Các nhà chức trách Trung Quốc đang thu thập hệ thống dữ liệu gien từ hàng chục triệu người trong 3 năm qua với mục tiêu truy bắt tội phạm, nhưng chương trình gây lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư. Hãy cùng đọc bài phân tích của Emile Dirks và James Leibold trên báo The New York Times.
Trong nhiều năm nay, cảnh sát và các cơ quan chức năng khác ở Trung Quốc đã thu thập các mẫu ADN từ hàng triệu đàn ông và các bé trai trên toàn quốc, những người không có tiền sử phạm tội.
Trong một báo cáo do Viện Chính sách chiến lược Úc công bố hồi tháng trước, chúng tôi đã phơi bày mức độ của chương trình giám sát di truyền học của chính phủ Trung Quốc: Nó không chỉ giới hạn ở Tân Cương, Tây Tạng và các khu vực dân tộc thiểu số. Bộ sưu tập ADN, tuy không được dùng cho nhu cầu nào hiện nay, đã lan rộng trên toàn quốc. Chúng tôi ước tính rằng mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là thu thập mẫu ADN của từ 35 - 70 triệu nam giới Trung Quốc.
Khi đối chiếu với hồ sơ gia đình chính thức, camera giám sát hoặc lời khai nhân chứng trong các báo cáo của cảnh sát, những mẫu gien này sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu để chính quyền Trung Quốc truy tìm một người đàn ông hoặc một cậu bé, hoặc hơn thế nữa, họ hàng của người ấy, tùy theo lý do mà chính quyền đưa ra.
Chính phủ Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ chương trình nào như vậy, nhưng kể từ nghiên cứu của chúng tôi được xuất bản, chúng tôi đã tiếp tục phát hiện các bằng chứng trực tuyến rải rác khắp nơi tiết lộ quy mô khổng lồ của chương trình, bao gồm các báo cáo của chính phủ và đơn đặt hàng mua sắm chính thức cho các bộ dụng cụ ADN và dịch vụ xét nghiệm.
ADN đang được thu thập trên khắp đất nước Trung Quốc, ở các tỉnh phía tây nam như Vân Nam và Quý Châu, ở phía trung nam như Hồ Nam, ở phía đông như Sơn Đông và Giang Tô, và ở phía bắc và trong khu tự trị Nội Mông.
Chúng tôi đã tiếp tục tìm thấy bằng chứng hình ảnh rằng cảnh sát đang thu thập máu từ trẻ em, họ chích ngón tay chúng để lấy máu ở trường học, một sự vi phạm không thể chối cãi về trách nhiệm của Trung Quốc theo Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc.
Và chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mới, bao gồm các tài liệu chính thức, cho thấy các mẫu ADN cũng đang được thu thập tại các trung tâm đô thị lớn (trong một thời gian, trọng tâm chương trình dường như chỉ tập trung vào các cộng đồng nông thôn).
Một báo cáo chính thức ngày 16.6, có sẵn trên một trang web của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, cho biết sự hình thành của một cơ sở dữ liệu ADN của Văn phòng Công an thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh, và tìm kiếm ý kiến chuyên gia về việc tạo ra một “hệ thống điều tra có gốc nam giới”.
Báo cáo ghi lại cách mà 17 văn phòng an ninh công cộng đã thu thập các mẫu ADN từ gần 600.000 cư dân nam trên toàn thành phố, đó là khoảng 7% dân số nam của Thành Đô (giả sử rằng khoảng một nửa tổng dân số thành phố khoảng 16,6 triệu là nam).
Báo cáo mua hàng của Thành Đô nói rằng việc xây dựng một cơ sở dữ liệu di truyền khổng lồ về cư dân địa phương sẽ giúp cảnh sát “duy trì trật tự ổn định công cộng cũng như đáp ứng nhu cầu của công việc hằng ngày". Điều này thật đáng ngại.
Cảnh sát Trung Quốc không làm công việc này một mình. Bằng chứng tiếp tục tích lũy rằng các công ty tư nhân, cả Trung Quốc và nước ngoài, đều đồng lõa trong cuộc tấn công cực kỳ rộng lớn và đáng ngại này vào quyền riêng tư của công dân Trung Quốc.
Tại tỉnh Hồ Nam, Công ty Dụng cụ khoa học Huangrui, một công ty có trụ sở tại tỉnh, công việc bao gồm sản xuất các sản phẩm y tế, hóa học và khoa học, đã bán cho Văn phòng Công an thành phố Lưu Dương khoảng 140.000 bộ dụng cụ xét nghiệm ADN do Công ty Khoa học Thermo Fisher sản xuất, một công ty trong danh sách Fortune 500 có trụ sở tại Mỹ. Đó là lượng thiết bị đủ để kiểm tra khoảng 1 trên 5 nam giới trong cộng đồng.
Tại tỉnh Phúc Kiến, Forensic Genomics International, một công ty con của BGI Group - một công ty giải trình tự gien và y sinh học Trung Quốc tự mô tả là “một trong những tổ chức khoa học đời sống và giải mã gien hàng đầu thế giới”, đã giành được hợp đồng phân tích 16.000 mẫu máu được thu thập bởi một huyện ở thủ phủ của tỉnh là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm xây dựng “một hệ thống điều tra gốc nam giới”. Tổng dân số nam ước tính của huyện là 43.500.
