Một thông tin đáng chú ý về Trung Quốc trong những ngày gần đây là những tin tức rò rỉ về việc nước này đang có thể sẽ mở văn phòng di trú đầu tiên trên thế giới – Một động thái nhằm mục đích rõ ràng là bắt đầu hé cánh cửa cho việc người nước ngoài được nhận quốc tịch Trung Quốc.

Trung Quốc sắp khốn khổ vì tâm lý bài ngoại

Nhàn Đàm | 23/07/2016, 18:58

Một thông tin đáng chú ý về Trung Quốc trong những ngày gần đây là những tin tức rò rỉ về việc nước này đang có thể sẽ mở văn phòng di trú đầu tiên trên thế giới – Một động thái nhằm mục đích rõ ràng là bắt đầu hé cánh cửa cho việc người nước ngoài được nhận quốc tịch Trung Quốc.

Dù là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ rưỡi qua, cộng với việc đang là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc vẫn đang là một trong những quốc gia rấtkhắt khe trong việc cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch và trở thành công dân của mình. Nhưng khi mà lực lượng lao động đang có chiều hướng suy giảm mạnh, nguồn nhân lực trí thức thậm chí còn giảm nhanh hơn, thì việc Trung Quốc nới lỏng các quy định nhập tịch là điều cần thiết.

Tuy nhiên, tại một quốc gia mà một trong những biểu tượng lớn nhất trong hàng ngàn năm qua của nó là một công trình có ý nghĩa tự cô lập, tức Vạn lý trường thành, thì việc có thể dung nạp người nước ngoài là điều khó có thể dễ dàng xảy ra.

Không có gì khó hiểu về việc Trung Quốc quyết định mở văn phòng di trú đầu tiên trên thế giới của mình sau hàng chục năm duy trì những quy định khắt khe về nhập tịch với những người nước ngoài. Đúng là với dân số lớn nhất thế giới 1,3 tỷ người của mình, có vẻ như Trung Quốc sẽ không bao giờ phải lo lắng về vấn đề thiếu hụt nhân lực phục vụ nền kinh tế cả ở hiện tại lẫn trong tương lai. Nhưng thực tế lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Dù đang sở hữu 1/6 dân số thế giới, nhưng Trung Quốc lại đang là quốc gia khát nhân lực nhất toàn cầu,chủ yếu để duy trì nền kinh tế có quy mô khổng lồ của mình. Theo thống kê, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2012 và bắt đầu giảm dần, đến giai đoạn 2025-2030, số người nghỉ hưu trong xã hội Trung Quốc sẽ tăng gấp rưỡi.

Một trong những lý do chủ yếu là vì chính sách một con của nước này bắt đầu áp dụng từ cuối những năm 1960. Và dù chính phủ Trung Quốc hiện nay đang cố gắng thay đổi thực trạng này bằng cách nới lỏng quy định sinh một con vào cuối năm 2014, thì có vẻ như cũng đã hơi trễ để giải quyết được vấn đề.

Hiện tại, vấn đề đau đầu nhất với chính phủ Trung Quốc trong vấn đề thiếu hụt nhân lực phục vụ nền kinh tế trong tương lai không nằm ở sự sụt giảm lao động nói chung, mà nằm ở sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trí thức.

Theo báo cáo của Viện chính sách di dân Trung Quốc, thì từ những năm 2000 số lượng người giàu và trí thức có trình độ cao di cư khỏi nước này với tốc độ gấp 5 lần so với lượng người di cư có trình độ thấp và trung bình. Lý do chủ yếu là vì những vấn đề trong xã hội Trung Quốc như ô nhiễm, các thành phố đông đúc và đắt đỏ, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhất là tham nhũng ngày càng tràn lan. Một bộ phận nhân lực chất lượng cao khác cũng có xu hướng rời khỏi Trung Quốc là các sinh viên du học nước ngoài.

Theo thống kê từ năm 1978 đến năm 2013 có khoảng hơn 3 triệu sinh viên Trung Quốc đã ra nước ngoài nghiên cứu và học tập, phần lớn trong số đó đã không trở về. Nói cách khác, dù Trung Quốc đang trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì một nghịch lý là xu hướng những người có trình độ và giàu có chọn cách di cư lại ngày càng nhiều.

