Khi bị cho thôi việc tại một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào tháng 2 vừa qua, Zheng Jin có phần cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi một lĩnh vực đang sa sút.

Tỷ lệ thất nghiệp ở dân số trẻ Trung Quốc tăng kỷ lục

Cẩm Bình | 02/06/2022, 16:58

Khi bị cho thôi việc tại một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào tháng 2 vừa qua, Zheng Jin có phần cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi một lĩnh vực đang sa sút.

Nhưng sau 3 tháng nộp đơn ứng tuyển hơn 400 công việc mà vẫn thất bại thì cô gái 26 tuổi bắt đầu thấy lo lắng.

Zheng từng làm công việc nghiên cứu thị trường tại thành phố Nam Kinh, thế rồi công ty cô cắt giảm 30% nhân viên sau khi chính phủ Trung Quốc áp đặt loạt quy định tài chính quản lý ngành bất động sản chặt chẽ hơn, đẩy lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng.

“Tôi cảm thấy cuộc sống không còn hy vọng nữa. Tôi không biết mình còn chịu đựng được đến bao lâu nữa”, Zheng chia sẻ. Hiện tại cô phải cạnh tranh với hàng triệu người trong độ tuổi 20 cũng vất vả tìm việc trong thời kỳ dịch COVID-19 cùng quy định khắt khe của chính phủ hủy hoại nhiều triển vọng việc làm.

Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm dân số Trung Quốc độ tuổi 16 - 24 tăng lên mức kỷ lục 18,2% – cao gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc và hơn 7,9% so với cùng nhóm dân số ở Mỹ.

tychina00.jpg
Cơ hội việc làm của người trẻ Trung Quốc bị thu hẹp đáng kể - Ảnh: Bloomberg

Tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn cả đỉnh điểm năm 2020, thời điểm COVID-19 bắt đầu bùng phát. Làn sóng dịch gây ra bởi biến thể Omicron cùng cảnh phong tỏa ở một số nơi như Thượng Hải buộc hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương (nếu may mắn trụ lại được). Hàng triệu người bị sa thải khỏi công ty công nghệ, giáo dục, bất động sản như Zheng vẫn đang cố gắng tìm công việc mới. Năm 2022 sẽ có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp khiến thị trường lao động thêm chật chội.

Một trong số họ là Xie Huiyu (25 tuổi) – học thạc sĩ toán học tại Anh, về Thượng Hải tháng 11.2021 thực tập cho một công ty công nghệ. Cô được hứa ký hợp đồng chính thức sau khi tốt nghiệp vào mùa hè, nhưng vào cuối tháng 3 khi Thượng Hải bị phong tỏa thì công ty bất ngờ chấm dứt kỳ thực tập. Họ rút lại lời hứa trước đó với lý do công việc kinh doanh gặp khó khăn vì COVID-19 bùng phát.

Kể từ đó, Xie giam mình trong căn hộ cô thuê, dựa vào hỗ trợ tài chính từ gia đình và thức ăn chủ nhà cho.

Xie chia sẻ: “Tìm việc là quá trình vất vả. Đôi lúc tôi tự hỏi mình học nhiều vậy để làm gì?”

Nhà kinh tế Jacqueline Rong thuộc ngân hàng thương mại BNP Paribas nhận định tỷ lệ thất nghiệp chưa đạt đỉnh và có thể lên đến gần 20% vào mùa hè khi sinh viên tốt nghiệp.

tychina01.jpg
Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm dân số 16 -24 tuổi của Trung Quốc (màu đen) cao hơn cả Mỹ và EU - Ảnh: Bloomberg

Không như năm 2020, suy thoái kinh tế do COVID-19 đến trong lúc thị trường lao động đang căng thẳng. Hàng triệu việc làm bị mất do thị trường bất động sản thu hẹp, ngành công nghệ và dạy thêm bị chỉnh đốn.

Một số doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ bất bình, trong đó có Du Mẫn Hồng – người sáng lập tập đoàn giáo dục tư nhân Tân Đông Phương. Tập đoàn buộc phải chấm dứt tất cả dịch vụ dạy thêm, sa thải 6.000 lao động vào năm ngoái.

Vào thời điểm ngành dạy thêm tái cấu trúc và bắt đầu ổn định trở lại, COVID-19 lại đem đến khó khăn mới. Doanh nhân Du vào tháng 5 than thở trên Wechat rằng thu nhập giảm buộc tập đoàn cắt giảm thêm chi phí cho nhân lực: “Mặc dù tôi luôn tự nhủ hãy kiên nhẫn và thời gian khó khăn sẽ qua đi, nhưng nỗi lo lắng vẫn tăng lên khi tôi nghĩ về những việc cụ thể mà mình phải xử lý. Tôi dùng thuốc ngủ để đưa bản thân vào giấc ngủ”.

Hàng loạt “ông lớn” ngành công nghệ cũng giảm số việc làm. Công ty thương mại điện tử JD.com năm nay cắt giảm 10 - 15% lao động của bộ phận mua hàng. Công ty dịch vụ gọi xe Didi lên kế hoạch giảm tới 20% nhân sự. Công ty ứng dụng công nghệ Tencent đóng cửa nhiều đơn vị kinh doanh liên quan đến thể thao.

Sinh viên tốt nghiệp hứng trọn tác động tiêu cực. Li Wen (21 tuổi) miễn cưỡng chấp nhận công việc tại một công ty thương mại điện tử với mức lương 3.500 nhân dân tệ/tháng – thấp hơn ngưỡng 5.000 nhân dân tệ phải đóng thuế thu nhập cá nhân, một tuần làm 6 ngày.

“Tôi đang tự hỏi có nên thi cao học lần nữa hay không? Tôi không biết mình phải đối mặt với thị trường lao động ra sao trong 3 năm tới”, Li lo ngại.

Giới chức Trung Quốc vực dậy thị trường việc làm chủ yếu bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp thay vì hỗ trợ người không có việc làm. Loạt sáng kiến được triển khai gồm giảm thuế, hoàn tiền bảo hiểm thất nghiệp trước, cho phép người sử dụng lao động hoãn thực hiện nghĩa vụ với các kế hoạch an sinh xã hội, cấp tiền cho doanh nghiệp đào tạo nhân viên.

Nhưng một số địa phương đã ra tay giúp đỡ sinh viên tốt nghiệp. Tỉnh Cát Lâm tuyên bố tăng tuyển dụng trong cơ quan nhà nước lên 10% trong năm nay và cung cấp 20.000 việc làm qua một số chương trình do chính quyền điều hành. Tỉnh Quảng Đông đặt mục tiêu đảm bảo hơn 70% sinh viên tốt nghiệp năm nay có việc làm vào cuối tháng 7, hứa hẹn cung cấp 68.000 việc làm trong các tổ chức phi lợi nhuận nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ thất nghiệp ở dân số trẻ Trung Quốc tăng kỷ lục