Nhà sản xuất rượu vang Jarrad White của Nam Úc đã dành cả một thập kỷ để gầy dựng sự nghiệp của mình tại Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vài tháng, tất cả đều sụp đổ.

Trung Quốc tàn phá ngành công nghiệp rượu vang trị giá hàng tỷ đô la của Úc như thế nào?

Hoàng Phương | 18/02/2021, 15:05

Nhà sản xuất rượu vang Jarrad White của Nam Úc đã dành cả một thập kỷ để gầy dựng sự nghiệp của mình tại Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vài tháng, tất cả đều sụp đổ.

210209093052-20210209-china-australia-wine-super-169.jpg

Việc này không liên quan gì đến chất lượng rượu vang của White tại vườn nho của ông ở McLaren Vale, một trong những vùng trồng nho hàng đầu của Nam Úc. Mà là hệ quả sau nhiều tháng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia.

White sống ở Thượng Hải trong vài năm, thiết lập một mạng lưới các nhà phân phối để bán rượu Jarressa Estate của mình cho thị trường Trung Quốc, nơi nhu cầu mua rượu ngoại của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.

Vào giữa năm 2020, hơn 96% rượu vang của Jaressa Estate được bán cho người tiêu dùng ở Trung Quốc, lên tới bảy triệu chai mỗi năm.

Nhưng đến tháng 11, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố áp thuế lên rượu vang Úc như một phần của "cuộc điều tra chống bán phá giá" về việc liệu những loại rượu đó có được bán quá rẻ ở Trung Quốc hay không. Chính phủ cho biết cuộc điều tra được thúc đẩy bởi các khiếu nại từ các nhà sản xuất rượu Trung Quốc.

White nói trên CNN rằng, ông đã không còn bán được một chai rượu nào kể từ lúc đó.

210216181308-02-australia-china-wine-tahbilk-super-169.jpg

Hiện tại, hàng trăm nghìn chai rượu Jarressa Estate đang bị chất đống tại một nhà kho ở Adelaide, thủ phủ của Nam Úc, chờ đợi sự dỡ bỏ thuế quan.
"Chúng tôi bị tổn thất nghiêm trọng. Hiện tại công ty có rất nhiều nguồn cung cấp cần phải thanh toán và tất cả các đơn đặt hàng này đã được lên kế hoạch, vì vậy chúng tôi đang rơi vào tình thế khó xử", White nói.
Và không chỉ White bị ảnh hưởng mà hàng trăm nhà sản xuất rượu vang Úc đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một tương lai "mịt mờ".

Giá trị xuất khẩu rượu sang Trung Quốc giảm gần như bằng 0 trong tháng 12, theo thống kê từ tập đoàn công nghiệp Wine Australia.

Tổng giá trị xuất khẩu rượu sang Trung Quốc cho cả năm 2020 giảm 14% xuống còn khoảng 1 tỷ đô la Úc (790 triệu đô la).

Trung Quốc duy trì các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc nhập khẩu rượu vang giá rẻ làm giảm thị trường nội địa. Nhưng ngành công nghiệp rượu vang của Úc nhận định rằng động thái này có liên quan nhiều hơn đến căng thẳng giữa 2 nước.

Không chỉ là mặt hàng rượu. Khi quan hệ giữa Úc và Trung Quốc leo thang, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc, bao gồm thịt bò và gỗ cũng bắt đầu gặp trở ngại khi thâm nhập thị trường Trung Quốc, và rất ít người lạc quan tin rằng mọi thứ sẽ sớm được cải thiện.

210216171608-restricted-china-store-australian-wine-1127-file-super-169.jpg
Một khách hàng nhìn chai rượu nhập khẩu từ Úc tại siêu thị ngày 27/11 ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Sự bùng nổ ngành rượu vang

Úc là nhà xuất khẩu rượu vang lớn thứ 5 thế giới và là quê hương của một số vùng rượu vang nổi tiếng nhất thế giới, chẳng hạn như Thung lũng Barossa ở Nam Úc và Thung lũng Hunter ở New South Wales.

Theo Wine Australia, hàng năm, ngành công nghiệp rượu vang đóng góp tới 35 tỷ đô la (45 tỷ đô la Australia) cho nền kinh tế nước này.

Trước tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc là thị trường rượu vang lớn nhất của Úc cho đến nay. Trong năm 2019, hơn một phần ba lượng rượu vang mà Úc xuất khẩu đã đến Trung Quốc. Nước này đã mua tổng cộng 840 triệu đô la (1,1 tỷ đô la Úc) từ các vườn nho của Úc, theo Wine Australia. Cũng trong năm này, Úc đã bán nhiều rượu vang tính trên giá trị cho Trung Quốc hơn so với Mỹ, Vương quốc Anh và Canada cộng lại.

