Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng với các sản phẩm do Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ) bán ở nước này.

Trung Quốc kiểm tra các sản phẩm của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ vì rủi ro an ninh mạng

Sơn Vân | 31/03/2023, 23:45

Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng với các sản phẩm do Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ) bán ở nước này.

Động thái đó nhằm bảo vệ an ninh của chuỗi cung ứng cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn và bảo vệ an ninh quốc gia, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn.

Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc không đưa ra chi tiết nào khác, bao gồm cả những sản phẩm Micron Technology mà cơ quan nay đang xem xét.

Micron Technology (một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới) không trả lời câu hỏi khi được đề nghị bình luận. Cổ phiếu Micron Technology đã giảm 2,9% xuống 61,26 USD sau thông báo trên.

Nhà phân tích Matthew Bryson của Wedbush Securities cho biết: “Các hành động trừng phạt chống lại Micron Technology có thể gợi ý sự thay đổi lớn hơn trong chính sách của Trung Quốc với các nhà cung cấp khác của Mỹ có liên quan mật thiết đến thị trường nước này”.

Việc này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc, đồng thời đưa vào danh sách đen một số công ty chip lớn nhất nước này, gồm cả YMTC (đối thủ của Micron Technology).

Micron Technology sản xuất chip nhớ NAND phục vụ thị trường lưu trữ dữ liệu cũng như chip DRAM được sử dụng rộng rãi trong trung tâm dữ liệu, máy tính cá nhân và các thiết bị khác. Micron Technology đang cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc.

Micron Technology có văn phòng ở thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc), cũng như một cơ sở đóng gói chip tại Tây An. Đầu năm 2022, Micron Technology tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động thiết kế DRAM tại Thượng Hải.

Micron Technology có khoảng 10% doanh thu từ Trung Quốc. Không rõ liệu việc bị kiểm tra các sản phẩm có ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Micron Technology cho các khách hàng không phải là người Trung Quốc tại quốc gia châu Á hay không.

Theo các nhà phân tích, phần lớn sản phẩm của Micron Technology được bán cho các công ty không phải Trung Quốc để sử dụng trong sản xuất tại nước này.

Nhu cầu tiêu thụ yếu đã làm rối loạn thị trường chip nhớ mà Samsung Electronics chiếm ưu thế.

Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhà sản xuất chip United Microelectronics Corp (Đài Loan) và Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc), cáo buộc hai công ty này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology.

Fujian Jinhua Integrated Circuit phủ nhận các cáo buộc. Trong khi United Microelectronics Corp đã nhận tội và nộp phạt 60 triệu USD.

capture.jpg
Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng với các sản phẩm do Micron Technology bán ở nước này - Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản hôm 31.3 cho biết có kế hoạch hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, nhằm đưa các quy định kiểm soát thương mại công nghệ nước này vào cùng hướng với nỗ lực của Mỹ hạn chế Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 6 loại thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip, bao gồm cả làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc.

Theo Reuters, Bộ này không nêu tên Trung Quốc là mục tiêu của những biện pháp đó, nói rằng các nhà sản xuất thiết bị sẽ cần phải xin phép xuất khẩu cho tất cả khu vực.

"Chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ để đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế", Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo, nói thêm rằng mục tiêu của họ là ngăn chặn công nghệ tiên tiến được sử dụng cho mục đích quân sự.

Sẽ có hiệu lực vào tháng 7, các hạn chế xuất khẩu có khả năng ảnh hưởng đến thiết bị do nhiều công ty Nhật Bản sản xuất, chẳng hạn Nikon Corp, Tokyo Electron Ltd, Screen Holdings Co Ltd và Advantest Corp.

"Chúng tôi cho rằng tác động với các công ty trong nước sẽ hạn chế. Chúng tôi không nghĩ đến một quốc gia cụ thể nào với các biện pháp này", Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo.

Từng thống trị sản xuất chip nhưng đã chứng kiến thị phần toàn cầu giảm xuống còn khoảng 10%, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp chính máy sản xuất chip và vật liệu bán dẫn.

Tokyo Electron và Screen Holdings tạo ra khoảng 1/5 công cụ sản xuất chip trên thế giới, còn Shin-Etsu Chemical Co Ltd và Sumco Corp sản xuất hầu hết các tấm silicon.

Vào ngày 8.3, Hà Lan (quê hương của ASML) công bố các biện pháp hạn chế mới với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip, cùng với Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chip tiên tiến.

Cụ thể hơn, chính phủ Hà Lan cho biết rằng sẽ hạn chế xuất khẩu máy in thạch bản bằng tia cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Đây là những máy tiên tiến thứ hai của ASML. ASML là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Âu.

ASML chưa bao giờ xuất khẩu những máy tiên tiến nhất của công ty, máy in thạch bản cực tím (EUV), sang Trung Quốc.

Với sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã kết luận rằng an ninh quốc gia cần phải mở rộng kiểm soát xuất khẩu hiện có với thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể”, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher viết trong thư gửi cho các nhà làm luật Hà Lan.

Trong bức thư gửi các nhà làm luật Hà Lan, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher nói rằng lệnh cấm sẽ “ngăn hàng hóa Hà Lan góp phần vào mục đích sử dụng cuối không mong muốn, chẳng hạn như triển khai quân sự hoặc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Bài liên quan
Hãng chip Marvell Technology sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc
Công ty bán dẫn Marvell Technology (Mỹ) sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển của mình tại Trung Quốc, khoảng 5 tháng sau khi bắt đầu cắt giảm việc làm để thu hẹp quy mô hoạt động tại thị trường chip lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
11 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc kiểm tra các sản phẩm của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ vì rủi ro an ninh mạng