Phần lớn các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc được xây dựng dựa trên Llama của Meta Platforms.
Nhịp đập khoa học

Trung Quốc phụ thuộc công nghệ AI Mỹ thế nào khi nhiều hãng dựa vào mô hình nguồn mở của Meta?

Sơn Vân 21:28 09/05/2024

Phần lớn các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc được xây dựng dựa trên Llama của Meta Platforms.

Theo Reuters, chính quyền Biden đã sẵn sàng mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực bảo vệ AI của Mỹ khỏi Trung Quốc và Nga với kế hoạch sơ bộ nhằm thiết lập các rào chắn xung quanh các mô hình AI tiên tiến nhất. Đó là phần mềm cốt lõi của các hệ thống AI như ChatGPT.

Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc một động thái pháp lý mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình AI độc quyền hoặc nguồn đóng, có phần mềm và dữ liệu đào tạo được giữ kín.

Hiện tại, không gì có thể ngăn cản các gã khổng lồ Mỹ về AI như Microsoft, OpenAI, Google DeepMind của Alphabet và Anthropic, vốn đã phát triển một số mô hình AI nguồn đóng mạnh mẽ nhất, bán chúng cho hầu hết mọi người trên thế giới mà không có sự giám sát của chính phủ.

Các nhà nghiên cứu của chính phủ và khu vực tư nhân lo ngại các đối thủ cạnh tranh với Mỹ có thể sử dụng các mô hình AI này khai thác lượng lớn văn bản và hình ảnh để tóm tắt thông tin và tạo nội dung, rồi thực hiện các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ hoặc thậm chí tạo ra vũ khí sinh học nguy hiểm.

Để phát triển biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các mô hình AI, Mỹ có thể chuyển sang ngưỡng có trong lệnh về AI được ban hành vào tháng 10.2023, dựa trên lượng sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo một mô hình AI. Khi đạt đến ngưỡng đó, các công ty phải báo cáo kế hoạch phát triển mô hình AI của mình và cung cấp kết quả thử nghiệm cho Bộ Thương mại Mỹ.

Theo hai quan chức Mỹ và một nguồn tin khác tóm tắt về các cuộc thảo luận, ngưỡng sức mạnh tính toán đó có thể trở thành cơ sở để xác định những mô hình AI nào sẽ bị hạn chế xuất khẩu.

Trung Quốc trong năm qua đã xây dựng ngành công nghiệp AI tạo sinh riêng và thúc giục các công ty trong nước tránh sử dụng công nghệ nước ngoài.

Dưới đây là mức độ phụ thuộc của Trung Quốc hiện nay vào các mô hình AI ở Mỹ và tác động mà các kế hoạch của chính quyền Biden có thể gây ra:

Mức độ truy cập các mô hình AI của OpenAI ở Trung Quốc như thế nào?

Các dịch vụ AI quan trọng của OpenAI như chatbot ChatGPT và trình tạo hình ảnh DALL-E vẫn chưa được triển khai chính thức tại Trung Quốc. Người phát ngôn của OpenAI nói với Reuters năm ngoái rằng họ không thể làm như vậy ở một số quốc gia do "điều kiện địa phương".

Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty và kỹ sư ở Trung Quốc đã truy cập các dịch vụ của OpenAI bằng các công cụ proxy như mạng riêng ảo (VPN) để che giấu địa chỉ IP của họ.

Do đó, nhiều công ty Trung Quốc đã có thể xây dựng phần mềm và ứng dụng dựa trên các mô hình AI của OpenAI. Các công ty Trung Quốc cũng thường xuyên so sánh các mô hình AI của riêng họ với GPT-4 do OpenAI phát triển.

OpenAI đã chặn các công ty Trung Quốc truy cập vào dịch vụ của mình. Vào tháng 12.2023, OpenAI đã đình chỉ tài khoản của ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok). Điều này diễn ra sau khi trang công nghệ The Verge đưa tin ByteDance sử dụng công nghệ của OpenAI để phát triển mô hình AI riêng.

Tại Hồng Kông, đặc khu hành chính của Trung Quốc, việc tiếp cận các mô hình AI của OpenAI cũng bị hạn chế nhưng không phải hoàn toàn. Dù các dịch vụ của OpenAI không có sẵn ở Hồng Kông, Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất và đối tác của OpenAI) đã phát hành Copilot, dịch vụ AI tạo sinh được xây dựng bằng công nghệ mới nhất của OpenAI, cho công chúng nơi đây. Bằng cách hợp tác với Microsoft, các công ty ở Hồng Kông cũng có thể truy cập vào các mô hình AI của OpenAI.

