Theo Reuters, lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga.
Quốc tế

Ukraine vật lộn chống đỡ chiến thuật ‘giương đông kích tây’ của Nga

Hoàng Vũ (theo Reuters) 19/05/2024 16:12

Theo Reuters, lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga.

Mỹ cho biết đang chuyển đạn dược và vũ khí tới Ukraine sau khi quốc hội nước này phê duyệt gói viện trợ trị giá 61 tỉ USD vào tháng trước. Tuy nhiên, hai đơn vị pháo binh Ukraine mà phóng viên Reuters tiếp cận ở tiền tuyến phía đông cho biết họ vẫn chờ được tiếp viện và phải hoạt động với tốc độ thấp hơn mức cần thiết để kìm chân quân Nga.

linh-ukraine3.png
Lực lượng Ukraine thuộc Lữ đoàn pháo binh riêng biệt số 148 bắn một quả lựu pháo M777 về phía quân đội Nga gần tiền tuyến ở khu vực Donetsk - Ảnh: Reuters

Các xạ thủ thuộc Lữ đoàn pháo binh riêng biệt số 148 và Lữ đoàn pháo binh số 43, đều ở khu vực Donetsk, cho biết họ rất cần thêm đạn 155mm cho các khẩu pháo phương Tây, điều này đã giúp họ có lợi thế hơn Nga trước đó trong cuộc chiến.

Trong khi đó, lực lượng Nga đang nổi lên, với số lượng đông hơn và mạnh hơn đáng kể so với quân phòng thủ Ukraine, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khắp khu vực phía đông Donbas trong những tháng gần đây và dọc biên giới phía đông bắc của Ukraine vào tuần trước. Diễn biến này đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến.

Theo Pasi Paroinen, nhà phân tích của Black Bird Group, một nhóm tình nguyện có trụ sở tại Phần Lan chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh và nội dung mạng xã hội, Nga đã giành được nhiều lãnh thổ vào năm 2024. Paroinen cho biết, lực lượng Moscow đã tuyên bố kiểm soát 654km2 kể từ đầu năm nay, vượt xa con số 414km2 đã mất vào tay Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 1.6 đến ngày 1.10 năm ngoái. Ông tiết lộ thêm rằng Nga đã giành được 222km2 lãnh thổ chỉ tính từ ngày 2.5.

Nga tăng cường tiến công

Đại tá Pavlo Palisa, người chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 93 đang chiến đấu gần thành phố chiến lược quan trọng Chasiv Yar phía bắc tỉnh Donetsk, cho biết ông tin rằng Nga đang chuẩn bị một nỗ lực lớn nhằm phá vỡ phòng tuyến của Ukraine ở phía đông. Điều này lặp lại lời chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, người tuần trước cho biết ông dự đoán cuộc chiến sẽ bước vào giai đoạn quan trọng trong hai tháng tới khi Moscow cố gắng khai thác sự chậm trễ kéo dài trong việc phương tây cung cấp vũ khí cho Kyiv.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là giai đoạn khó khăn đối với các lực lượng vũ trang chúng tôi”, Palisa nói và tin rằng Moscow muốn kiểm soát toàn bộ khu công nghiệp Donbas vào cuối năm nay.

Lực lượng Nga đang dần tiến hành các cuộc tấn công có thể đe dọa một số thành phố lớn ở phía đông bao gồm Kostiantynivka, Druzhkivka, Kramatorsk và Sloviansk, những trung tâm quân sự quan trọng cho nỗ lực phòng thủ của Kyiv.

Kostiantynivka – thành phố thuộc tỉnh Donetsk giờ đây dễ dàng nằm trong tầm bắn của các khẩu đại bác Nga. Vị trí tấn công gần nhất của Nga vào đầu năm 2024 là khoảng 20km, song theo các bản đồ nguồn mở cho thấy các vị trí đang dịch chuyển dọc theo tiền tuyến và bây giờ là 14 km.

Thống đốc khu vực Vadym Filashkin cho biết phần lớn khu vực Donetsk, cùng với Luhansk tạo nên khu vực Donbas rộng lớn hơn, đang bị bắn phá hàng ngày bởi các cuộc không kích hoặc pháo binh của Nga.

