Trực thăng Ingenuity đã không bị hư hỏng sau một đêm trải qua nhiệt độ -90 độ C trên hành tinh đỏ.
Ingenuity, trực thăng lắp động cơ cánh quạt đầu tiên được đưa tới sao Hỏa, là một thách thức với các kỹ sư thiết kế vì một số lý do. Nó cần đủ nhỏ để gắn bên dưới Perseverance mà không ảnh hưởng tới nhiệm vụ của robot tự hành là tìm kiếm bằng chứng về sự sống vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa.
Robot Perseverance của NASA đã hạ cánh an toàn xuống miệng núi lửa Jezero trên bề mặt sao Hỏa vào ngày 18.2. Trực thăng Ingenuity đã trải qua nhiều chuyển động để mở cánh bên dưới robot và tách ra từ vùng bụng của Perseverance hôm 3.4. Sau đó, Ingenuity được thả xuống bề mặt sao Hỏa và phải tồn tại trong đêm ở nhiệt độ -90 độ C.
Mặc dù nhiệt độ khắc nghiệt này có thể làm đóng băng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho pin trên bo mạch của Ingenuity và các bộ phận điện khác, nhưng trên thực tế mẫu trực thăng nặng 1,8 kg đã an toàn vượt qua đêm lạnh đầu tiên, theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.
“Đây là lần đầu tiên trực thăng Ingenuity đậu trên bề mặt sao Hỏa. Phương tiện trang bị lớp cách nhiệt, bộ sưởi phù hợp và có đủ năng lượng trong bộ pin để sống sót qua đêm lạnh. Điều này thật lớn lao, đó là một trong những thành tựu rất lớn mà chúng tôi mong đợi”, Teddy Tzanetos, trưởng nhóm hoạt động Ingenuity, cho biết.
Với cột mốc quan trọng này, trực thăng Ingenuity từ chỗ phải dựa vào robot tự hành Perseverance để có nguồn điện hoạt động, thì nay đã có thể vận hành nhờ vào pin mặt trời. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ cần phải hoàn thành trước khi Ingenuity sẵn sàng cho chuyến bay đầu tiên.
Đầu tiên, nhóm hoạt động Ingenuity sẽ sạc thiết bị bằng cách sử dụng pin mặt trời, đảm bảo trực thăng đang thu thập và sử dụng năng lượng đúng như họ dự đoán. Điều này rất quan trọng vì năng lượng từ pin mặt trời sẽ vừa giúp giữ ấm qua đêm cho Ingenuity, vừa cung cấp năng lượng cho các chuyến bay.
Tiếp theo, nhóm sẽ mở khóa các cánh của trực thăng Ingenuity, theo MiMi Aung, giám đốc dự án Ingenuity ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Cánh quạt của chiếc trực thăng đang xếp chồng lên nhau sẽ được mở ra vào ngày 7.4. Ban điều khiển trên Trái đất sẽ gửi lệnh để trực thăng “động đậy” cánh. Sau đó, họ sẽ thực hiện quay cánh quạt chỉ khoảng 50 vòng/phút lúc đầu, rồi tăng lên tốc độ tối đa khoảng 2.400 vòng/phút.
Ingenuity dự kiến sẽ cất cánh sớm nhất vào ngày 11.4. Trực thăng này sẽ thực hiện chuyến bay có kiểm soát sử dụng động cơ đầu tiên trên hành tinh khác. Để kỷ niệm thành tựu tương tự trên Trái đất, Ingenuity mang theo miếng vải từ chiếc máy bay của anh em nhà Wright, Flyer 1.
Nhiệm vụ của Ingenuity khá ngắn so với kế hoạch khám phá miệng hố Jezero trong 2 năm của robot Perseverance. Chiếc trực thăng sẽ thực hiện 5 chuyến bay thử nghiệm trong vòng 30 ngày Trái đất. Trong suốt thử nghiệm bay đầu tiên kéo dài khoảng 30 giây, Ingenuity sẽ bay lên cao khoảng 3 m, đổi hướng và tiếp đất. Những chuyến bay tiếp theo sẽ kiểm tra khả năng bay cao và lâu hơn của phương tiện này.