Bộ Giáo dục Trung Quốc chuẩn bị xây dựng cơ chế không khuyến khích trẻ vị thành niên đi du học nước ngoài.

Trung Quốc lên kế hoạch hạn chế học sinh đi du học nước ngoài

Hoàng Vũ | 17/02/2021, 13:15

Bộ Giáo dục Trung Quốc chuẩn bị xây dựng cơ chế không khuyến khích trẻ vị thành niên đi du học nước ngoài.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc đang cho con cái đi du học ở độ tuổi ngày càng trẻ. Đây là một xu hướng mà Bắc Kinh có kế hoạch loại bỏ. Theo dữ liệu thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 700.000 người Trung Quốc đã ra nước ngoài để học tập vào năm 2019, tăng hơn 6% so với năm 2018. Trong năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, số lượng học sinh trung học tại Trung Quốc tham gia các khóa học và kỳ thi chuẩn bị đi du học vẫn gia tăng. 

Trong một báo cáo được công bố vào tháng trước bởi Koolearn - một nền tảng giáo dục trực tuyến của Trung Quốc, khoảng 20% ​​những người tham gia các kỳ thi du học năm ngoái là học sinh từ lớp 12 trở xuống.

Trong hội nghị giáo dục quốc gia tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố sẽ xây dựng "một cơ chế để không khuyến khích trẻ vị thành niên đi du học" nhưng chưa nêu chi tiết. Đây không phải là lần đầu Bộ Giáo dục Trung Quốc bày tỏ lo ngại về xu hướng sinh viên trong nước chuyển ra nước ngoài. Vào năm 2016, người phát ngôn của Bộ là Xu Mei nói Bộ Giáo dục Trung Quốc không khuyến khích việc đưa trẻ vị thành niên ra nước ngoài vì tin rằng trẻ em còn quá nhỏ để tự mình sống và học tập.

Ở Trung Quốc, học sinh phải hoàn thành 9 năm giáo dục bắt buộc, sau đó tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông (zhongkao - trung khảo) để giành được một suất vào trường trung học phổ thông, nơi chuẩn bị cho họ vào đại học hoặc cao đẳng. Kỳ thi zhongkao ở Trung Quốc là bước chuyển tiếp từ cấp trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Trong cuốn Spotlight on China: Changes in Education under China’s Market Economy, hai tác giả Shibao Guo, Yan Guo nhận định kỳ thi này “xác định lối rẽ của mỗi học sinh”.

Điểm số từ kỳ thi zhongkao sẽ quyết định việc thí sinh theo học tiếp trường trung học hay chuyển qua trường nghề, chưa kể đến việc cạnh tranh vào trường trung học trọng điểm càng khiến cuộc đua này thêm khốc liệt. Tỷ lệ phân luồng này từng ở mức 50/50. Trên thực tế, trong nền giáo dục chú trọng điểm số như Trung Quốc, việc học trung học ở đâu ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng trúng tuyển đại học. Ngoài ra, điểm thi cao đồng nghĩa thí sinh có thể học ở trường tốt hơn với có mức học phí thấp hơn. Do đó, phụ huynh càng quyết tâm cho con theo học trường điểm.

Số lượng sĩ tử bước vào vào kỳ thi đại học (gaokao - cao khảo) ở Trung Quốc ước tính lên đến 10 triệu người mỗi năm. Gaokao thường diễn ra vào tháng 6 hằng năm, được đánh giá là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi học sinh, quyết định tương lai sau này. Đây là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới với 4 bài thi: tiếng Anh, tiếng Trung, Toán, một môn tự nhiên tự chọn (Sinh học, Vật lý, Hóa học) và một môn xã hội tự chọn (Lịch sử, Địa lý, Chính trị). Ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, chỉ dưới 60% học sinh trung học cơ sở được nhận vào trung học phổ thông.

Áp lực học tập trong hệ thống trường học Trung Quốc chỉ là một trong những lý do khiến phụ huynh Trung Quốc đưa ra quyết định cho con đi học ở nước ngoài. Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc muốn con cái của họ có cơ hội phát triển sở thích cá nhân ngoài việc học tập tốt, và cho rằng hệ thống giáo dục cứng nhắc của Trung Quốc khiến điều này gần như không thể.

Theo nhà nghiên Chu Zhaohui, một một yếu tố khác góp phần thúc đẩy sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài là sự gia tăng số lượng các gia đình tin rằng bằng tốt nghiệp quốc tế sẽ mang lại cho con cái họ triển vọng việc làm tốt hơn khi về nước.

Các lệnh cấm du lịch và đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã gây ra sự hoảng loạn trên diện rộng với phụ huynh Trung Quốc, những người cầu xin chính phủ mở các chuyến bay để đưa con họ về nước an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng tác động của đại dịch coronavirus đối với việc du học của sinh viên Trung Quốc sẽ chỉ là tạm thời.

Wu Dandan, một tư vấn viên du học, cho biết: "Có hai tâm lý: một số cha mẹ muốn gửi con ra nước ngoài càng sớm càng tốt vì áp lực thi cử ở Trung Quốc quá lớn; nhiều người khác muốn chờ xem, vì họ không biết đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu".

Nhà nghiên Chu Zhaohui cho rằng chính phủ Trung Quốc cần khuyến khích các nhà tuyển dụng sử dụng nhân tài trong nước thay vì ưu tiên sinh viên tốt nghiệp trở về từ nước ngoài nếu muốn đảo ngược xu hướng du học quốc tế.

Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định không có cách nào ngay lập tức để ngăn các gia đình gửi con ra nước ngoài, mà thay vào đó Trung Quốc nên xem xét cải cách hệ thống giáo dục của mình.

“Để khuyến khích các bậc cha mẹ cho con cái ở lại trong nước học, chính phủ cần thúc đẩy một nền giáo dục cá nhân hóa hơn và thay đổi cách đánh giá học sinh”, Xiong nói.

Bài liên quan
Cua ghẹ Việt Nam 'đắt khách' Trung Quốc
Mặt hàng cua ghẹ không chỉ thu hút người tiêu dùng trong nước mà còn khách quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
1 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lên kế hoạch hạn chế học sinh đi du học nước ngoài