Đơn hàng mua bộ xét nghiệm PCR ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tăng vọt nhiều tháng trước khi có báo cáo chính thức về ca mắc COVID-19 đầu tiên.

'Trung Quốc đặt mua nhiều bộ xét nghiệm PCR trước khi công bố ca COVID-19 đầu tiên'

Hoàng Vũ | 05/10/2021, 10:43

Đơn hàng mua bộ xét nghiệm PCR ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tăng vọt nhiều tháng trước khi có báo cáo chính thức về ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Hãng tin Nikkei đã dẫn báo cáo do nhóm nghiên cứu gồm nhiều cựu quan chức tình báo Anh, Mỹ và Úc công bố hôm 4.10, cho thấy khoảng 67,4 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD) được dành để mua các bộ xét nghiệm PCR tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trong 2019, gần gấp đôi mức mua năm 2018.

Dữ liệu trong báo cáo này được nhóm phân tích thu thập từ website chuyên tổng hợp thông tin về các cuộc đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm công tại Trung Quốc.

Báo cáo càng làm dấy lên nghi ngờ với cách xử lý của Trung Quốc về nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2, một chủ đề đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo Nikkei, bộ xét nghiệm PCR được dùng để phát hiện các chuỗi gen nhất định trong mẫu thử, được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ giới hạn trong phát hiện COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo trên cho rằng số đơn hàng tăng vọt "bất thường" có thể là dấu hiệu cho thấy giới chức Hồ Bắc đã nhận thức được về dịch bệnh đang lây lan ở Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc trước khi công bố với thế giới.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng, số đơn hàng từ các trường đại học tăng gấp đôi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc tăng gấp 5 lần, cơ sở xét nghiệm động vật tăng 10 lần. Trong khi đó, các đơn từ bệnh viện giảm hơn 10%.

Ngoài ra, dữ liệu hàng tháng cho thấy đơn hàng tăng đột biến trong tháng 5.2019, khoảng 8 tháng trước khi ca COVID-19 đầu tiên được công bố, đặc biệt là từ CDC và quân đội Trung Quốc.

"Chúng tôi tin rằng việc tăng chi tiêu cho bộ xét nghiệm PCR trong tháng 5 có thể là dấu hiệu cho thấy vi rút đã bắt đầu lây lan từ giai đoạn này", báo cáo cho hay.

Cũng theo tài liệu này, lượng mua PCR cũng tăng nhanh chóng từ tháng 7 đến 10.2019, đặc biệt là từ Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán. Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán đã chi 8,92 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) để mua bộ xét nghiệm PCR trong năm 2019, cao gấp 8 lần tổng số tiền trước đó một năm.

Đáng chú ý, Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán cùng các bệnh viện địa phương, cơ quan y tế công cộng là những cơ sở quan trọng đóng vai trò trực tiếp trong phản ứng với những dịch bệnh mới nổi tại Hồ Bắc.

"Sự tham gia của những cơ sở trên cung cấp bằng chứng cho thấy số đơn hàng mua bộ xét nghiệm PCR gia tăng nhiều khả năng liên quan đến việc COVID-19 xuất hiện tại Hồ Bắc vào năm 2019. Chúng tôi đánh giá với sự tin tưởng cao rằng đại dịch đã bắt đầu sớm hơn nhiều trước khi Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch bệnh", báo cáo nhấn mạnh.

Theo báo cáo được các chuyên gia tại Đại học Harvard công bố hồi năm ngoái, ảnh vệ tinh chụp bãi đỗ xe tại một bệnh viện ở Vũ Hán cho thấy hoạt động gia tăng từ tháng 8.2019.

ccd042008e894ec792fe7a2bbcfd905f.png
Viện Vi rút học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - Ảnh: Times

Akira Igata, Giáo sư tại Trường Cao học Kinh doanh Tama ở Tokyo, người đã kiểm tra dữ liệu của báo cáo trên một cách độc lập, cho biết: "Chúng ta không thể chắc chắn khẳng định với thông tin về các đơn hàng PCR của giới chức Trung Quốc. Nhưng đó là thông tin mạnh mẽ để củng cố giả thuyết rằng tỉnh Hồ Bắc đã nhận thức về việc bùng phát vi rút xung quanh Vũ Hán trước tháng 12.2019".

“Báo cáo này có thể tạo cơ hội cho các quốc gia thúc ép Trung Quốc cung cấp thông tin một lần nữa", bà Akira Igata nói với Nikkei.

Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi về nguồn gốc của dịch bệnh ngay từ khi COVID-19 bùng phát. Trong khi Trung Quốc khẳng định với WHO rằng họ ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 8.12.2019, các thành viên trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump trước đó đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc làm rò rỉ vi rút SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi ghi nhận đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, chính quyền của ông cố gắng ngăn chặn tình trạng cáo buộc lẫn nhau, nhưng liên tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu từ giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán. Thế nhưng, Trung Quốc mô tả đây là sự chính trị hóa một vấn đề khoa học. 

Đầu năm nay, Trung Quốc đã chấp nhận để một đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến Vũ Hán điều tra về  nguồn gốc đại dịch COVID-19. Sau hơn một tháng điều tra, các chuyên gia đã báo cáo loại trừ khả năng vi rút bị phát tán ra ngoài do rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Vi rút học Vũ Hán. Tuy nhiên sau đó, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã bác bỏ kết luận này.

Báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ hồi tháng 8 thừa nhận không thể xác định vi rút SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Hiện giới chức và chuyên gia WHO tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu thô về các ca bệnh đầu tiên, tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế thực hiện giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Trung Quốc đặt mua nhiều bộ xét nghiệm PCR trước khi công bố ca COVID-19 đầu tiên'