Hai nhà khoa học Mỹ - David Julius và Ardem Patapoutian đã giành giải Nobel Y học năm 2021 cho những khám phá của họ về các thụ thể với nhiệt độ và xúc giác, cơ quan trao giải cho biết hôm 4.10.

Julius và Patapoutian giành giải Nobel Y học 2021, hai nhà khoa học đứng sau vắc xin mRNA lỡ hẹn

Sơn Vân | 04/10/2021, 16:30

Hai nhà khoa học Mỹ - David Julius và Ardem Patapoutian đã giành giải Nobel Y học năm 2021 cho những khám phá của họ về các thụ thể với nhiệt độ và xúc giác, cơ quan trao giải cho biết hôm 4.10.

"Những khám phá mang tính đột phá của họ đã cho phép chúng ta hiểu được cách thức nhiệt, lạnh và lực cơ học có thể khởi động các xung thần kinh cho phép chúng ta nhận thức và thích ứng với thế giới xung quanh. Kiến thức này đang được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho một loạt các tình trạng bệnh, bao gồm cả đau mãn tính", cơ quan trao giải Nobel nói.

Ardem Patapoutian sinh năm 1967 với cha mẹ là người Armenia ở Lebanon và chuyển đến Los Angeles (Mỹ) khi còn trẻ. Ông là giáo sư tại Viện nghiên cứu Scripps Research (California), trước đây từng thực hiện nghiên cứu tại Đại học California (San Francisco) và Viện Công nghệ California (Pasadena).

David Julius sinh năm 1955 tại New York, là giáo sư tại Đại học California (San Francisco), sau khi làm việc tại Đại học Columbia (New York).

Ardem Patapoutian sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một lớp cảm biến mới sở hữu cơ chế phản ứng với các kích thích cơ học trong da cùng các cơ quan nội tạng.

Trong khi đó, David Julius đã phát minh ra việc sử dụng capsaicin, một hợp chất cay có nguồn gốc từ quả ớt gây ra cảm giác nóng, để xác định một cảm biến tại các đầu dây thần kinh của da khi phản ứng với nhiệt độ.

julius-patapoutian-gianh-giai-nobel-y-hoc-20211.jpeg
Hai nhà khoa học Mỹ giành giải Nobel Y học năm 2021

Giải thưởng Nobel có tuổi đời hơn thế kỷ được trao bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển và trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (1,15 triệu USD).

Các giải thưởng dành cho những thành tựu về khoa học, văn học và hòa bình, được tạo ra và tài trợ theo ý muốn của nhà phát minh thuốc nổ và doanh nhân người Thụy Điển - Alfred Nobel. Họ đã được trao giải từ năm 1901, với giải thưởng kinh tế học được trao lần đầu tiên vào năm 1969.

julius-patapoutian-gianh-giai-nobel-y-hoc-2021.jpg
Nhà hóa sinh Mỹ - David Julius (trái) nhận Giải thưởng Hoàng tử Asturias về Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật năm 2010 từ Thái tử Felipe của Tây Ban Nha ngày 22.10.2010 - Ảnh: Reuters

Giải Nobel Y học hàng năm bị che mờ bởi Nobel về văn học và hòa bình, những người đoạt giải đôi khi được biết đến rộng rãi hơn. Thế nhưng, y học đã được chú ý bởi đại dịch COVID-19 và một số nhà khoa học đã đề xuất rằng những người phát triển vắc xin COVID-19 có thể được khen thưởng trong năm nay hoặc trong những năm tới.

Đại dịch tiếp tục ám ảnh các buổi lễ trao giải Nobel 2021, vốn thường đầy sự hào nhoáng trước đây. Bữa tiệc ở Stockholm đã bị hoãn lại năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh những lo lắng về vi rút SARS-CoV-2 và du lịch quốc tế vẫn còn kéo dài.

Giải thưởng năm ngoái thuộc về nhà khoa học người Mỹ - Harvey Alter, Charles Rice và người Anh - Michael Houghton vì công trình xác định vi rút viêm gan C, nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.

Trước đó, hai người được các nhà khoa học khác coi là tiềm năng đoạt giải Nobel Y học 2021 có Katalin Kariko (sinh ra ở Hungary) và Drew Weissman (người Mỹ) vì nghiên cứu của họ về vắc xin mRNA (messenger ribonucleic acid).

Được phát triển bởi hãng Moderna (Mỹ) và Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), vắc xin mRNA đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại vi rút. Chúng nhanh chóng được sản xuất và hiệu quả cao.

Ali Mirazami, Giáo sư tại Khoa Y học Phòng thí nghiệm tại Viện Karolinska (Thụy Điển), cho biết: “Kỹ thuật này sớm muộn gì cũng sẽ nhận được giải thưởng. Câu hỏi là khi nào".

Các loại vắc xin truyền thống, đưa vào cơ thể một loại vi rút đã suy yếu hoặc đã chết để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể mất một thập kỷ hoặc hơn để phát triển. Vắc xin mRNA của Moderna đã chuyển từ giải trình tự gen đến mũi tiêm đầu tiên trên người trong 63 ngày.

mRNA mang thông điệp từ DNA của cơ thể đến các tế bào của nó, nói chúng tạo ra các protein cần thiết cho các chức năng quan trọng, chẳng hạn như điều phối các quá trình sinh học bao gồm tiêu hóa hoặc chống lại bệnh tật.

mRNA được phát hiện vào năm 1961 nhưng các nhà khoa học đã mất hàng thập kỷ để điều chỉnh kỹ thuật mRNA khỏi các vấn đề như không ổn định và gây ra các tình trạng viêm.

Các nhà phát triển hiện hy vọng nó có thể được sử dụng để điều trị cả ung thư và HIV (vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người) trong tương lai.

Ngoài thực tế là chúng đã được chứng minh là tạo ra đáp ứng miễn dịch rất hiệu quả, bạn không cần phải điều chỉnh quá trình sản xuất mỗi khi sản xuất một loại vắc xin mới”, Adam Frederik Sander Bertelsen, Phó giáo sư tại Đại học Copenhagen và là Giám đốc khoa học của công ty vắc xin Adaptvac (Đan Mạch), cho biết.

"Nó thực sự đã cứu được hàng ngàn người do tốc độ và hiệu quả của nó, vì vậy tôi có thể hỗ trợ tốt điều đó", Katalin Kariko (66 tuổi) là người đặt nền móng cho vắc xin mRNA và ông Drew Weissman (62 tuổi), cộng tác viên lâu năm của bà, nói.

Ali Mirazami nói: “Họ là bộ não đằng sau khám phá mRNA. Họ có thể còn quá trẻ, ủy ban (Nobel) thường đợi cho đến khi người nhận ở độ tuổi 80".

Katalin Kariko, cùng các đồng nghiệp tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã tạo ra bước đột phá bằng cách tìm ra cách cung cấp mRNA mà không khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Vắc xin mới sử dụng mRNA do phòng thí nghiệm tạo ra để hướng dẫn các tế bào tạo ra các protein gai của coronavirus, thúc đẩy hệ thống miễn dịch hoạt động mà không cần tái tạo giống vi rút thực tế.

Bài liên quan
Ông Trump hé lộ loại vắc xin COVID-19 đã tiêm trước khi rời Nhà Trắng
Cựu Tổng thống Donald Trump có một cuộc trò chuyện với Yahoo Finance về các chủ đề như nền kinh tế Mỹ, vắc xin COVID-19, tiền điện tử và suy nghĩ của ông về lần tái tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Julius và Patapoutian giành giải Nobel Y học 2021, hai nhà khoa học đứng sau vắc xin mRNA lỡ hẹn