Oleksandr Stasenko, một tình nguyện viên cứu hộ, cho biết nhóm của anh nhận được nhiều yêu cầu sơ tán hơn, đặc biệt là từ thành phố Kostiantynivka và Kurakhove, một thị trấn khác xa hơn về phía nam, cùng các khu định cư khác. Lực lượng Nga cũng được cho là đã tiến về Kurakhove, tiến 2-3 km dọc theo con đường chạy về phía đông trong năm nay.

“Bất cứ nơi nào tiền tuyến đang đến gần, người dân ở những nơi đó đều cố gắng rời đi càng sớm càng tốt”, Stasenko nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng nhóm của ông, East SOS, sơ tán khoảng hai chục người mỗi tuần, nhiều người trong số họ là người già hoặc ốm yếu.

Chiến thuật "giương đông kích tây" của Nga

Ukraine có khoảng 1.000km tiền tuyến để bảo vệ ở phía đông, phía bắc và phía nam. Một số cuộc giao tranh ác liệt nhất vào năm 2024 tập trung vào Chasiv Yar, cao điểm trọng cách Kostiantynivka 12km. Khu định cư này nằm ở phía tây thành phố Bakhmut mà Moscow kiểm soát giữ năm ngoái sau nhiều tháng giao tranh ác liệt với nhiều thiệt hại cho cả hai bên.

Các nhà phân tích cho biết, các bước tiến của Nga gần Chasiv Yar và xa hơn về phía nam xung quanh làng Ocheretyne có thể tạo điệu kiện cho hỏa lực Nga tấn công các con đường tiếp tế quan trọng của Ukraine. Đường cao tốc chính dẫn về phía tây của Kostiantynivka đang bị đe dọa. Việc cắt đứt hoàn toàn khu vực này đồng nghĩa với việc các trung tâm trung chuyển xa hơn về phía bắc, bao gồm Kramatorsk và Sloviansk, sẽ mất một tuyến hậu cần, tiếp viện quan trọng.

Theo Emil Kastehelmi, một nhà phân tích khác của Black Bird Group, cuộc tấn công mới của Nga vào khu vực Đông Bắc Kharkiv, bắt đầu tuần trước, cũng có nguy cơ làm chệch hướng các lực lượng căng thẳng của Ukraine khỏi mặt trận phía đông, làm tổn hại thêm đến khả năng giữ phòng tuyến của họ.

“Hiện tại, có vẻ chiến dịch Kharkiv là giương đông kích tây, mục tiêu là gây phân tâm và buộc lực lượng dự bị còn lại của Ukraine điều tới các khu vực ít quan trọng hơn”, Kastehelmi cho hay.

Franz-Stefan Gady, nhà phân tích quân sự ở Vienna (Áo), cho rằng bằng cách tấn công trên nhiều hướng, Nga đang "khoét sâu vào" tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng của Ukraine. Theo ông, đây chủ yếu là một cách để bào mòn lực lượng Ukraine, buộc Kyiv phải phân tán lực lượng giúp Nga dễ bề tấn công vào các mục tiêu quan trọng ở Donetsk.

Jack Watling, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RUSI có trụ sở tại London, cho biết lực lượng Nga có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào các điểm phía bắc và phía nam của tiền tuyến buộc Kyiv phải dồn quân để tăng cường khả năng phòng thủ.

“Một khi lực lượng Ukraine bị phân tán theo những hướng này, chúng ta sẽ chứng kiến ​​nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Nga ở vùng Donbas (gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk)”, Watling nhận định.

Giới chức Ukraine cũng cho rằng việc Nga tăng cường vụ tấn công nhằm vào Kharkiv dường như là một phần của chiến dịch tâm lý nhằm kéo lực lượng Ukraine ra khỏi các khu vực nóng ở mặt trận miền Đông. Thay vì tiến hành một chiến dịch tấn công thực sự, Nga có thể đang cố gắng kéo căng lực lượng của Ukraine và buộc Kyiv rút quân và nguồn lực từ Donetsk, nơi diễn ra giao tranh khốc liệt thời gian qua. Do đó, các cuộc tấn công mới nhất vào Kharkiv có thể chỉ là vỏ bọc cho nỗ lực tạo đột phá ở tỉnh Donetsk và Lugansk.

Thời gian đang không đứng về phía Ukraine

Một đạo luật mới nhằm tăng cường nỗ lực huy động quân của Ukraine sẽ có hiệu lực vào ngày 18.5. Tuy nhiên, các chuyên gia và chỉ huy cho biết có thể phải mất vài tháng trước khi những tân binh mới đến được mặt trận và tăng viện cho những đội quân đang kiệt sức ở đó. