Thông tin này được nêu tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác 2023, dự kiến kế hoạch kiểm toán 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

UBTV Quốc hội đề nghị kiểm toán bảo hiểm nhân thọ, báo cáo về chung cư mini

Lam Thanh | 27/09/2023, 16:54

Thông tin này được nêu tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác 2023, dự kiến kế hoạch kiểm toán 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác 2023, dự kiến kế hoạch kiểm toán 2024 của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đề nghị có chuyên đề riêng kiểm toán thị trường bảo hiểm (BH) nhân thọ, báo cáo lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhà ở xã hội, chung cư mini.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu kiểm toán chung của cả năm 2024 cần tập trung đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, BĐS để dự báo được các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô; làm rõ lý do vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính ngân hàng đang khó khăn, nợ xấu tăng, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực BĐS tăng.

Kiểm toán cũng cần tập đánh giá để xử lý dứt điểm các khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; vấn đề in, phát hành, chiết khấu, giá bán sách giáo khoa và nhiều nội dung liên quan trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; chậm giải ngân vốn đầu tư công; các chương trình mục tiêu quốc gia; phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, đào tạo lái xe…

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có một chuyên đề riêng kiểm toán tình hình thị trường BH nhân thọ hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để trả lời rõ các nội dung nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, trước đó, thảo luận tại Quốc hội hồi tháng 6, nhiều đại biểu cũng nêu các bất cập trên thị trường BH, nhất là sản phẩm BH liên kết đầu tư, và đặt câu hỏi có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng.

bao-hiem.jpeg
Đề nghị có một chuyên đề riêng kiểm toán tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng kênh BH bán qua ngân hàng trên thế giới rất phát triển và mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, BH lẫn khách hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam kênh này có nhiều điều tiếng trong thời gian qua, chủ yếu xuất phát từ việc ngân hàng "ép" người vay vốn phải mua BH.

Trước tình trạng trên, ông Thịnh cho rằng vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế mạnh hơn nhiều so với người đi vay nên phát sinh việc ép mua BH mới giải ngân.

Do đó, theo chuyên gia này, cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện.

TS Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM cũng nêu quan điểm rằng “có thể coi BH từng là một khoản phí “bôi trơn” khi người dân muốn vay vốn tại ngân hàng”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, ngân hàng đóng vai trò đại lý cho doanh nghiệp BH. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngân hàng chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, còn doanh nghiệp BH thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính. Điều này dẫn tới không có sự rõ ràng trong quản lý đối với lĩnh vực này.

“Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải có sự phối hợp trong kiểm tra, quản lý hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng. Ngân hàng đang đóng vai trò là đại lý bảo hiểm thì cần sự phối hợp chặt chẽ của cả 2 cơ quan mới làm rõ được vấn đề”, ông Nam nêu và cho rằng cần phải tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai BH nhân thọ và BH sức khỏe, dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng (thay cho mức từ 40 - 50 triệu đồng hiện nay) đối với một trong các hành vi vi phạm: Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi BH và loại trừ trách nhiệm BH, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua BH hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ nó là sản phẩm BH, được cung cấp bởi doanh nghiệp BH, chi nhánh doanh nghiệp BH phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm BH không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối.

Triển khai các sản phẩm BH thuộc nghiệp vụ BH liên kết đầu tư, BH hưu trí, BH sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UBTV Quốc hội đề nghị kiểm toán bảo hiểm nhân thọ, báo cáo về chung cư mini