Báo Guardian ngày 3.10 đưa tin Úc quan ngại “những chiến thuật hung hăng” của Trung Quốc trên Biển Đông, sau khi một tàu chiến hải quân Trung Quốc áp sát một tàu chiến Mỹ tại vùng biển này.

Úc quan ngại ‘chiến thuật hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông

03/10/2018, 13:40

Báo Guardian ngày 3.10 đưa tin Úc quan ngại “những chiến thuật hung hăng” của Trung Quốc trên Biển Đông, sau khi một tàu chiến hải quân Trung Quốc áp sát một tàu chiến Mỹ tại vùng biển này.

Tàu chiến Trung Quốc (trái) áp sát tàu chiến Mỹ - Ảnh: CNN

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne nói với Guardian: chính phủ Úc sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”, và nói thông tin của hải quân Mỹ là “đáng quan ngại”.

Ông nói thêm: “Úc đã thường xuyên lên tiếng bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên không thực hiện những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng tại khu vực này”.

Ngày 30.9, khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép, trong một cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh hai Đá này.

Theo người phát ngôn Nate Chrstensen của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ hôm 1.10, khu trục hạm Decatur hôm 30.9 đã phải đổi hướng để tránh va chạm với tàu khu trục Lan Châu của hải quân Trung Quốc vốn cố ý di chuyển chỉ cách tàu chiến Mỹ vài chục mét.

Ông gọi đó là một cách tiếp cận “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” của hải quân Trung Quốc: “Khu trục hạm Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41m và khu trục hạm Decatur đã đổi hướng để tránh va chạm".

Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ chuỗi đảo Trường Sa là một phần trong chủ quyền toàn vẹn Biển Đông, theo Guardian. Bắc Kinh cũng tuyên bố có quyền xây dựng cơ sở “phòng vệ” tại khu vực chủ chốt để mở rộng tuyến phòng thủ xa khỏi bờ biển Trung Quốc và bảo vệ tuyến cung ứng dầu về Trung Quốc, nhưng Mỹ cáo buộc Trung Quốc xây trái phép “pháo đài nổi” trên các đảo nhân tạo.

Ngày 2.10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã cử một tàu chiến ngăn cản và cảnh báo chiếc Decatur phải rời đi. Bộ này lại khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”.

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng từ khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Ông tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc và duyệt bán vũ khí trị giá 1,3 tỉ USD cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh khó chịu.

Hai bên đã có những vòng áp thuế trả đũa lẫn nhau, gồm Trung Quốc cấm tàu tấn công đổ bộ Wasp của hải quân Mỹ thăm Hồng Kông trong tháng 10. Bắc Kinh cũng hủy các cuộc đối thoại quân sự với Mỹ, do chuyện Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bị Mỹ cấm vận vì mua chiến đấu cơ và tên lửa phòng không của Nga.

Ngày 1.10, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói đã hủy cuộc đối thoại ngoại giao - quân sự Mỹ - Trung ở Bắc Kinh vào cuối tháng 10.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Úc quan ngại ‘chiến thuật hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông