Tình trạng thiếu điện trên diện rộng tại Trung Quốc khiến nhiều đơn vị - trong đó có cả nhà cung cấp sản phẩm cho Apple, Amazon - chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này.
Đối với một nhà máy sản xuất hàng điện tử hạng trung ở tỉnh Quảng Đông, mất điện là trạng thái bình thường mới.
“Kể từ tháng 6 năm nay thường có thông báo cắt điện lẻ tẻ, đến giữa tháng 9 thì đây đã là chuyện xảy ra thường xuyên. Bây giờ mỗi tuần chúng tôi đều nhận được thông báo ghi rõ tuần sau những ngày nào cắt điện”, quản lý nhà máy cho hay.
500 lao động của nhà máy chuyên sản xuất bộ nhận bluetooth, tai nghe cùng một số thiết bị khác cho các nhãn hàng quốc tế như Harman Kardon, Edifier. Trước cảnh cung cấp điện nay chỉ còn 2 ngày/tuần, họ phải dựa vào máy phát điện riêng để duy trì mức hoạt động cơ bản.
Quản lý nhà máy lo ngại: “Nếu tình hình kéo dài, vài chuyến hàng chắc chắn bị chậm trễ. Chúng tôi cũng có thể phải suy nghĩ xem có cần thuê hoặc xây nhà máy mới tại nơi nào đó ngoài Trung Quốc hay không”.
Hàng loạt đơn vị ở các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô (3 tỉnh tập trung hàng nghìn cơ sở công nghệ) đang đối mặt với việc hạn chế sử dụng điện ở mức độ khác nhau do chính quyền các địa phương ban hành. Nguồn cung than thiếu hụt, tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn trước, nhu cầu sản xuất hậu COVID-19 tăng mạnh là 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng hiện tại.
Sau sự cố mất điện kéo dài cả tuần cuối tháng 9, các nhà cung cấp sản phẩm cho Apple từng cảnh báo hạn chế dùng điện có nguy cơ đe dọa đến tính liên tục của chuỗi cung ứng. Giờ đây nhiều người càng lo ngại tình hình sẽ kéo dài.
Giám đốc một nhà máy sản xuất loa trên địa bàn thành phố Đông Quản - nhà cung cấp của Amazon, Lenovo và vài thương hiệu khác - cho biết: “Chúng tôi nghe nói tình hình sẽ kéo dài đến cuối năm nay hay thậm chí lâu hơn. Bất tiện như vậy dần dần trở nên không thể chịu nổi. Hiện chúng tôi đang nghĩ lại kế hoạch xây nhà máy ở nước ngoài, có thể là Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan”.
Theo ông Dương Đức Hoa – Chủ tịch tập đoàn thiết bị máy móc Trình Thái (Goodway) chuyên cung cấp sản phẩm cho Toyota, Ford, Samsung, tác động từ khủng hoảng có thể kéo dài hơn bản thân tình trạng mất điện: “Công ty hoạt động ở Trung Quốc chắc chắn phải chịu giá điện cao hơn trong tương lai. Điều này thúc đẩy làn sóng thay đổi cơ cấu ngành theo hướng giảm phát thải, đồng thời đa dạng hóa năng lực nhằm giảm rủi ro do tập trung hóa quá mức”.
Vì chuỗi cung ứng mang tính liên kết cao, tác động của mất điện càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một đơn vị sản xuất máy chủ cung cấp cho dịch vụ web Amazon (AWS), Facebook, Microsoft ở thành phố Côn Sơn cho biết họ đang dựa vào lượng linh kiện dự trữ để tiếp tục sản xuất, sau khi nhiều nhà cung cấp linh kiện cho họ bị mất điện ảnh hưởng sản xuất.
“Lúc này chúng tôi thực sự rất muốn đẩy nhanh kế hoạch mở rộng sản xuất ở Đài Loan”, đơn vị sản xuất máy chủ chia sẻ.
Tình trạng thiếu rõ ràng trong xác định ai được cấp điện, ai không càng khiến mọi chuyện thêm tồi tệ. Một nhà cung cấp sản phẩm cho Apple bức xúc bày tỏ: “Rất hỗn loạn và khó hiểu. Một số đơn vị dựa vào mối quan hệ tốt, đàm phán với chính quyền địa phương để đảm bảo được cấp điện, trong khi số khác bị ảnh hưởng nặng nề”. Ba nguồn thạo tin tiết lộ nhiều nhà cung cấp lớn, chẳng hạn như Luxshare chuyên gia công iPhone, đều không chịu cảnh thiếu điện.
Một nhà cung cấp bảng mạch in cho Apple cho biết chính quyền các địa phương quyết định cấp điện cho ai dựa trên giá trị sản phẩm được tạo ra: “Nếu bạn không tạo ra nhiều giá trị như sản xuất màn hình hiển thị hay hàng bán dẫn cao cấp mà lại tiêu thụ rất nhiều điện, vậy thì xin lỗi, bạn đã bị loại! Tốt nhất bạn nên đóng cửa xưởng chuyển đi”.
Bảng mạch in rất quan trọng trong sản xuất chip, nhưng lại không có giá trị cao. Sản xuất chúng đòi hỏi dùng nhiều điện.