Trong khối Liên minh châu Âu, Ba Lan là nước bị EU chỉ trích nhất về vấn đề đối xử với cộng đồng người LGBT.

Trong lúc hăng hái bài Nga, Ba Lan vẫn bị Phương Tây soi xét vấn đề đối xử với cộng đồng LGBT

Anh Tú | 07/04/2022, 06:59

Trong khối Liên minh châu Âu, Ba Lan là nước bị EU chỉ trích nhất về vấn đề đối xử với cộng đồng người LGBT.

Trang Notes from Poland do người Anh thành lập chuyên đưa tin về Ba Lan hôm qua đã trích lời ngoại trưởng Anh Liz Truss ca ngợi Warsaw đã giúp đỡ người tị nạn Ukraine chạy loạn. Tuy nhiên, họ vẫn tỏ ra không hài lòng về tình trạng quyền của người LGBT tại quốc gia này.

ba-lan2.jpg
Bà Kasia trở thành biểu tượng khiến chính quyền Ba Lan nóng mắt

Cùng ngày, trang này vừa đưa tin một nhà hoạt động được biết đến với cái tên “Babcia Kasia” (“Bà Kasia”), người đã trở thành hình ảnh thường thấy trong các cuộc biểu tình ủng hộ quyền của phụ nữ và LGBT, một lần nữa phải đối mặt với cáo buộc tấn công cảnh sát. Đây là cáo trạng mới nhất trong một loạt các cáo trạng tương tự chống lại bà Kasia, mặc dù bà vẫn chưa phải nhận một bản án ràng buộc.

Cáo buộc mới nhất liên quan đến các sự kiện diễn ra vào ngày 11.11 năm ngoái trong lễ Tháng Ba Độc lập được tổ chức hàng năm của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc ở Warsaw. Sự kiện này do ba nhóm cực hữu tổ chức, thu hút hàng chục nghìn người tham gia nhưng cũng có cả những người chống phát xít.

Trong sự kiện năm ngoái, bà Kasia có tham gia một nhóm tụ tập tại Dmowski Roundabout, nơi cuộc tuần hành bắt đầu và bị cảnh sát cưỡng chế giải tán.

Một trong những người biểu tình cùng bà Kasia, Wojciech Kinasiewicz nói với TVN24 vào thời điểm đó rằng cảnh sát đã hành động theo cách "đặc biệt tàn bạo", gồm cả lăng mạ với những người biểu tình khi giải tán họ.

Người phát ngôn của cảnh sát Warsaw, Sylwester Marczak, cho biết vì lý do an toàn, họ đã yêu cầu nhóm di chuyển cách xa nơi diễu hành 100 m. Sau khi những người biểu tình từ chối, "một quyết định đã được đưa ra để sơ tán những người này khỏi giao lộ".

Cảnh sát buộc tội bà Kasia đã tấn công và nhổ nước bọt vào họ, cũng như la hét những lời thô tục. Sau đó, ngay cả một nghị sĩ cánh tả hàng đầu, Anna-Maria Żukowska, đã kêu gọi mọi người “không nên coi một người hung hăng, lăng mạ và hành hung thô bạo người khác thành người hùng”.

ba-lan.jpg
Cảnh sát Ba Lan có mặt trong một cuộc diễu hành LGBT

Hôm 6.4, văn phòng công tố quận ở Warsaw thông báo rằng họ đã truy tố bà Kasia về các tội xâm phạm sự toàn vẹn thân thể của một sĩ quan cảnh sát (một tội danh có mức án tù lên đến ba năm) và xúc phạm một sĩ quan. Họ nói rằng bà Kassa đã đẩy một nữ cảnh sát và cố gắng lấy máy ảnh của cô ấy.

Các công tố viên trước đó đã đưa ra ít nhất 12 cáo trạng về những tội danh tương tự đối với bà Kasia vì những hành động của bà này đối với cảnh sát tại các cuộc biểu tình trước đó. Theo hãng thông tấn Ba Lan (PAP), hai vụ đã được đệ đơn vào tháng 2 năm nay, và một vụ khác vào tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, cho đến nay, bà Kasia vẫn chưa nhận được bản án ràng buộc pháp lý cho bất kỳ hành vi phạm tội nào. Tháng 10 năm ngoái, một thẩm phán đã kết tội bà Kasia tấn công cảnh sát theo một quy trình pháp lý khẩn cấp. Thế nhưng, bà đã sử dụng quyền của mình để phản đối quyết định đó và yêu cầu một phiên tòa đầy đủ, vẫn chưa diễn ra.

Bà Kasia cũng đã giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý vào tháng 12, khi Tòa án tối cao bác bỏ kháng cáo của các công tố viên chống lại phán quyết của phiên tòa trước đó đã tuyên bà trắng án, phủ nhận tội danh tấn công cảnh sát trong một cuộc biểu tình hồi tháng 4 năm ngoái. Nhưng đó chỉ là một chiến thắng trong một loạt cáo buộc khác mà thôi.

Trong khối Liên minh châu Âu, Ba Lan là nước bị EU chỉ trích nhất về vấn đề nhân quyền đối với cộng đồng người LGBT.