Viện Chính sách chiến lược Úc đã liên hệ với Thermo Fisher và Forensic Genomics International để xin nhận xét về báo cáo của chúng tôi. Không có công ty nào phản hồi.
Trong một tuyên bố phát hành trên The New York Times vào tháng trước , một đại diện của Thermo Fisher nói rằng công ty đã “tự hào đã góp phần một cách tích cực trong việc giúp áp dụng nhận dạng ADN, từ truy tìm tội phạm để ngăn chặn nạn buôn người đến giải thoát cho những người bị buộc tội không chính đáng.
Tuyên bố có tiêu đề “Tuyên bố về Tân Cương” không đề cập đến những lo ngại mà chúng tôi đã nêu ra về khả năng lạm dụng dữ liệu xét nghiệm gien rộng rãi bởi cảnh sát Trung Quốc trên cả nước.
Thermo Fisher trước đây từng bị chỉ trích bởi các tổ chức nhân quyền và học giả vì đã cung cấp thiết bị thu thập và phân tích ADN cho chính quyền Trung Quốc để ủng hộ cho chiến dịch đàn áp chống lại các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Ngay trong tháng 2.2019, công ty này đã tuyên bố sẽ ngừng mọi hoạt động buôn bán như vậy trong khu vực.
Đầu tuần này, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung vào danh sách các công ty bị phê chuẩn thêm hai công ty con khác của BGI Group, công ty mẹ gốc Trung Quốc của Forensic Genomics International, vì đã “tiến hành phân tích di truyền để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác” ở Tân Cương.
BGI Group đã bác bỏ các cáo buộc. Tuy nhiên, công ty này cũng được báo cáo là đã đồng ý xây dựng một “ngân hàng gien” trong khu vực. BGI Group cũng đã sản xuất hàng chục triệu bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19 để phân phối cho hơn 80 quốc gia, gây lo ngại cho những nơi như Úc và California rằng bất kỳ dữ liệu ADN nào được thu thập trong quá trình này có thể sẽ bị lạm dụng.
Cho đến nay, Trung Quốc dường như là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi cảnh sát đang thu hoạch các mẫu ADN số lượng lớn ngoài phạm vi điều tra tội phạm. Nhưng còn bao lâu nữa cho đến khi các quốc gia khác làm theo?
Ở các quốc gia khác, gồm cả Mỹ, các cơ quan thực thi pháp luật cũng đang thúc đẩy ranh giới đạo đức của việc thu thập dữ liệu di truyền. Cảnh sát ở New York thường xuyên thu thập các mẫu ADN từ những người họ bắt giữ hoặc chỉ đơn giản là đặt câu hỏi, đôi khi không cần lời nói. Trên khắp nước Mỹ, các nhân viên cảnh sát tìm kiếm trên các trang web dữ liệu tổ tiên tư nhân như GEDmatch nhằm truy quét dữ liệu di truyền để tìm kiếm đầu mối tiềm năng trong các vụ án chưa có lời giải, mà không có sự biết đến hoặc sự đồng ý của những người đã tải lên thông tin cá nhân của họ.
Đầu năm nay, chính quyền Trump đã áp dụng một chương trình yêu cầu các đặc vụ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ thu thập mẫu ADN bằng miệng từ những người bị giam giữ và thêm thông tin đó vào cơ sở dữ liệu ADN của FBI.
Các chuẩn mực toàn cầu về cách xử lý dữ liệu gien là không đồng đều, và đối với chuẩn mực dễ thay đổi đó, hành động của các siêu cường quốc như Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia khác.
Tòa án cấp cao của một số quốc gia, như Kuwait và Kenya, đã cấm với lý do trái với hiến pháp hoặc hạn chế việc thu thập ADN hàng loạt của các cơ quan nhà nước.
Vài quốc gia khác đang cố gắng noi gương Trung Quốc.
Tại Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra một dự luật vào năm ngoái nhằm mục đích “mở rộng ứng dụng công nghệ pháp y dựa trên ADN để hỗ trợ và củng cố hệ thống thanh trừng công lý của đất nước”. Nhưng các nhóm lợi ích đặc biệt đã xác định được nguy cơ lạm dụng của chính phủ.
Một thẩm phán cấp cao trước đó đã từng cảnh báo rằng luật pháp bao quanh hệ thống nhận dạng sinh trắc học của Ấn Độ, Aadhaar, có thể được trích dẫn trong tương lai để biện minh cho sự thu thập, không chỉ có dấu vân tay và quét mống mắt của người dùng, mà cả các mẫu ADN.
Tháng trước, ở Thái Lan đã làm dấy lên mối lo ngại khi một nhóm các binh sĩ ở biên giới, không một lời giải thích, đã cưỡng bức lấy mẫu ADN từ các công dân Hồi giáo thiểu số Thái Lan trở về từ Malaysia.
Về phần mình, Malaysia đang cân nhắc các kế hoạch tạo ra một hệ thống đăng ký quốc gia có thể liên kết dữ liệu sinh trắc học và ADN với các tài liệu nhận dạng hiện có. Điều này nhằm mục đích giữ cho người nước ngoài không đủ điều kiện không được thêm vào quốc tịch một cách sai trái.
Cuộc chiến về quyền riêng tư sinh trắc học sẽ là một trong những vấn đề tự do dân sự mang ý nghĩa lớn trong thế kỷ 21. Và thật đau lòng, trên mặt trận này cũng vậy, Trung Quốc dường như đang dẫn đầu.
Hoàng Phương (dịch)