Cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường ở Blitar, Đông Java từ tuần tới khi thành phố này trở thành địa điểm thử nghiệm chương trình sống chung với COVID-19 của chính phủ Indonesia.

Indonesia đang thực hiện một thử nghiệm: Quay trở lại cuộc sống bình thường ở Blitar

PV | 06/10/2021, 06:38

Cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường ở Blitar, Đông Java từ tuần tới khi thành phố này trở thành địa điểm thử nghiệm chương trình sống chung với COVID-19 của chính phủ Indonesia.

051021-binhsiindo.jpeg
Binh sĩ Indonesia xịt khử trùng lên người dân đến sân vận động tại Tây Java để tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP

Tờ Straits Times (Singapore) cho biết kế hoạch này được triển khai sau khi Indonesia đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 gần đây nhất. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt mức cao điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 trường hợp. Con số này nay đã giảm xuống còn 1.700 trường hợp. Tỷ lệ tử vong cũng đi theo đà giảm khi ở mức cao điểm là 1.700 ca trung bình 7 ngày vào đầu tháng 8 xuống 100 ca trong những ngày gần đây.

Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, người phụ trách phối hợp các nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 ở Java và Bali, cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm. Quay trở lại cuộc sống bình thường ở Blitar. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn duy trì, nhưng hãy tiếp tục và tham gia vào đám đông”.

Ông nhấn mạnh rằng việc tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt là vẫn cần thiết và những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội cần phải được tiêm đủ vaccine COVID-19.

Theo quy định áp dụng đối với các thành phố có mức độ lây nhiễm COVID-19 thấp, nhà hàng và trung tâm mua sắm chỉ có thể mở cửa với 75% công suất, trong khi việc học trên lớp chỉ có thể diễn ra ở mức 50% so với thường nhật. Tất cả những hạn chế này sẽ được dỡ bỏ vào tuần tới ở Blitar.

Thành phố Blitar với dân số 150.000 người, cùng một số thành phố khác như Surabaya và Jember hiện ghi nhận mức lây nhiễm COVID-19 thấp trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao.

Giống như Ấn Độ, Anh và Mỹ, Indonesia đã chật vật vì biến thể Delta trong năm nay. Biến thể Delta xâm nhập Indonesia vào khoảng tháng 3 và từ tháng 6, chiếm hơn 90% tổng số trường hợp mắc mới COVID-19 được phát hiện.

Kể từ tháng 6, khi được Tổng thống Joko Widodo giao nhiệm vụ phụ trách nỗ lực chống biến thể Delta tại Java và Bali, ông Luhut đã nhanh chóng bắt tay vào việc và xử lý tình trạng quan liêu. Ông đã yêu cầu chuyển thuốc trị COVID-19 trực tiếp từ Jakarta về các bệnh viện khắp quốc gia, loại bỏ các quy định áp dụng ở nhiều tỉnh thành. Ông Luhut nói với các bộ trưởng, tỉnh trưởng trong một cuộc họp: “Tình trạng quan liêu, các quy định không hiệu quả sẽ không thể cản trở nỗ lực cứu người”.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Indonesia là một trong bảy quốc gia đã tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19 tính đến 31.8. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo Indonesia nên cẩn trọng bất chấp tình hình đã cải thiện bởi nước này vẫn có nguy cơ đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba.

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ trường hợp nào, đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở kiểm dịch tập trung ở nhiều tỉnh, đảm bảo trang thiết bị y tế cũng như nhân viên y tế luôn sẵn sàng trong trường hợp có làn sóng dịch mới.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5.10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 33.145 ca mắc mới COVID-19 và 392 ca tử vong (có 4 quốc gia không cập nhật dữ liệu).

Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.338.855 trường hợp và 262.210 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Việt Nam ghi nhận 134 ca; Thái Lan báo cáo 92 ca; Indonesia thêm 77 ca, Malaysia ghi nhận 76 ca tử vong, Campuchia thêm 12 ca và Timor Leste thêm 1 ca.

Các quốc gia gồm Malaysia, Singapore, Myanmar, Lào không cập nhật dữ liệu mới tính đến cuối ngày 5.10.

Với 9.869 ca nhiễm trong ngày 5.10, Thái Lan đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.657.231 ca, bao gồm 17.203 ca tử vong.

Philippines đứng thứ hai với 9.055 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.613.070 trường hợp, bao gồm 38.828 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 8.069 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.285.640.

Indonesia chỉ ghi nhận 1.404 ca nhiễm trong ngày, nhưng nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.221.610 trường hợp và 142.338 ca tử vong.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia đang thực hiện một thử nghiệm: Quay trở lại cuộc sống bình thường ở Blitar