Người chạy xe qua tiệm Arby's mua sandwich bò nướng ở phía đông Los Angeles (Mỹ) có thể được trò chuyện với Tori – một trợ lý trí tuệ nhân tạo phụ trách nhận đơn gửi đến nhân viên chế biến món ăn.

Tự động hóa thời COVID-19 làm lao động mất thêm việc làm

Cẩm Bình | 07/09/2021, 14:09

Người chạy xe qua tiệm Arby's mua sandwich bò nướng ở phía đông Los Angeles (Mỹ) có thể được trò chuyện với Tori – một trợ lý trí tuệ nhân tạo phụ trách nhận đơn gửi đến nhân viên chế biến món ăn.

Amir Siddiqi - giám đốc điều hành công ty Akash Management (đơn vị sở hữu thương hiệu Arby's) - nói về trợ lý trí tuệ nhân tạo vừa trang bị trong năm nay: “Tori không xin nghỉ bệnh, không thể nào bị nhiễm COVID-19 và rất đáng tin cậy”.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo kể trên minh chứng cho việc đại dịch không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe mà còn đe dọa đến việc làm trong dài hạn. Trước tình trạng thiếu nhân công và chi phí lao động tăng cao, không ít công ty đang bắt đầu tự động hóa công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ, mặc dù giới chuyên gia kinh tế từng đánh giá việc làm ở mảng dịch vụ an toàn do khách hàng có nhu cầu tiếp xúc giữa người với người (điều máy móc không thể đem lại).

Theo kinh nghiệm từ quá khứ thì số việc làm được tạo ra bởi làn sóng tự động hóa tạo ra nhiều hơn số việc làm bị đào thải, tuy nhiên các làn sóng tự động hóa này đã quét sạch hàng loạt việc làm ít đòi hỏi kỹ năng vốn là nguồn sống của rất nhiều lao động thu nhập thấp. Nền kinh tế vì vậy cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Nếu không phải vì đại dịch, Siddiqi có lẽ cũng chẳng bận tâm đầu tư công nghệ mới có thể khiến ông mất đi một số nhân viên lẫn khách hàng. Nhưng mọi việc sau đó diễn ra suôn sẻ.

“Về cơ bản thì cần ít người hơn. Tuy vậy số người cũ nay chuyển sang làm việc trong bếp hoặc ở khâu khác”, ông Siddiqi cho biết.

tuarby.jpg
Chuỗi thức ăn nhanh Arby's dùng trợ lý trí tuệ nhân tạo nhận đơn - Ảnh: Getty Images

Nhà kinh tế Johannes Moenius thuộc đại học Redlands nhận định kịch bản lý tưởng nhất là tự động hóa có thể tái bố trí lao động vào vị trí công việc tốt và thú vị hơn. Quá trình này diễn ra không đủ nhanh dù hiện tại đã bắt đầu.

Tệ hơn, toàn bộ công việc dịch vụ được tạo ra khi ngành sản xuất sử dụng máy móc tự động hóa nhiều hơn giờ đây có thể gặp rủi ro. Moenius hoàn toàn bất ngờ trước tốc độ robot “thoát khỏi” mảng sản xuất, “tiến công” mảng dịch vụ.

Tiến bộ trong công nghệ robot cho phép máy móc đảm nhận nhiều công việc trước đây cần đến con người – từ nhào bột bánh pizza, vận chuyển khăn trải dùng tại bệnh viện đến kiểm tra thiết bị đo lường, phân loại hàng hóa. Máy móc không bệnh cũng không lây lan bệnh tật, không yêu cầu nghỉ để xử lý việc đột xuất.

Đội ngũ chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận thấy rằng một số đại dịch trong quá khứ thường khuyến khích các công ty đầu tư máy móc theo hướng thúc đẩy năng suất, và tất nhiên xóa sổ việc làm ít đòi hỏi kỹ năng. Họ đánh giá mối lo ngại về gia tăng sử dụng robot thời đại dịch COVID-19 là hoàn toàn chính đáng.

Hậu quả nặng nề nhất có thể rơi rào đối tượng lao động nữ ít học, phải làm công việc lương thấp hoặc trung bình. Những người này dễ chịu tác động trước tự động hóa lẫn dịch bệnh (bán hàng, trợ lý hành chính, thu ngân, phụ tá trong bệnh viện, người chăm sóc người bệnh hoặc người già).

tu1000.jpeg
Thực khách tại nhà hàng Bartaco (Mỹ) đặt món và thanh toán qua điện thoại - Ảnh: AP

Phía đơn vị sử dụng lao động khá háo hức trang bị máy móc. Một cuộc khảo sát do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện năm ngoái cho kết quả 43% công ty được hỏi có kế hoạch giảm lao động vì đã có công nghệ mới.

Hiệp hội Robot quốc tế dự báo tăng trưởng mạnh nhất là máy lau sàn dùng trong siêu thị, bệnh viện, nhà kho. Robot cung cấp thông tin cho khách hay làm dịch vụ phòng khách sạn cũng sẽ đắt hàng.

1000.jpeg
Tại nhà hàng Bartaco, thực phẩm chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập thực đơn rồi gọi món - Ảnh: AP

Nhà hàng là nơi sẵn sàng sắm robot nhất. Chẳng hạn chuỗi nhà hàng Sweetgreen chuyên phục vụ sa lát vào cuối tháng 8 thông báo mua lại công ty khởi nghiệp Spyce – đơn vị phát triển máy nấu rau và ngũ cốc.

Không chỉ robot, nhu cầu mua phần mềm cùng dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo cũng tăng. Chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đang tự động hóa công việc theo dõi lượng hàng tồn kho, vài tiệm đã chuyển sang hình thức tự thanh toán.

Mùa thu năm ngoái, Scott Lawton - giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Bartaco tại bang Virginia - gặp khó trong việc kêu bồi bàn quay trở lại làm việc. Do đó ông quyết định kinh doanh không cần bồi bàn.

Nhờ một công ty phần mềm, Bartaco phát triển hệ thống gọi món và thanh toán trực tuyến khách hàng có thể sử dụng qua điện thoại. Giờ đây thực khách chỉ cần quét mã QR dán giữa bàn ăn để truy cập xem thực đơn rồi gọi món, không cần chờ bồi bàn nữa.

Vẫn có người mang món ăn, thức uống đến. Sau khi ăn xong thực khách trả qua điện thoại rồi rời đi.

Sáng tạo công nghệ làm giảm số nhân viên, nhưng không có nghĩa lao động sẽ rơi vào cảnh khốn khó. Giờ đây mỗi nhà hàng Bartaco có đến 8 trợ lý điều hành – gấp đôi số lượng trước đại dịch, phần lớn là bồi bàn cũ. Nay họ chỉ việc đi vòng quanh nhà hàng đảm bảo thực khách nào cũng gọi được món, mỗi tháng nhận lương tối thiểu 55.000 USD thay vì nhận lương theo giờ như trước. Tiền boa được chia đều cho tất cả nhân viên khác kể cả người rửa bát (đối tượng lao động thường chỉ kiếm được 20 USD/giờ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự động hóa thời COVID-19 làm lao động mất thêm việc làm