Trung Quốc đứng sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore về cạnh tranh nhân tài toàn cầu và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế lớn khác trong việc giữ chân các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI), theo một báo cáo mới.

Trung Quốc xếp thứ 8 thế giới về khả năng cạnh tranh nhân tài, Mỹ dẫn đầu

Sơn Vân | 11/11/2022, 17:22

Trung Quốc đứng sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore về cạnh tranh nhân tài toàn cầu và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế lớn khác trong việc giữ chân các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI), theo một báo cáo mới.

Trung Quốc đứng thứ 8 trên thế giới về “khả năng cạnh tranh nhân tài”, với Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng và Hàn Quốc ở vị trí thứ 2, theo báo cáo Global Talent Flow: Trend and Prospect (Dòng chảy nhân tài toàn cầu: Xu hướng và triển vọng) do Centre for China & Globalisation (Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa) công bố.

Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa là một tổ chức tư vấn của Trung Quốc có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, được thành lập vào năm 2008.

Báo cáo này đã tính đến một loạt yếu tố như quy mô nguồn nhân tài của mỗi quốc gia, số lượng nhà nghiên cứu khoa học và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Báo cáo nêu rõ những điểm yếu đáng kể về hiệu quả và chất lượng của nhân tài Trung Quốc - một đòn giáng mạnh vào mục tiêu của Bắc Kinh là biến đất nước thành trung tâm của các chuyên gia hàng đầu và đạt được sự độc lập về công nghệ.

Trung Quốc xếp thứ tư trong số 38 quốc gia về chất lượng nhân tài, một chỉ số đo lường trình độ học vấn của lực lượng lao động và tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học. Ấn Độ hơn Trung Quốc một bậc, trong khi Singapore và Hàn Quốc xếp thứ nhất và thứ hai trên toàn cầu.

Xét về hiệu quả nhân tài, dựa trên năng suất lao động, số lượng bằng sáng chế đang hoạt động trên đầu người và tỷ trọng sản xuất công nghệ, Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng. Singapore lại xếp vị trí số 1.

Điều này cho thấy vẫn còn những rào cản ở Trung Quốc cản trở nhân tài tận dụng hết tiềm năng của mình”, theo báo cáo của Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa.

Trung Quốc quyết tâm nuôi dưỡng bí quyết công nghệ của mình trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ khiến Trung Quốc hạn chế khả năng tiếp cận với các thành phần công nghệ cao.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã vạch ra kế hoạch biến nước này thành trung tâm tài năng toàn cầu.

Tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu là rất quan trọng với sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc, đặc biệt khi nền kinh tế kỹ thuật số và AI đang trở thành động cơ mới để tăng trưởng.

Thế nhưng, Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) đang phải đối mặt với sự thiếu hụt hơn 5 triệu công nhân lành nghề và các nhà nghiên cứu trong ngành AI, báo cáo cho biết. Con số này sẽ vượt quá 10 triệu vào năm 2025. Tỷ lệ cung cầu nhân tài của Trung Quốc trong lĩnh vực AI là 1:10.

Tài năng AI cấp cao nhất Trung Quốc chỉ bằng 20% ​​quy mô của Mỹ, Wang Hong, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc châu Âu (ở Thượng Hải), nói tại một hội nghị nhân tài vào tháng 12.2021, theo Shanghai Observer.

trung-quoc-xep-thu-8-the-gioi-ve-kha-nang-canh-tranh-nhan-tai.jpg
Báo cáo mới của Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa cho biết Trung Quốc chỉ đứng thứ 8 trên thế giới về “khả năng cạnh tranh nhân tài” - Ảnh: Reuters

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025 của năm ngoái, Trung Quốc đã hứa sẽ đào tạo thêm nhiều nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu để dẫn đầu sự đổi mới.

Đầu tư cho R&D đã tăng 14,2% lên 2,78 ngàn tỉ nhân dân tệ (381,7 tỉ USD) vào năm ngoái và ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc có số lượng nhân viên R&D lớn nhất trên thế giới.

Thế nhưng, Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt là từ đối thủ địa chính trị là Mỹ.

Mỹ đã đưa ra một loạt chính sách trong năm nay để thu hút nhân tài toàn cầu, bổ sung 22 lĩnh vực nghiên cứu mới vào chương trình STEM OPT (Optional Practical Training) và nới lỏng việc phê duyệt thị thực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

STEM OPT là chương trình thực tập không bắt buộc của nhóm ngành STEM; mang đến cơ hội làm việc tại những tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại nước Mỹ với mức thu nhập hấp dẫn. Chương trình STEM OPT chỉ nhận những sinh viên đủ điều kiện.

STEM là viết tắt của Science – Technology – Engineering – Mathematics (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), nhóm ngành nổi trội tại Mỹ và đa số các quốc gia phát triển trên thế giới.

Hơn 2/3 các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực STEM ở Mỹ đã nhận bằng đại học ở các quốc gia khác, theo The Global AI Talent Tracker của MacroPolo - tổ chức nghiên cứu của Viện Paulson (Mỹ).