Vào năm 2019, các cuộc tấn công chống lại cộng đồng LGBT (hay LGBTQ +) ở Ba Lan đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể sau bài hùng biện chống LGBT của lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski trong chiến dịch tái tranh cử. Khi đó, ông Kaczynski đã tuyên bối đồng tính luyến ái là “mối đe dọa đối với bản sắc Ba Lan, đối với quốc gia của chúng ta, đối với sự tồn vong của đất nước và đối với nhà nước Ba Lan”.

Hiện Kaczynski là Phó thủ tướng và là người lãnh đạo trên thực tế tại Ba Lan. Cách đây ít ngày, Phó thủ tướng Kaczynski vừa tuyên bố giục Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan để răn đe Nga.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của ILGA-Europe, một tổ chức quốc tế về quyền của người đồng tính nam, Ba Lan hiện được xếp hạng là quốc gia kỳ thị người đồng tính nhất trong Liên minh châu Âu. Các nhà hoạt động nói rằng bạo lực đối với người đồng tính ở Ba Lan đã tăng mạnh vào năm 2019, bao gồm các trường hợp bạo lực thể chất, lăng mạ và phá hủy tài sản.

Cách đây 1 năm, The New York Times mô tả: Trong nhiều tháng, các bộ trưởng trong chính phủ đã đưa ra những lời nhận xét ác ý về những người đồng tính. Thông điệp thù địch chống người đồng tính nam từ loa phóng thanh được gắn trên xe chạy khắp đường phố ở Ba Lan.

Theo The New York Times, đồng tính luyến ái từ lâu đã trở thành điều cấm kỵ ở Ba Lan, nơi Giáo hội Công giáo La Mã, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội của đất nước, đã hợp tác với chính phủ để thúc đẩy lối sống gắn với các giá trị truyền thống.

Nhà thờ, đặc biệt có ảnh hưởng ở các vùng nông thôn, đã áp dụng thái độ bài xích đối với những người đồng tính. Ông Dehnel, nhà văn chuyển đến Berlin năm 2018, nói rằng đó là “động lực của sự căm ghét” đối với cộng đồng người đồng tính.

Trả lời yêu cầu bình luận, Giáo hội Ba Lan đã ra văn bản nêu rõ quan điểm của mình, nói rằng “khuynh hướng” đồng tính không cấu thành “tội lỗi đạo đức”, nhưng các hành vi đồng tính thì có. Họ từ chối bình luận về cáo buộc rằng các bài giảng đạo lý đang góp phần vào sự suy giảm chung về sự an toàn của những người đồng tính ở Ba Lan.

Cha Marek Jedraszewski, tổng giám mục của Ba Lan, đã mô tả những người LGBT là một “hệ tư tưởng”, gọi đó là “loài cầu vồng gây hại”.

Đảng Luật pháp và Công lý, nắm quyền từ năm 2015, đã củng cố quan điểm của mình bằng việc tiến hành các chiến dịch thù địch, trước tiên tập trung vào những người di cư (Ba Lan rất kiên quyết ngăn người di cư ở biên giới) và sau đó là cộng đồng LGBT.

Przemyslaw Czarnek người đã được thăng chức Bộ trưởng Giáo dục khi còn là Thứ trưởng Bộ Tư pháp từng nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình: “Những người này không giống những người bình thường” và cam kết: “Chúng ta nên bảo vệ các gia đình khỏi loại phá hoại, sa đọa, hành vi hoàn toàn vô đạo đức này”.

Trước khủng hoảng Ukraine, Phương Tây rất dị ứng với chính sách thù địch LGBT của chính quyền Ba Lan. Thậm chí năm 2020, Hội đồng thành phố Nieuwegein, phía nam Utrecht (Hà Lan), đã thông qua việc chấm dứt quan hệ kết nghĩa với thành phố Puławy ở miền đông Ba Lan, với số phiếu thuận gần như tuyệt đối. Lý do là Thành phố Puławy tuyên bố sẽ không cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phi chính phủ thúc đẩy quyền bình đẳng.

Bożena Krygier, chủ tịch hội đồng thành phố Puławy, nói với đài truyền hình Hà Lan RTL Nederland: "Ba Lan là Ba Lan với bản sắc riêng, lịch sử riêng và tư tưởng riêng. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng các thành phố đối tác không nên can thiệp vào các quyết định của chúng tôi".

Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng Ukraine xảy ra thì sự chú ý của Phương Tây đổ vào Ba Lan ở góc độ khác, việc chú đến quyền lợi của người LGBT ở Ba Lan có phần sút giảm. Mặc dù vậy, bài viết mới đây trên Note from Poland chính là lời nhắc nhở châu Âu sẽ không hài lòng nếu Ba Lan vẫn suy nghĩ khác với châu Âu trong vấn đề cư xử với người LGBT.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm
2 giờ trước Sự kiện
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (ASEAN Future Forum - AFF 2024) diễn ra vào ngày 23.4 tại Hà Nội. Đây là sáng kiến của Việt Nam, thể hiện sự chủ động thúc đẩy, duy trì và nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong lúc hăng hái bài Nga, Ba Lan vẫn bị Phương Tây soi xét vấn đề đối xử với cộng đồng LGBT