Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ trong những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) do "gặp phải nhiều thách thức về lý thuyết và công nghệ", theo một bản thuyết trình gần đây trước Thủ tướng Lý Cường.
Những khó khăn đó được trình bày trước Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong chuyến thị sát gần đây của ông tới Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh (BAAI), tổ chức phi lợi nhuận tư nhân được thành lập vào năm 2018, tham gia nghiên cứu và phát triển AI, yheo bản tin được phát sóng trên đài truyền hình trung ương CCTV.
Theo bài trình bày tại BAAI, rào cản lớn mà các sáng kiến AI tạo sinh của Trung Quốc phải đối mặt là sự phụ thuộc quá mức vào Llama, mô hình ngôn ngữ được Meta Platforms (Mỹ) phát hành vào tháng 2.2023.
Mô hình ngôn ngữ là công nghệ được sử dụng để đào tạo ChatGPT và các dịch vụ AI tạo sinh tương tự, có thể tạo nội dung mới như âm thanh, hình ảnh, văn bản, mã, bản mô phỏng và video.
Theo bài thuyết trình, có “sự thiếu tự chủ nghiêm trọng” trong lĩnh vực phát triển AI của Trung Quốc vì hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn trong nước đều được xây dựng dựa trên LLama. Meta Platforms (công ty mẹ Facebook) vào tháng 7.2023 đã cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở Llama 2 miễn phí cho nghiên cứu và sử dụng thương mại.
Nhược điểm về mô hình ngôn ngữ lớn làm gia tăng mối lo rằng Trung Quốc đang đối mặt với khoảng cách ngày càng mở rộng so với Mỹ về đổi mới AI, điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc thảo luận hôm 5.3 tại cuộc họp lưỡng hội ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong khi các cơ quan nhà nước đang hợp tác song song với các hãng công nghệ tư nhân Trung Quốc để đổi mới AI, họ vẫn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng điện toán để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn.
Bài thuyết trình cho biết: “Hàng tá chip được phát triển trong nước khác nhau về dòng và hệ sinh thái, khiến quá trình đào tạo 100 tỉ tham số cho mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc trở nên rất không ổn định”. Các lệnh trừng phạt công nghệ từ chính quyền Biden đã hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ Mỹ, cho các dự án phát triển AI trong nước.
Khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn một phần phụ thuộc vào số lượng tham số, thước đo mức độ phức tạp cho mô hình. Ví dụ, mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 của OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT và Sora) được đào tạo với 1.000 tỉ tham số. Trong khi hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở của Trung Quốc trên thị trường chỉ có từ 6 tỉ đến 13 tỉ tham số.
Số lượng mô hình ngôn ngữ lớn được chính phủ Trung Quốc phê duyệt hiện có tổng cộng hơn 40. Song hiện có hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc.
Theo bài thuyết trình tại BAAI, một vấn đề lớn khác liên quan đến việc kiểm soát nội dung do AI tạo ra. Cụ thể hơn, thách thức lớn mà mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc phải đối mặt là tạo ra “nội dung chất lượng phù hợp với thực tế”, đồng thời cũng phải xem xét tư tưởng chính trị và các cảm xúc khác nhau.
Các chatbot AI, gồm cả ChatGPT và Gemini của Google, đôi khi trả lời sai nhưng y như thật, được gọi là ảo giác.
Dù CCTV không xác định tác giả bài thuyết trình BAAI, các slide được phát sóng có logo của công ty khởi nghiệp Zhipu AI (Beijing Zhipu Huazhang Technology Co). Đại diện của Zhipu AI hôm 14.3 xác nhận rằng công ty đã có mặt trong chuyến thị sát của Thủ tướng Trung Quốc tại BAAI một ngày trước đó.
Là một phần của hệ sinh thái hợp tác mà BAAI đang nuôi dưỡng, Zhipu AI cho biết đã xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn với quy mô 100 tỉ tham số. Công ty này đã huy động được tổng cộng 2,5 tỉ nhân dân tệ (347 triệu USD) trong vòng gọi vốn tính đến tháng 10.2023, khi đạt trạng thái kỳ lân với mức định giá hơn 1 tỉ USD. Các nhà đầu tư vào Zhipu AI gồm Tencent Holdings, Ant Group, Meituan, Xiaomi và Alibaba.
Trong cuộc họp bên lề hôm 5.3 của Ủy ban Chính Hiệp Toàn quốc (CPPCC) - cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc, Zeng Yi, đại biểu đứng đầu China Electronics Corporation, cho biết công ty của ông còn “một chặng đường dài” để bắt kịp Mỹ. China Electronics Corporation là công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến.
