Trong cuộc tập trận “cường độ cao” hồi đầu tháng 11, máy bay ném bom H-6J của Trung Quốc đã thực hiện bài chống lại các cuộc tấn công từ hỏa lực trên tàu và mặt đất cũng như chiến thuật tấn công.

Trung Quốc cho hàng chục lượt máy bay ném bom tập trận ban đêm trên Biển Đông

Anh Tú | 16/11/2021, 07:00

Trong cuộc tập trận “cường độ cao” hồi đầu tháng 11, máy bay ném bom H-6J của Trung Quốc đã thực hiện bài chống lại các cuộc tấn công từ hỏa lực trên tàu và mặt đất cũng như chiến thuật tấn công.

hj6.jpg
Máy bay H-6J của Binh chủng không quân thuộc Hải quân Trung Quốc

Binh chủng không quân của Hải quân Trung Quốc (thuộc Bộ tư lệnh quân khu phía nam của Quân đội Trung Quốc) đã tăng cường huấn luyện khả năng không kích và sẵn sàng chiến đấu với hàng loạt cuộc tập trận ném bom ban đêm ở vùng biển ngoài khơi phía nam đảo Hải Nam, tức Biển Đông.

Bộ tư lệnh quân khu phía nam của Trung Quốc hôm 14.11 cho biết hàng chục máy bay ném bom từ một trung đoàn không quân thuộc quân chủng hải quân đã thực hiện các cuộc tuần tra vào đầu tháng này để cải thiện khả năng chịu đựng và nhận thức tình huống của phi công vào ban đêm.

Trong cuộc tập trận “cường độ cao”, máy bay ném bom H-6J đã thực hiện bài chống lại các cuộc tấn công từ hỏa lực trên tàu và mặt đất cũng như chiến thuật tấn công.

Máy bay ném bom H-6J do Hải quân Trung Quốc vận hành là phiên bản sửa đổi từ máy bay ném bom H-6K của Không quân, với những cải tiến để chống lại các cuộc tấn công từ tàu.

Dòng H-6 cũng có thể phóng thủy lôi, tiến hành chiến tranh điện tử, trinh sát hàng hải và phối hợp hoạt động với các đơn vị hải quân khác. Riêng phiên bản H-6J được giới thiệu vào tháng 8 năm ngoái được nâng cấp để mang theo ít nhất 6 tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 và tên lửa siêu thanh YJ-12. Đồng thời H-6J có thể được tích hợp thêm nhiều hệ thống vũ khí lẫn thiết bị đường không mới.

Bộ tư lệnh quân khu phía nam cho biết: "Cuộc tập trận đã đặt nền tảng vững chắc để chiến đấu trong các trận đánh đêm" nhưng họ không nói chính xác cuộc tập trận diễn ra ở đâu.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Bộ Tư lệnh quân khu phía nam chịu trách nhiệm cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và cũng có trách nhiệm hỗ trợ Bộ tư lệnh quân khu phía đông trong vấn đề eo biển Đài Loan.

Tuần trước, để đáp lại chuyến thăm của một phái đoàn quốc hội Mỹ tới Đài Loan, Bộ tư lệnh quân khu phía đông, nơi tập trung vào Đài Loan và biển Hoa Đông, đã tổ chức các cuộc tập trận gần hòn đảo này.

Và để thể hiện sức mạnh và quyết tâm, hồi đầu tháng 10, quân đội Trung Quốc (PLA) cũng đã điều 149 máy bay quân sự hướng về phía tây nam Đài Loan, khiến quân đội của hòn đảo phải kích hoạt hệ thống phòng không của mình.

Các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của PLA từ căn cứ của họ ở Hải Nam trên Biển Đông cũng tham gia cuộc biểu dương sức mạnh với Đài Loan.

Hải quân Mỹ cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát (trong đó có nhiều đảo đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp). Tháng trước, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với sự hiện diện của tàu sân bay ở khu vực này.

Được biết, loại máy bay ném bom mà Trung Quốc vừa mang ra thực hiện tập trận ban đêm có khả năng uy hiếp tàu sân bay. Trong mục đích sử dụng tác chiến, các tên lửa chống hạm mà H-6J mang theo sẽ được tập trung vào nhóm tác chiến tàu sân bay lớn của đối phương.

Video cuộc tập trận ném bom do chính quân đội Trung Quốc khoe rộng rãi

Hồi tháng trước, Hải quân Trung Quốc cũng tung video khoe họ đã tổ chức các đội máy bay ném bom chiến đấu thực hiện cuộc tập trận ném bom thật ở Biển Đông. Cuộc diễn tập tấn công chính xác nhằm mục đích kiểm tra khả năng thực hiện nhiệm vụ của phi công trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Trong cuộc diễn tập được khoe hồi tháng trước, một số máy bay ném bom chiến đấu mang nhiều loại vũ khí đã cất cánh với tốc độ nhanh. Để tránh sự dò tìm của radar mặt đất và các cuộc tấn công của hệ thống phòng không, đội hình máy bay chiến đấu đã di chuyển ở độ cao cực thấp khi xâm nhập trên biển. Khi đến khu vực biển đã xác định, các máy bay chiến đấu của máy bay ném bom đã nhanh chóng leo lên qua các tầng mây đến độ cao lý tưởng và thực hiện ném bom theo phương ngang vào các mục tiêu. Sau khi kết thúc đợt tấn công đầu tiên, các máy bay chiến đấu quay trở lại căn cứ, sau đó lại cất cánh sau khi tiếp nhiên liệu và tải bom.

Nếu cuộc tập trận ném bom trên Biển Đông hồi tháng trước diễn ra trong ban ngày thì cuộc tập trận đầu tháng này lại tiến hành vào ban đêm. Điều này cho thấy Trung Quốc đang nâng cấp độ khó cho các bài tập trận cho máy bay ném bom trên Biển Đông.

Trước đó trong tháng 8, một số thông tin và hình ảnh rò rỉ cho thấy Trung Quốc đã đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Tuy nhiên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phụ san của Nhân dân Nhật báo) ngày 13.8 đã đăng bài dẫn lời chuyên gia phân tích về động thái đưa H-6J ra Biển Đông. Vị chuyên gia hải quân Trung Quốc trong bản tin trên cho rằng việc triển khai H-6J ở Biển Đông có ý nghĩa chiến lược, giúp "ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Mỹ trong khu vực, nhờ khả năng tác chiến biển vượt trội". 

Tại họp báo ngày 20.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông.

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Bà Thu Hằng khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông.

"Chúng tôi kêu gọi các bên đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông", bà Thu Hằng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc cho hàng chục lượt máy bay ném bom tập trận ban đêm trên Biển Đông