Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký VCCI, nói rằng chưa giai đoạn nào ông phải tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng như vậy.

TS Đậu Anh Tuấn: 'Chưa giai đoạn nào tôi phải tiếp nhiều doanh nghiệp khó khăn như vậy'

Hoài Lam | 12/07/2023, 15:30

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký VCCI, nói rằng chưa giai đoạn nào ông phải tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng như vậy.

Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ nhiều lo ngại đối với kinh tế Việt Nam.

Tổng cầu sụt giảm mạnh

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72% - mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỉ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất với 22,6%.

hieu.jpg
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.

"Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022", ông Hiếu nhìn nhận.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 cũng trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường còn khu vực sản xuất trong nước chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.

cuong.jpg
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mối quan hệ giữa tổng cầu với tăng trưởng đã được nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2023 và đến hội thảo hôm nay, chúng ta mới nhìn thấy rõ hơn vai trò đó.

Theo ông Cường, điều này thể hiện rõ ở việc trong khi các nguồn lực đầu vào của sản xuất trong 6 tháng năm 2023 tốt hơn rất nhiều so với năm 2022 nhưng kinh tế không tăng trưởng được, đó là vì vấn đề mất cân đối tổng cầu. Vì vậy, vấn đề cần nghĩ đến hiện không chỉ là tái cấu trúc sản xuất mà còn ở tổng cầu.

“Ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để dành cho doanh nghiệp, có lẽ vốn lúc này không thiếu, thậm chí dư thừa, doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu nghịch lý.

30 năm qua, đây là thời điểm khó khăn nhất

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng với hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam thì đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam.

“Khó khăn càng đè nặng hơn khi chưa tìm thấy lối ra. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế. Chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Về đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên hy vọng tư nhân đầu tư vào thời điểm này, bởi lẽ không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm.

cung.jpg
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, song theo TS Nguyễn Đình Cung, việc đầu tiên cần làm là hóa giải được căn bệnh "sợ sai không dám làm", nếu không thì việc chậm vẫn xảy ra; phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm.

“Tôi cho rằng muốn đẩy mạnh đầu tư công cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư, tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay, khi có quyết định là tìm kiếm nhà đầu tư luôn chứ không đợi triển khai rồi mới tìm, như vậy sẽ mất 3 - 4 năm nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ rằng chưa giai đoạn nào ông phải tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng như vậy. Khó khăn về thị trường đã đành, nhưng khó khăn từ chính sách mới là vấn đề lớn với doanh nghiệp.

“Cái khó ở Việt Nam mục tiêu chính sách là vậy nhưng sự chia sẻ, hành động của các cơ quan liên quan không giống nhau. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước rất vất vả chỉ đạo điều hành đảm bảo về vốn, hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi đó tình trạng nợ đọng, không hoàn được thuế giá trị gia tăng xảy ra ở rất nhiều ngành hàng”, ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn dẫn chứng có doanh nghiệp phản ánh, mỗi tháng xuất khẩu 420 tỉ đồng nhưng mấy tháng qua đình lại không xuất khẩu vì không hoàn được thuế.

“Chỉ cần một doanh nghiệp trong chuỗi bị trục trặc, cơ quan thuế không hiện diện tại địa điểm đó hoặc đóng cửa thì lập tức tài khoản của doanh nghiệp bị ách lại, doanh nghiệp phải giải trình, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan công an”, Phó tổng thư ký VCCI kể.

anh.jpg
PGS-TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài.

PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục trên thị trường tài sản. Ngoài ra, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn; tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập; ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa.

Dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024. Theo đó, để cải cách cơ cấu trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB)

Việt Nam đang dựa nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hóa.

Ông Johnathan Picus - Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam

Bài liên quan
Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh và định hướng phát triển du lịch Vĩnh Long
Tối 16.11, tỉnh Vĩnh Long long trọng khai mạc "Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024". Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc hy vọng “những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mang nét đặc trưng văn hóa của vùng mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Đậu Anh Tuấn: 'Chưa giai đoạn nào tôi phải tiếp nhiều doanh nghiệp khó khăn như vậy'