Trung Quốc là nước đóng góp chính cho tài năng STEM nước ngoài vào Mỹ, với 29% trong số các nhà nghiên cứu này đã nhận bằng đại học ở Trung Quốc nhưng hơn một nửa trong số họ tiếp tục học tập, làm việc và sinh sống ở Mỹ.

Nhật Bản đã đặt mục tiêu đưa 20.000 lao động có tay nghề cao vào cuối năm 2022, đồng thời rút ngắn số năm cần thiết để có thường trú nhân.

Vào tháng 8, Singapore đã giới thiệu The Overseas Networks & Expertise Pass, thị thực có thời hạn 5 năm dành cho các chuyên gia nước ngoài, và rút ngắn thời gian xét duyệt từ khoảng ba tuần xuống còn 10 ngày.

Lý do Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng nhân tài thiết kế chip

Xung đột thương mại và kiểm soát đại dịch chặt chẽ cản trở dòng tài năng thiết kế chip ở nước ngoài đến Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát tư nhân đã kết luận rằng căng thẳng Trung-Mỹ và các biện pháp kiểm soát đại dịch cứng nhắc của Trung Quốc đã làm giảm đáng kể dòng tài năng chip rất cần thiết vào nước này.

Theo cuộc khảo sát do công ty chip IP Arm China và ICWise có trụ sở tại Thượng Hải thực hiện, Trung Quốc đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng dù ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập ngành này.

Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc sẽ cần khoảng 320.000 chuyên gia thiết kế chip vào năm 2023, nhưng đội ngũ nhân tài của những chuyên gia như vậy đến 2021 chỉ là 221.000.

“Dù một số công ty Trung Quốc đã cố gắng thu hút một số lượng nhân tài cấp cao từ nước ngoài, điều đó vẫn còn rất xa so với nhu cầu phát triển của ngành. Do tác động của xung đột thương mại kinh tế Mỹ-Trung ngày càng tăng và việc bình thường hóa các biện pháp kiểm soát đại dịch, nhân tài mà các công ty vi mạch có kế hoạch thuê từ nước ngoài vào năm 2021 thấp hơn đáng kể so với 2020”, theo khảo sát dài 79 trang.

Các công ty thiết kế chip của Trung Quốc đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho thấy có 2.810 công ty thiết kế chất bán dẫn mới bắt đầu vào năm 2021, tăng 26,7% so với 2020, khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt tay vào thiết kế chip của riêng họ.

Theo cuộc khảo sát, số lượng chuyên gia thiết kế chip ở Trung Quốc tăng 10,7% hàng năm lên 221.000 người vào 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân tài bán dẫn của đất nước. Ngoài thiết kế chip, hai lĩnh vực chủ chốt khác về việc làm là đóng gói và sản xuất.

Sự thiếu hụt nhân tài về chip của Trung Quốc là yếu tố chính cản trở tham vọng bán dẫn nước này.

Dựa trên mẫu gồm 160 chuyên gia thiết kế chip từ 10 công ty, cuộc khảo sát cho thấy khoảng 2/3 có mức lương cao hơn 200.000 nhân dân tệ (29.583 USD) mỗi năm, với 5% kiếm được hơn 1 triệu nhân dân tệ. Trong số nhóm được khảo sát, 37% cho biết họ có kế hoạch thay đổi công việc.

Hầu hết công ty được khảo sát có trụ sở tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như các thành phố nhỏ hơn là Vô Tích, Nam Kinh, Tô Châu, Tây An và Hàng Châu.

Các công ty thiết kế chip hoạt động trên một mô hình kinh doanh tương đối nhẹ về tài sản so với các xưởng đúc thâm dụng vốn, vốn đầu tư hàng chục tỉ USD để sản xuất chip. Kết quả là nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới (thiết kế nhưng không tự sản xuất chip) phải nhờ cậy các xưởng đúc hợp đồng như TSMC.

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Cuộc khảo sát từ IP Arm China và ICWise cho thấy doanh thu từ lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn của Trung Quốc tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên 451,9 tỉ nhân dân tệ, chiếm tỷ trọng lớn nhất (43%) trong tổng ngành công nghiệp bán dẫn nước này theo giá trị.

Doanh thu từ lĩnh vực sản xuất chip đã tăng 24,1% vào năm 2021 lên 317,6 tỉ nhân dân tệ, chiếm 30% tổng doanh thu, trong khi kiểm tra và đóng gói chiếm 26,4%.

Bài liên quan
Đài Loan đột kích 10 công ty Trung Quốc, ngăn việc săn các nhân tài chip và công nghệ khác
Hôm 26.5, Cơ quan điều tra Đài Loan cho biết chính quyền đảo này đã đột kích 10 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ săn trái phép các kỹ sư chip và tài năng công nghệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
24 giây trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc xếp thứ 8 thế giới về khả năng cạnh tranh nhân tài, Mỹ dẫn đầu