Trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều diễn biến bất lợi về mặt thị trường. Các thị trường nhập khẩu gạo lớn và lâu năm như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019.

Trung Quốc tồn kho lớn, xuất khẩu gạo Việt Nam gặp bất lợi về thị trường

24/06/2019, 19:28

Trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều diễn biến bất lợi về mặt thị trường. Các thị trường nhập khẩu gạo lớn và lâu năm như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường - Ảnh: Internet

Gặp khó về thị trường

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 ngày 24.6. Theo đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về mặt thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019 do tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay sự khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.

Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng năm 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường này đạt 1,44 triệu tấn thì con số năm 2019 chỉ là 239 nghìn tấn.

Đối với Thái Lan, tổng xuất khẩu sang 3 thị trường trên cũng sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ USD, giảm 20,4%. Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn.

Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực; tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.

Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Những động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Chưa tận dụng được ưu đãi trong Nghị định 107

Liên quan đến Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu cho biết sau 9 tháng thực thi đã có thêm 41 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo lên 177 thương nhân.

Trong số các thương nhân được cấp mới có 12 thương nhân thuê kho và cơ sở xay xát chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh (chiếm 29,3% số thương nhân mới được cấp Giấy chứng nhận); và 29 thương nhân có sở hữu về kho chứa, cơ sở xay xát chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Kết quả này cho thấy tuy điều kiện kinh doanh được nới lỏng cho phép thuê, nhưng đa phần các thương nhân chọn đầu tư, gắn bó lâu dài với sản xuất, xuất khẩu gạo.

Đối với thị trường có hợp đồng tập trung, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tự do đàm phán, ký kết, giao dịch xuất khẩu gạo vào các thị trường có hợp đồng tập trung, tuân thủ quy định của nước sở tại. Nhờ vậy, đã thúc đẩy được việc xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại vào các thị trường có hợp đồng tập trung, khác với quy định bảo vệ thị trường tập trung.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được quy định ưu đãi trong Nghị định 107, nhiều thương nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành (theo danh sách thống kê, đến nay mới có 76/177 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó chỉ có hơn một nửa có báo cáo định kỳ, thường xuyên).

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng cần hết sức coi trọng thị trường Trung Quốc vì đây vẫn là thị trường nhập khẩu lớn.

Bên cạnh đó là việc kết nối với bên ngoài. "Nếu có thể kết nối với 2-3 nhà phân phối lớn của nước ngoài, họ đặt hàng thì ta sẽ đặt hàng lại cho nông dân, như vậy mới tạo được chuỗi liên kết hoàn chỉnh và hiệu quả. Còn các doanh nghiệp, phải trung thực về năng lực sản xuất, chế biến, năng lực kiểm soát chất lượng hạt gạo. Làm sao mỗi hạt gạo đứng tên doanh nghiệp phải đạt chất lượng, đừng để hàng xuất đi lại bị trả về", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tồn kho lớn, xuất khẩu gạo Việt Nam gặp bất lợi về thị trường