Alister Purbrick, nhà sản xuất rượu vang Victoria thế hệ thứ tư và là giám đốc điều hành của Tập đoàn Tahbilk, nói rằng Úc đã xây dựng hoạt động kinh doanh rượu vang của mình ở Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên nó chỉ thực sự phát triển sau khi hai nước ký hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, dỡ bỏ thuế quan 14% đối với rượu vang Úc.

Việc dỡ bỏ thuế quan được ví như một liều thuốc tăng trưởng cho một ngành công nghiệp đang phát triển. Từ năm 2008 đến 2018, xuất khẩu rượu vang của Úc sang Trung Quốc đã tăng từ 73 triệu đô la lên hơn 1 tỷ đô la.

Nhu cầu tiêu thụ rượu vang của Trung Quốc không chỉ đến từ Úc. Pháp là nước xuất khẩu rượu vang hàng đầu sang Trung Quốc. Úc đứng thứ hai và quốc gia đông dân này còn có nhu cầu tiêu thụ vang của Chile.

Đối với rượu vang Úc, các loại rượu vang đỏ là phổ biến nhất ở Trung Quốc, Purbrick nói, mặc dù gần đây người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển sang các loại rượu vang sủi và vang trắng.

Zheng Li, chủ một công ty kinh doanh rượu ở Hàng Châu, cho biết ông nghĩ rượu vang Úc đã thành công ở Trung Quốc vì theo ý kiến của ông, nó ngon hơn các loại rượu vang được sản xuất ở nơi khác. Đồng thời nó cũng rẻ hơn, chủ yếu là nhờ hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Ông nói thêm rằng, nồng độ cồn cao hơn cũng hấp dẫn những người uống rượu Trung Quốc đã quen với rượu baijiu (Bạch tửu), một loại rượu mạnh phổ biến được làm từ gạo.

Ngoài ra, một thế mạnh khác là hệ thống ghi nhãn mà các nhà sản xuất rượu Úc sử dụng khiến khách hàng Trung Quốc dễ hiểu hơn so với hệ thống ghi nhãn khu vực mà các công ty châu Âu sử dụng, Zheng cho biết.

Ví dụ, nhãn hiệu Penfolds nổi tiếng của Treasury Wines ghi nhãn rượu của mình bằng Thùng - ví dụ như Thùng 8, Thùng 28, Thùng 389 - ý nói đến nơi cất giữ rượu trước khi bán.

Một số nhà sản xuất rượu vang Úc cũng cho rằng sự nổi tiếng của rượu vang Úc được gắn với môi trường trong sạch và khí hậu hấp dẫn của đất nước này.

White từ Jarressa Estate cho biết: “Không thể phủ nhận chất lượng của rượu Úc và sự trong sạch của đất nước, khí hậu, sản phẩm được sạch, tinh khiết và là một loại rượu chất lượng rất tốt, rất ngon miệng".

Nhưng sự bùng nổ rượu vang cũng là kết quả của nhiều năm gầy dựng của Úc, nhắm vào tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc bằng các chiến dịch quảng cáo và giáo dục, theo Lee McLean, Tổng giám đốc quan hệ chính phủ và đối ngoại của Wine Australia.

McLean cho biết các nhà sản xuất rượu Trung Quốc đã được đưa đến Úc, cùng với các nhóm du lịch, những người sẽ đến thăm các vườn nho để nếm thử sản phẩm. Purdick, từ Tahbilk Group, nói rằng một số vườn nho ở Melbourne đã thuê phiên dịch tiếng Quan Thoại cho các đoàn du lịch Trung Quốc.

210216165342-01-australia-china-wine-purbrick-super-169.jpg
Alister Purbrick, giám đốc điều hành của Tập đoàn Tahbilk, đi dạo qua vườn nho của mình ở trung tâm Victoria vào tháng 2 năm 2020.

'Doanh số bán hàng bằng không'

Ngay cả trước khi bị áp thuế, ngành công nghiệp rượu vang của Úc cũng đã trải qua một năm khó khăn.

Theo ông Purdick, một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng đến sản lượng tới 40% trong nửa đầu năm 2020, bao gồm mưa đá, hạn hán và thảm họa cháy rừng mùa hè gây ra "khói bụi" trong vụ thu hoạch của một số vườn nho.

Trong khi đó, đại dịch coronavirus đã khiến các đơn đặt hàng từ Trung Quốc và các nơi khác chậm lại trên khắp thế giới, và kinh tế cũng tăng trưởng chậm lại.

