Đơn vị thương mại điện tử trong nước của Alibaba là Taobao và Tmall đang tuyển dụng hơn 2.000 vị trí mới. Đây là dấu hiệu mới cho thấy gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng sau nhiều năm thu hẹp quy mô.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc cao kỷ lục, Big Tech đua nhau tuyển tân cử nhân

Sơn Vân | 19/08/2023, 11:15

Đơn vị thương mại điện tử trong nước của Alibaba là Taobao và Tmall đang tuyển dụng hơn 2.000 vị trí mới. Đây là dấu hiệu mới cho thấy gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng sau nhiều năm thu hẹp quy mô.

Đơn vị thương mại điện tử này, 1 trong 6 nhóm kinh doanh lớn của Alibaba, đang tìm kiếm những sinh viên mới tốt nghiệp (tân cử nhân) để đảm nhận các vai trò từ kỹ thuật đến thuật toán và dữ liệu ở quê hương Hàng Châu, cũng như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu, theo trang SCMP.

Nỗ lực tuyển dụng là một phần trong kế hoạch tổng thể của Alibaba nhằm bổ sung 15.000 nhân viên, gồm cả 3.000 sinh viên mới tốt nghiệp, vào toàn công ty năm 2023.

Alibaba đã quay trở lại với hoạt động tuyển dụng tích cực sau những cắt giảm nhân sự đáng kể trong biên chế. Alibaba có 228.675 nhân viên tính đến cuối tháng 6, giảm 6.541 so với cuối tháng 3, theo báo cáo kết quả tài chính mới nhất.

Hôm 20.6, Alibaba thông báo sẽ thực hiện việc thay đổi bộ máy lãnh đạo lớn với việc thay Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang. Tiếp quản vị trí Chủ tịch của Daniel Zhang là Joseph Tsai, nhà đồng sáng lập và hiện là Phó chủ tịch điều hành Alibaba. Vị trí Giám đốc điều hành Alibaba sẽ thuộc về Eddie Wu, hiện là Chủ tịch mảng thương mại điện tử gồm Taobao và Tmall Group.

Tân Chủ tịch và Giám đốc điều hành Alibaba sẽ bắt đầu tiếp quản vị trí đó vào tháng 9 tới. Trong khi Daniel Zhang sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành mảng điện toán đám mây của Alibaba.

ty-le-that-nghiep-cua-thanh-nien-trung-quoc-cao-ky-luc-big-tech-dua-nhau-tuyen-tan-cu-nhan.jpg
Văn phòng của Alibaba tại thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Gã khổng lồ về truyền thông xã hội và game Tencent vừa công bố sẽ cung cấp một số lượng lớn cơ hội việc làm trong và ngoài nước cho các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, robot và internet công nghiệp. Trước đó, Tencent (đặt trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) từng cắt giảm việc làm quy mô lớn.

Tencent có 104.500 nhân viên vào cuối tháng 6, giảm 6.200 so với một năm trước, theo báo cáo kết quả tài chính của công ty.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao mới vào tháng 6, gây áp lực buộc chính quyền phải tăng cường tuyển dụng lao động trẻ.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc dự kiến ​​sẽ công bố số liệu tháng 7 vào ngày 22.8. Thế nhưng, Cục này đã tạm dừng báo cáo dữ liệu thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại của công chúng rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý trong vài năm qua khi Bắc Kinh chuyển sang kiềm chế “sự mở rộng vốn” và theo đuổi “sự thịnh vượng chung”, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc (Big Tech) hiện đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút số lượng lớn trong số 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ước tính người rời trường vào mùa hè này.

Cuộc kiểm soát của chính quyền Trung Quốc với ngành công nghiệp internet đã chứng kiến hàng nghìn tỉ USD bị xóa khỏi giá trị các công ty và hàng ngàn việc làm bị loại bỏ. Thế nhưng, khi sự biến động về kinh tế gia tăng, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi lớn vào cuối năm 2022 khi bắt đầu nêu bật giá trị tích cực mà các nền tảng internet có thể mang lại cho đất nước.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, hồi tháng 7 đã ca ngợi các công ty internet vì đã “thúc đẩy các nỗ lực tự lực về khoa học và công nghệ cấp cao, góp phần thúc đẩy phát triển chất lượng cao”.

ty-le-that-nghiep-cua-thanh-nien-trung-quoc-cao-ky-luc-big-tech-dua-nhau-tuyen-tan-cu-nhan1.jpg
Trụ sở chính của Tencent tại Thâm Quyến - Ảnh: Reuters

Sự ủng hộ này tiếp tục được thể hiện bởi cuộc họp thân thiện giữa Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường và đại diện từ các tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm cả người sáng lập Alibaba Cloud - Wang Jian và người sáng lập Xiaohongshu - Qu Fang.

