Một câu hỏi yêu cầu học sinh Hồng Kông đánh giá thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc đã hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao và truyền thông nước này.
Đề lịch sử trong kỳ thi vào đại học tại đặc khu năm nay đưa ra 2 tài liệu tham khảo là văn bản liên quan đến thỏa thuận giữa chính phủ Nhật với nhà Thanh năm 1905 về việc gửi sinh viên Trung Quốc sang Nhật Bản du học và hợp đồng vay tiền giữa chính phủ Trung Hoa Dân quốc với Công ty Mitsui. Học sinh dựa vào đây cùng kiến thức tự có bày tỏ quan điểm xung quanh ý kiến: “Trong giai đoạn 1900-1945 Nhật Bản đem lại cho Trung Quốc lợi ích nhiều hơn thiệt hại”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản ứng bằng dòng đăng Facebook: “Ngành giáo dục Hồng Kông không được trở thành “chuồng gà không nóc” (cách ví von được Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga dùng đến khi trả lời phỏng vấn gần đây, để nói về tình trạng một số trường học thiếu quản lý, tạo điều kiện cho hoạt động truyền bá tư tưởng lệch lạc)”.
Nặng nề hơn, tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ trích: “Câu hỏi khiến học sinh trở thảnh kẻ phản quốc”. Hãng Tân Hoa Xã gọi đây là câu hỏi “đầu độc” học sinh.
Sở Giáo dục Hồng Kông ngày 15.5 lên tiếng đề nghị cơ quan phụ trách công tác khảo thí giải trình. Hiệp hội Giáo viên Hồng Kông nhận xét Sở Giáo dục chỉ lo chuyện chính trị mà không quan tâm tạo điều kiện cho học sinh tranh luận thông qua bài thi.
So với Trung Quốc đại lục, hệ thống giáo dục Hồng Kông tự do hơn và khuyến khích tranh luận, phân tích. Người dân đặc khu năm 2012 từng tổ chức biểu tình phản đối ý định áp đặt giáo dục “kiểu Trung Quốc” của chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Cẩm Bình (theo Straits Times, SCMP, Tân Hoa Xã)