Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tăng cường hiện diện ở khu vực gần biên giới sau khi xảy ra đụng độ gây chết người.

Trung - Ấn phô diễn sức mạnh quân sự gần biên giới

27/06/2020, 12:29

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tăng cường hiện diện ở khu vực gần biên giới sau khi xảy ra đụng độ gây chết người.

Một cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc tại Tây Tạng - Ảnh: SCMP

Hình ảnh vệ tinh chụp đầu tuần qua của công ty công nghệ vũ trụ Maxar cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng thêm một số công trình trên thung lũng Galwan. Công trình mới có boongke, lều, cơ sở chứa khí tài.

Không những vậy, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin quân đội nước này tiến hành ít nhất ba cuộc tập trận tại Tây Tạng trong hai tuần qua.

Cuộc tập trận mới nhất được đài truyền hình quân đội Trung Quốc đưa tin hôm 24.6, diễn tập kiểm tra năng lực hậu cần và kỹ thuật của một lữ đoàn tiền tuyến.

Hai ngày trước đó đài phát sóng hình ảnh một cuộc tập trận tấn công bắn đạn thật với hơn xe tăng hạng nhẹ Type 15, xe bọc thép tự hành PLZ-07, pháo đa nòng Type 81. Một chỉ huy tên Lưu Kiến cho biết mục tiêu tập trận là kiểm tra năng lực bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 1.800 m trong vòng 8 giây khi xe tăng di chuyển.

Một cuộc tập trận bắn đạn thật khác tại phía nam dãy núi Nyenchen Tanglha quy tụ lục quân, máy bay trực thăng, máy bay không người lái.

Bên kia biên giới, Ấn Độ triển khai xe tăng chiến đấu T-90 Bhishma đến vùng Ladakh sát thung lũng Galwan. Không quân nước này thường xuyên tuần tra khu vực biên giới tranh chấp.

Không quân Ấn Độ xuất hiện gần biên giới giáp Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc đánh giá dù phô diễn sức mạnh sâu bên trong lãnh thổ nước mình, nhưng Trung Quốc thể hiện khả năng phản ứng nhanh nhờ các căn cứ ở Tây Tạng. Ông cũng cho rằng đụng độ quy mô lớn khó lòng xảy ra bất chấp hai nước liên tục tăng cường hiện diện quân sự.

“Tôi nghĩ hai bên đang tìm cách tránh leo thang căng thẳng, vì vậy mọi hoạt động quân sự đều sẽ bị giới hạn. Cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân – điều giúp hạn chế họ đẩy khủng hoảng đi quá xa. Nếu có đụng độ thì chỉ có thể là vài trận chiến ngắn, dữ dội, giới hạn ở phạm vi địa lý và mức độ bạo lực nhất định”, theo nhà phân tích Davis.

Học giả Ben Ho thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định mối quan tâm chiến lược hàng đầu của giới chức Bắc Kinh là cạnh tranh với Mỹ tại Tây Thái Bình Dương về dài hạn, do đó nước này sẽ tránh những điều làm xao nhãng và tiêu tốn nguồn lực.

Động thái tăng cường hiện diện quân sự đi ngược lại phát biểu ngoại giao mà Trung - Ấn đưa ra. Quan chức hai nước sau khi đối thoại đều cam kết làm giảm căng thẳng.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung - Ấn phô diễn sức mạnh quân sự gần biên giới