Với việc Trung Quốc nới lỏng quyền kiểm soát với Big Tech, một số hãng công nghệ khác cũng đã mở rộng tuyển dụng.

Cuối tháng trước, gã khổng lồ dịch vụ địa phương Meituan, điều hành nền tảng giao đồ ăn hàng đầu đất nước, đã thông báo về 6.000 vị trí mới dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, tăng từ 5.000 vào năm ngoái.

Kuaishou Technology, nhà điều hành ứng dụng video ngắn số 2 của Trung Quốc, thông báo về hơn 200 vị trí mới trong tháng đó.

Trách nhiệm với xã hội của Big Tech

Trách nhiệm với xã hội đã được đặt lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của các hãng công nghệ lớn Trung Quốc sau khi chính quyền tăng cường kiểm tra và giám sát họ bắt đầu từ năm 2021.

Đầu tháng 8, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc từ Alibaba đến ByteDance đã cam kết quyên góp hàng trăm triệu nhân dân tệ cho các nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận, sau khi cơn bão nhiệt đới Doksuri gây ra trận mưa lớn hiếm gặp khiến nhiều người thiệt mạng.

ByteDance, chủ sở hữu TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết sẽ quyên góp 100 triệu nhân dân tệ (13,9 triệu USD) để cứu trợ thiên tai ở các khu vực bị lũ lụt, bao gồm Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc và tỉnh Phúc Kiến. ByteDance cũng tiết lộ đã giúp xác định được 7 người mất tích thông qua hashtag và phát trực tiếp trên ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc).

Tencent tuyên bố đã quyên góp thêm 100 triệu nhân dân tệ cho các khu vực bị lũ lụt. Trong khi Alibaba thông báo quỹ từ thiện của họ sẽ quyên góp 30 triệu nhân dân tệ và đang làm việc với các tổ chức từ thiện khác thông qua nền tảng Taobao của mình.

Hãng smartphone Xiaomi thông báo sẽ quyên góp 25 triệu nhân dân tệ. Nhà sản xuất ô tô điện Li Auto cam kết quyên góp 20 triệu nhân dân tệ. Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com cho biết sẽ quyên góp vật liệu trị giá 30 triệu nhân dân tệ cho các khu vực bị lũ lụt.

Công ty gọi xe Didi Chuxing (có trụ sở tại Bắc Kinh) đã triển khai một số nhóm tài xế, được đào tạo chuyên nghiệp như lực lượng cứu hộ, tham gia vào các nỗ lực cứu trợ ở các khu vực lân cận thủ đô Bắc Kinh bị lũ lụt.

Vào tháng 10.2021, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từng quyên góp hơn 300 triệu nhân dân tệ cho các nỗ lực cứu hộ ở tỉnh Sơn Tây trong bối cảnh mưa lớn và lở đất.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc về từ thiện năm 2022 của Hurun, người sáng lập ba tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc là JD.com, Meituan và Xiaomi đã cam kết quyên góp hơn 2 tỉ USD/người cho các hoạt động từ thiện vào năm đó, đồng hành với lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc về sự thịnh vượng chung. Điều này đã thúc đẩy quyên góp lên mức kỷ lục.

Richard Liu Qiangdong, tỷ phú sáng lập JD.com, đã cho đi 2,05 tỉ USD vào năm ngoái. Wang Xing, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Meituan, đứng thứ hai với số tiền quyên góp 2,03 tỉ USD. Lei Jun, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi, đứng thứ ba với số tiền quyên góp hơn 2 tỉ USD.

Bài liên quan
Nói ‘AI là cơ hội ngàn năm có một’ nhưng Tencent tiếp cận khác Baidu và Alibaba
Lãnh đạo các hãng công nghệ lớn Trung Quốc đang thể hiện những quan điểm trái ngược nhau với trí tuệ nhân tạo (AI), khi một số người háo hức đón nhận công nghệ tiên tiến này, còn những người khác cảnh báo không nên vội vàng áp dụng trong bối cảnh ChatGPT đang bùng nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc cao kỷ lục, Big Tech đua nhau tuyển tân cử nhân