“Nói một cách khách quan, bất chấp những nỗ lực to lớn mà chúng ta đã và đang thực hiện, sự khác biệt của chúng ta với Mỹ vẫn rất lớn”, Zeng Yi phát biểu trước đám đông đại diện của cộng đồng khoa học và công nghệ.
Tại các cuộc họp lưỡng hội thường niên, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh khả năng tự lực về khoa học và công nghệ là chìa khóa để chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm sự phát triển đang chịu áp lực từ việc ngày càng hạn chế từ Mỹ. Zeng Yi nói công việc mà China Electronics Corporation đang làm là “đi đầu trong cuộc cạnh tranh khoa học và công nghệ Trung - Mỹ”. Thế nhưng, ông cho biết Trung Quốc vẫn đang bị tụt lại phía sau Mỹ.
Zeng Yi nói: “Theo một nghĩa nào đó, khi những phát triển mới về AI xuất hiện theo cấp số nhân, nếu không thực hiện các biện pháp mang tính quyết định và đột phá, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy khoảng cách thậm chí còn rộng hơn. Các vấn đề trong phát triển công nghệ thông tin không thể chỉ được giải quyết bằng cách tạo ra các kịch bản có thể áp dụng, cũng như không thể chỉ thông qua những đột phá trong công nghệ cụ thể, thậm chí không phải là vấn đề về tài năng và nghiên cứu cơ bản. Nó liên quan đến nhiều thứ từ mọi khía cạnh, tất cả chúng tôi đều rất lo lắng”.
Zeng Yi lãnh đạo một công ty phát triển công nghệ an ninh thông tin và mạng quốc gia, nghiên cứu và thiết kế chip, thiết bị bán dẫn, quy trình sản xuất tiên tiến và hệ điều hành.
Để phát triển công nghệ của mình, Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu chip Mỹ và các thiết bị quan trọng khác từ phương Tây. Thế nhưng, các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công cụ quan trọng như GPU tiên tiến Nvidia, vốn chiếm tới 90% thị phần trên thị trường chip AI của Trung Quốc. Nvidia là hãng thiết kế chip AI hàng đầu thế giới và hiện có vốn hóa thị trường cao thứ ba thế giới, chỉ sau Microsoft và Apple.
Giờ đây, cả công ty nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc đều đang chịu áp lực phải tăng cường phát triển công nghệ trong nước.
So với chip, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc được coi là có tính cạnh tranh cao hơn trong cuộc đua công nghệ đa dạng giữa hai nước. Thế nhưng, việc OpenAI ra mắt Sora (mô hình chuyển văn bản thành video chân thật) gần đây đã đặt ra những câu hỏi về tiến độ của Trung Quốc trong việc bắt kịp Mỹ.
Để đối phó, các hãng công nghệ Trung Quốc vốn khẳng định rằng hạn chế về chip sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển AI của họ trong thời gian ngắn, đã dựa vào lượng hàng tồn kho hiện có hoặc chuyển sang các nhà sản xuất chip AI trong nước. Tuy nhiên, sau khi Sora trình làng vào tháng trước, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Quốc vụ Viện, quản lý các công ty như China Electronics Corporation, đã kêu gọi các công ty trực thuộc chính phủ “nắm bắt những thay đổi sâu sắc do AI mang lại”.
Xét về sức mạnh tính toán toàn cầu (gồm cả sức mạnh tính toán thông minh từ chip AI), Trung Quốc đứng thứ hai với 33%, sau Mỹ (34%), trước châu Âu và Nhật Bản, lần lượt là 17% và 4%, theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc.
Các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, ZTE đã đầu tư rất nhiều vào việc nghiên cứu và phát triển chip AI.
Theo trang SCMP, Huawei được xác định là đối thủ tiềm năng của Nvidia trong lĩnh vực chip AI, sau khi chipset AI mới của công ty Trung Quốc là Ascend 910B được cung cấp thông qua các kênh phân phối ở nước này.
Huawei cho thấy khả năng phục hồi của mình khi gây bất ngờ cho thế giới vào tháng 8.2023 bằng việc trình làng Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của công ty kể từ dòng Mate 40 ra mắt hồi tháng 10.2020. Doanh số cao của Mate 60 Pro đã đưa Huawei trở lại vị trí hàng đầu thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc vào đầu năm 2024.
Được SMIC sản xuất theo tiến trình 7 nanomet, chip Kirin 9000s trong Mate 60 Pro làm dấy lên suy đoán về cách thức Huawei vượt qua lệnh cấm chip của Mỹ.
Ascend 910B dường như xuất hiện cùng thời điểm Mate 60 Pro trình làng. Theo hãng tin Reuters, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu đã đặt mua 1.600 chiếc Ascend 910B từ Huawei.