Các mô hình AI ở Trung Quốc có sử dụng công nghệ của Mỹ không?

Các nguồn tin nói với Reuters rằng Bộ Thương mại Mỹ lên kế hoạch chặn xuất khẩu các mô hình AI nguồn đóng hoặc độc quyền. Các mô hình AI nguồn mở sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiều mô hình AI nguồn mở được phát triển ở phương Tây, chẳng hạn dòng Llama của Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram).

Vào tháng 3, Học viện AI Bắc Kinh tuyên bố phần lớn các mô hình AI nội địa thực sự được xây dựng dựa trên Llama, điều này đặt ra thách thức cho sự phát triển AI của Trung Quốc.

Học viện AI Bắc Kinh nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào thời điểm đó rằng Trung Quốc “thiếu nghiêm trọng tính tự chủ” trong lĩnh vực này.

Tháng 11.2023, 01.AI (một trong những kỳ lân AI nổi tiếng nhất ở Trung Quốc) đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi một số kỹ sư AI phát hiện ra rằng mô hình AI Yi-34B của họ được xây dựng dựa trên Llama. 01.AI do Lý Khai Phục (cựu Chủ tịch Google Trung Quốc) thành lập.

trung-quoc-phu-thuoc-cong-nghe-ai-my-the-nao-khi-nhieu-hang-dua-vao-mo-hinh-nguon-mo-cua-meta.jpeg
Meta Platforms ra mắt phiên bản đầu tiên của mô hình Llama 3 hôm 18.4 vừa qua - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ Trung Quốc, gồm cả Baidu, Huawei và iFlytek, đã nỗ lực phát triển các mô hình AI "hoàn toàn độc quyền". Một số trong đó tuyên bố rằng các mô hình AI của họ có khả năng ngang bằng với GPT-4 trong một số lĩnh vực.

Vị trí của Trung Quốc so với Mỹ trong lĩnh vực AI?

Tuân theo mệnh lệnh từ Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phát triển khả năng tự cung tự cấp công nghệ, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết để phát triển công nghệ AI “có thể quản lý được” của riêng mình.

Vào tháng 2.2023, China Daily (tờ báo được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn) cho biết ChatGPT “có thể giúp đỡ chính phủ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu vì lợi ích địa chính trị của chính họ”.

Trung Quốc cũng tích cực ban hành các quy định về việc sử dụng AI tạo sinh, yêu cầu các dịch vụ phải được chính phủ phê duyệt trước khi công bố rộng rãi. Tính đến tháng 1.2024, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI để sử dụng rộng rãi nhưng không có cái nào của nước ngoài.

Tháng 4.2023, một quan chức cấp cao ở Hồng Kông cho biết thành phố này không có kế hoạch cho phép sử dụng ChatGPT trong chính quyền địa phương.

Thái độ tích cực từ chính phủ Trung Quốc với công nghệ AI tạo sinh của Mỹ chủ yếu hướng vào việc so sánh xem nước này tụt hậu bao xa so với đối thủ trong việc phát triển AI, thay vì khuyến khích dùng công nghệ của Mỹ.

Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3.2023, một bộ trưởng đã lấy ví dụ về bóng đá để mô tả khoảng cách lớn giữa ChatGPT so với các sản phẩm AI của Trung Quốc.

Ông Vương Chí Cương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết: "Chơi bóng đá bao gồm rê bóng và sút bóng, nhưng không dễ để giỏi như Messi", đề cập đến siêu sao người Argentina hiện khoác áo CLB Inter Miami (Mỹ).

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, nhận định Mỹ hiện có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.

"Chúng ta (Mỹ) có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", doanh nhân 69 tuổi người Mỹ cho biết.

Eric Schmidt nói Mỹ có thể trở thành nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua AI, miễn là không đánh mất lợi thế.

Đầu tháng 4, Thái Sùng Tín (đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba) cũng thừa nhận các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

“Rõ ràng là Trung Quốc có phần tụt hậu”, Thái Sùng Tín nói, trích dẫn cách OpenAI đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các bộ xử lý đồ họa (GPU) được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Thái Sùng Tín.

Bài liên quan
Mô hình AI đột phá Zhiji của Huawei thách thức khả năng dự báo thời tiết truyền thống
Nhóm nghiên cứu đằng sau mô hình Pangu-Weather của Huawei đã phát hành Zhiji, công cụ dự báo thời tiết bằng AI mang tính đột phá, với độ chính xác được cải thiện từ phạm vi hàng chục km xuống chỉ vài km.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phụ thuộc công nghệ AI Mỹ thế nào khi nhiều hãng dựa vào mô hình nguồn mở của Meta?