng phạt không khiến nhà lãnh đạo Kim suy nghĩ lại về chương trình phát triển vũ khí.
Qua gần 1 thập kỷ cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim chứng tỏ được năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân vượt trội so với thời cha và ông mình. Đây sẽ là thách thức lớn cho nhiệm vụ giải trừ toàn bộ chương trình hạt nhân mà Tổng thống đắc cử Biden phải thực hiện.
Bom hạt nhân
Dù suốt 3 năm không thử thêm bất cứ quả bom hạt nhân nào, nhưng giới chuyên gia tin rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục đạt tiến bộ trong phát triển đầu đạn xuyên thủ được hệ thống phòng thủ Mỹ. Ủy ban theo dõi trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đầu năm nay từng công bố báo cáo xác định quốc gia Đông Bắc Á nhiều khả năng đã có thể chế tạo thiết bị hạt nhân thu nhỏ đặt vừa đầu đạn tên lửa đạn đạo.
Ước tính nhà lãnh đạo Kim mỗi năm đủ sức sản xuất lượng vật liệu phân hạch nhiều gấp 6 lần cha của ông. Theo giáo sư Siegfried Hecker thuộc đại học Stanford, Triều Tiêu hoàn toàn có thể sản xuất uranium làm giàu cao lẫn deuterium và tritium (nguyên liệu cho bom khinh khí mạnh hơn bom hạt nhân).
Quả bom mà chính quyền Bình Nhưỡng cho nổ nước lòng đất vào tháng 9.2017 được cho mạnh gấp 10 lần quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.
Tên lửa đạn đạo
Triều Tiên 2 năm qua trình làng vài mẫu tên lửa đạn đạo lớn hơn, uy lực hơn, dễ triển khai và dễ phóng hơn.
Tại một cuộc diễu binh tháng 10, nước này cho ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới cỡ lớn mang được nhiều đầu đạn. Giới chuyên gia đánh giá nếu đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những ICBM trên bộ lớn nhất thế giới.
Năm 2019, quốc gia Đông Bắc Á từng phóng tên lửa Pukguksong dùng nhiên liệu rắn có thể phóng ngay mà không cần chuẩn bị nhiều. Họ cũng thử nghiệm tên lửa KN-23 tầm ngắn.
Lực lượng thông thường
Cuộc diễu binh tháng 10 cho thấy Triều Tiên đủ sức sản xuất khí tài cùng quân trang hiện đại như hệ thống phòng không, vũ khí hóa học, súng trường cho binh sĩ. Chuyên gia vũ khí Joost Oliemans còn chỉ ra rằng đội xe vận chuyển tên lửa xuất hiện trong cuộc diễu binh là minh chứng ngành công nghiệp xe hạng nặng của Triều Tiên đã đạt nhiều tiến bộ lớn, có thể cho ra đời hàng loạt xe chiến đấu bọc thép mới.
Trang tin tuyên truyền Naenara từng phát hành sách ảnh giới thiệu vũ khí bằng 9 thứ tiếng. Truyền thông Triều Tiên năm 2019 đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim thị sát xưởng đang đóng 1 tàu ngầm mới.
Nghiên cứu quân sự
Số khí tài nêu trên thể hiện rõ Triều Tiên đủ khả năng ứng dụng công nghệ nước ngoài để cải tiến và phát triển vũ khí của nước này. KN-23 dường như là sản phẩm dựa trên thiết kế tên lửa Nga Iskander, nhưng ICMB ra mắt tháng 10 có vẻ là hàng tự thiết kế.
Theo tạp chí The Diplomat, chính quyền Bình Nhưỡng dành nhiều đặc quyền cho đội ngũ nhà khoa học, thông qua khoảng 130 tổ chức để chu cấp cho họ.