Thông tin TQ có ý định lập căn cứ hải quân ở Djibouti làm thế giới lo ngại, vì dường như Trung Quốc tìm kiếm vị trí ưu việt ở châu Á.
Tổng thống Djibouti, Ismail Omar Guelleh gần đây tuyên bố đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc (TQ) về việc thành lập căn cứ hải quân ở Obock, Djibouti.
Djibouti vốn là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật, Pháp và một số quốc gia khác. Với vị trí chiến lược, Djibouti trở thành trung tâm quan trọng cho lực lượng hải quân toàn cầu chống cướp biển ngoài khơi Sừng Châu Phi, Biển Đỏ, và vịnh Aden.
TQ thường dựng lên những tấm màn che mắt thiên hạ và biện minh cho việc mở rộng quân sự và quốc phòng của họ.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tuyên bố của ông Guelleh cũng được TQ bỏ ngỏ. Trả lời giới truyền thông, TQ từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin, chỉ khẳng định rằng Bắc Kinh đang tìm cách để đóng góp nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Tuần trước, tờ Thời báo Ấn Độ (TOI) đã gửi đến các quan chức hải quân cao cấp của Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) nghi vấn về vấn đề trên, và nhận được phản hồi từ một quan chức hàng đầu, rằng TQ không dự định xây căn cứ quân sự nào.
Trong khi các quan chức khác khẳng định sự hiện diện của hải quân TQ ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là các hoạt động chống cướp biển của họ đang được mở rộng sang Vịnh Aden.
Theo ông Brahma Chellaney, một trong những chuyên gia các vấn đề chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ, TQ đang đàm phán một căn cứ hải quân ở Djibouti, nhìn ra eo biển hẹp Babal-Mandeb, một phần trong các kế hoạch Ấn Độ Dương quy mô lớn hơn của Bắc Kinh.
Tổng thể các kế hoạch này chính là dự án Con đường tơ lụa trên biển của TQ, thách thức Ấn Độ ngay trên sân sau của mình.
Thực tế thì tiết lộ về căn cứ ở Djibouti trùng khớp với những khám phá gần đây về TQ, càng làm rõ thêm tham vọng của TQ.
Trước tiết lộ này, Lầu Năm Góc có báo cáo cho biết TQ đã cải tạo 1.500 mẫu đất ở Biển Đông để xây các đảo nhân tạo trong 5 tháng qua.
TQ với sự phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân, đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Theo đó, cho phép TQ mặc cả với các cường quốc hải quân khác ở Ấn – Thái Bình Dương trong tuyên bố đường 9 đoạn, chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Và đó không còn là viễn cảnh.
Philippines, một trong những nước đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đã tìm đến các trọng tài quốc tế nhưng đây có thể là con dao hai lưỡi.
TQ tránh được các trọng tài quốc tế nhưng theo nhiều chuyên gia ở Đông Nam Á, tuyên bố gần đây có khả năng dẫn đến một phán quyết bất lợi.
Tờ TOI đã yêu cầu Bộ Ngoại giao TQ trả lời liệu Bắc Kinh có thể áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông hay không. Các quan chức cấp cao của TQ dường như làm lơ với câu hỏi này và trả lời rằng “tình hình khu vực đã ổn định”.
Theo ông Chellaney, Trung Quốc tìm kiếm vị trí ưu việt ở châu Á khi cùng lúc tung các quân bài ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, nhằm chiếm những tuyến vận chuyển đường biển giá trị nhất thế giới.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đưa ra báo cáo về sự phát triển quân sự của TQ. Báo cáo có đoạn cho biết Bắc Kinh muốn mở rộng cách tiếp cận dịch vụ hậu cầu và vận chuyển ở Ấn Độ Dương và sẽ thành lập nhiều cơ sở trong khu vực này vào 10 năm tới. Cả Ấn Độ và Mỹ đều lo ngại rằng TQ sẽ sử dụng các sáng kiến về Con đường tơ lụa trên biển và Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á để làm bàn đạp cho tham vọng của mình.
Khánh Nguyên (Theo Times of India, The Diplomat)