Quan hệ chính trị giữa Úc và Trung Quốc bắt đầu xấu đi nhanh chóng vào tháng 4 sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đã rất tức giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi những bình luận của ông Morrison là "vô trách nhiệm cao độ" và Đại sứ Trung Quốc tại Australia Chen Jingye công khai về khả năng suy thoái kinh tế.

"Có thể những người dân (Trung Quốc) sẽ tự hỏi 'Tại sao chúng ta nên uống rượu vang Úc? Ăn thịt bò Úc?'", ông nói với Australian Financial Review vào thời điểm đó.

Ngay sau đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Úc - bao gồm gỗ, thịt bò, một số loại than và rượu vang - bắt đầu gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Vào tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thông báo về một "cuộc điều tra chống bán phá giá" đối với rượu vang Úc và vào tháng 11, Bộ đã áp đặt mức thuế tạm thời lên tới 212%. Ở giai đoạn này vẫn chưa rõ khi nào thuế quan sẽ hết hạn hay sẽ được áp dụng vĩnh viễn.

Purbrick nói rằng 1/4 lượng hàng xuất khẩu từ Nhà máy rượu Tahbilk của gia đình ông, đã hoạt động hơn một thế kỷ là sang Trung Quốc. Bây giờ doanh nghiệp đó không còn nữa.

Ông nói: “Bây giờ thực sự là doanh số bán hàng bằng 0, hoặc doanh số bán hàng rất nhỏ, tại thị trường Trung Quốc".

210216171858-restricted-australia-yarra-valley-winery-bottles-1207-file-super-169.jpg
Các thùng rượu và pallet đựng chai được xếp chồng lên nhau tại một nhà máy rượu ở thung lũng Yarra, bang Victoria, Australia vào ngày 7.12.

Trò chơi đổ lỗi

Nhiều nhà sản xuất rượu ở Úc tin rằng thuế quan là đòn trả đũa chính trị của Trung Quốc để đáp trả về việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra về đại dịch COVID-19.

Trung Quốc cũng không né tránh trước việc người dân gán ghép căng thẳng thương mại với tranh chấp chính trị giữa hai nước.

Khi được hỏi về những căng thẳng thương mại vào tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng "nguyên nhân sâu xa" của các vấn đề là do Úc, nói rằng nước này đã "vi phạm các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế".

"Họ đã nói những điều không đúng về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông và Tân Cương liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện rõ lập trường của chính mình", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, đề cập đến việc chính phủ Úc khiển trách Trung Quốc về cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Các nhà sản xuất rượu vang nói chuyện với CNN Business hầu hết đều nói rằng họ không đổ lỗi cho chính phủ Úc về tình trạng khó khăn. Họ cho biết họ tin rằng chính phủ Úc đã cố gắng hết sức để đàm phán với Trung Quốc - mặc dù Purbrick của Tập đoàn Tahbilk nói rằng Úc lẽ ra nên xử lý các yêu cầu điều tra COVID-19 một cách mềm mỏng hơn một chút.

Trong đơn đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc hành động, Hiệp hội Đồ uống có cồn Trung Quốc cho biết sản lượng rượu trong nước đã giảm 61% từ năm 2015 đến năm 2019. Họ kiên quyết "chỉ tay" đổ lỗi cho Úc, quốc gia có lượng rượu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Hiệp hội này cho biết ngành công nghiệp trong nước đang "xấu đi nhanh chóng" và nói thêm rằng rượu vang Úc giá rẻ đang "gây tổn hại cho ngành công nghiệp nội địa" ở Trung Quốc.

Trong phản hồi của mình, Australian Grape and Wine, Hiệp hội quốc gia gồm các nhà sản xuất rượu và rượu nho của Úc, cho biết nhập khẩu của Úc không phải là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của ngành rượu nội địa của Trung Quốc.

Theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường đồ uống International Wine and Spirits Research, họ cho biết rượu nội địa Trung Quốc "bị bủa vây bởi các vấn đề phát sinh từ việc gấp rút tăng sản lượng trong những năm 1990 và 2000. Chúng bao gồm chi phí cao, đất đai và khí hậu không phù hợp, sản lượng quá mức, chất lượng và hình ảnh kém".

Ngành công nghiệp rượu địa phương của Trung Quốc không có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về "rượu vang chất lượng cao", đồng thời cho biết thêm rằng các nước khác đã xuất khẩu rượu sang Trung Quốc với khối lượng lớn hơn và với giá thấp hơn Úc.

Bruce Tyrrell, giám đốc điều hành của Tyrrell's Wines ở New South Wales, đã nói: "Doanh số bán rượu nội địa của Trung Quốc bắt đầu giảm và các thương hiệu rượu Trung Quốc bắt đầu nói: 'Hãy loại bỏ những nhà sản xuất rượu Úc khốn kiếp này ra khỏi thị trường của chúng tôi.'"