Đó có lẽ là lý do vì sao Trung Quốc đang lần đầu tiên buộc phải chấp nhận nới lỏng các quy định nhập tịch của mình, với hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhân tài từ khắp thế giới. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng.

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, cố thủ tướng Singapore -Lý Quang Diệu - đã đề cập đến vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua nhập cư sẽ là một trong những thách thức khó vượt qua nhất của Trung Quốc. Khi so sánh Trung Quốc với Mỹ với tư cách hai cường quốc lớn nhất thế giới, Lý Quang Diệu đã cho rằng khả năng thu hút và hấp thụ di dân trên khắp thế giới một cách dễ dàng của Mỹ là một lợi thế vượt trội so với một Trung Quốc vốn có truyền thống khép kín từ hàng ngàn năm.

Văn hóa và ngôn ngữ đặc trưng chỉ Trung Quốc mới có cộng với đặc thù xã hội cứng nhắc được hình thành qua hàng ngàn năm là những cản trở rất lớn để nước này có thể thu hút và hấp thụ di dân. Điều này cho phép Mỹ sẽ luôn có một lực lượng lao động chất lượng cao dồi dào và một nguồn bổ sung gần như vô tận từ khắp nơi trên thế giới; Trong khi Trung Quốc lại trái ngược, không những khó thu hút di dân mà còn đánh mất một bộ phận không nhỏ nhân lực chất lượng cao của mình thông qua di cư sang các xã hội phát triển hơn.

Dễ dàng kiểm chứng điều này thông qua các số liệu thống kê từ chính phía Trung Quốc. Chính sách cấp quốc tịch của Trung Quốc cho người nước ngoài là một trong những quy định khắt khe nhất của nước này, tính từ năm 2004 đến nay trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 248 người được nhập tịch Trung Quốc.

Theo chiều hướng ngược lại cũng khắt khe không kém. Theo Luật quốc tịch của Trung Quốc, bất kỳ một công dân nào có được quốc tịch nước ngoài đều sẽ bị tước mất quốc tịch Trung Quốc của mình, và những người nước ngoài được nhập quốc tịch Trung Quốc thì phải chấp nhận bỏ quốc tịch cũ trước đó của mình. Đây là hai hạn chế rất lớn khiến cho làn sóng di cư từ Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng nhiều, trong khi theo chiều hướng ngược lại thì rất ít.

Sự bài ngoại cũng là một yếu tố khá dễ thấy trong xã hội Trung Quốc, và cũng đang cản trở quá trình chấp nhận di dân của nước này. Một sự kiện điển hình cho tình trạng này là sự kiện một quan chức cấp cao của liên đoàn bóng đá Trung Quốc vào năm 2013 đã đưa ra đề xuất cải thiện trình độ và thành tích cho đội tuyển quốc gia bằng cách chấp nhận các cầu thủ nước ngoài nhập tịch.

Ngay lập tức một làn sóng chỉ trích vị lãnh đạo này tràn lan trên khắp toàn quốc, coi đề xuất đó là sự sỉ nhục dân tộc và quốc gia, trong đó không ít người Trung Quốc có lẽ không chấp nhận được việc 1,3 tỷ người Trung Quốc lại không thể sản sinh được 11 cầu thủ chất lượng đến nỗi phải chọn cầu thủ nhập tịch.

Sự bài ngoại này dễ dàng nhận ra trong nền kinh tế, việc cấm sở hữu cổ phần trong một số lĩnh vực như tài chính hay bất động sản không chỉ được áp dụng với người nước ngoài, mà còn đối với cả những người nước ngoài đã được cấp quốc tịch Trung Quốc.

Khó có thể tin chính sách thu hút di dân của Trung Quốc lại có thể thành công trong tương lai gần, khi mà quốc gia này đang ngày càng tỏ ra bài ngoại hơn bao giờ hết, cả về nhân chủng lẫn văn hóa.

Tại một quốc gia mà một biểu tượng mang tính toàn cầu như Disney Land bị coi là thứ văn hóa ngoại lai bị kỳ thị, còn chính phủ và những tỷ phú giàu nhất như Vương Kiện Lâm lại ra sức cổ súy và xây dựng các công viên mang phong cách truyền thống như một cách thể hiện bản sắc một cách mù quáng, thì khó có thể tin rằng quốc gia đó và xã hội đó có thể dễ dàng chấp nhận những người di dân nước ngoài.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
35 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc sắp khốn khổ vì tâm lý bài ngoại