Ông ấy nói thêm:"Tôi chỉ có thể rằng lời đáp trả của tôi là 'Sao không làm rượu ngon hơn đi.'"

Tyrrell nói rằng trong khi thị trường Trung Quốc chiếm tới 25% hoạt động kinh doanh của ông, nhà máy rượu của ông hiện đang coi nơi này là phi thị trường. Ông ấy nói thêm: "Có người đã hỏi tôi, 'Ai sẽ là người thua lỗ lớn nhất trong cuộc chơi này?' và tôi nói rằng "Người tiêu dùng Trung Quốc".

Nhiều chủ sở hữu vườn nho Trung Quốc đã từ chối yêu cầu bình luận từ CNN Business, cho rằng tình hình "quá nhạy cảm".

Vào tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, sau khi thuế quan được công bố, chính phủ Trung Quốc tin rằng mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Úc là "vì lợi ích của cả hai nước".

Ông nói: “Hy vọng rằng phía Úc sẽ làm nhiều việc hơn nữa để đi đến kết quả cho sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai bên”.

Suy cho cùng, Tổ chức Thương mại Thế giới mới là người quyết định mức độ hợp lệ của các tuyên bố chống bán phá giá như thế nào, theo Sean Langcake, nhà kinh tế chính tại BIS Oxford Economics ở Sydney.

Dù ai là người có trách nhiệm, những vườn nho của Úc vẫn đang than khóc. Ngay cả các nhà sản xuất rượu không có dấu ấn tại thị trường Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với việc giá rượu trong nước có khả năng giảm, do các nhà sản xuất rượu tràn ngập thị trường Úc với sản phẩm mà họ không thể bán ra nước ngoài.

Thị trường mới

Khi một số nhà sản xuất rượu của Úc tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài, có những lo ngại thầm kín rằng nếu thị trường Trung Quốc thực sự biến mất, đơn giản là không có nơi nào có thể thay thế nước này về sức mua.

Một số nhà sản xuất rượu nói với CNN Business rằng họ hy vọng rằng Ấn Độ, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với tầng lớp trung lưu, có thể là một lựa chọn, trong khi những người khác cho biết họ đang tìm cách phát triển các thị trường ít người biết đến hơn như Kazakhstan và Uzbekistan.

Một thỏa thuận thương mại tự do mới với Vương quốc Anh sau Brexit cũng có thể mở ra cơ hội, nếu nó dẫn đến việc giảm thuế đối với rượu vang của Úc vào Anh.

White, từ Jarressa Estates, nói rằng COVID-19 đang khiến việc đi ra nước ngoài để tìm kiếm người mua mới vô cùng khó khăn.

Ông nói: “Những điều này đòi hỏi khả năng đi lại quốc tế cùng với thời gian và tiền bạc. Vấn đề không chỉ là 'Ồ, chúng ta có kho rượu thế này, hãy vận chuyển nó đến châu Mỹ hoặc châu Âu' ".

White nói ông hy vọng rằng tranh chấp sẽ được giải quyết trong vòng một năm, nhưng những người khác không nghĩ nó sẽ đi đến hạ hồi phân giải.

Trong khi đó, Lee McLean của Wine Australia cho biết: “Tôi nghĩ là chúng tôi đang phải đối mặt với một tình trạng có thể sẽ tiếp diễn trong nhiều năm chứ không chỉ trong vài tháng".

Hai nhà nhập khẩu rượu ở Trung Quốc giấu tên nói với CNN Business, để bảo vệ hoạt động kinh doanh trong nước của họ, nói rằng lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của họ vì rượu vang Úc có thể dễ dàng bị thay thế bởi rượu vang Chile.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất rượu ở Úc tỏ ra nghi ngờ khi nói rằng trong khi một số loại rượu vang Chile có thể có hương vị và giá cả tương tự, những nhà sản xuất rượu đó không thể thay thế các nhãn Úc cao cấp hơn, chẳng hạn như Penfolds.

Kể cả khi nếu thuế quan được nới lỏng trong tương lai, tình huống này có thể sẽ định hình lại ngành sản xuất rượu vang của Úc.

Purbrick, thuộc Tập đoàn Tahbilk, nói rằng trong tương lai, các nhà sản xuất rượu của Úc khó có thể cho phép mình phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc hoặc bất kỳ thị trường nào khác.

Ông nói: “Có một số bài học kinh nghiệm rất hay rút ra từ tình trạng hiện tại này. Chúng ta liệu có thể đi xa với một khách hàng hoặc một thị trường mà nếu ngày mai nó sụp đổ mà không kéo theo chúng ta?"

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tàn phá ngành công nghiệp rượu vang trị giá hàng tỷ đô la của Úc như thế nào?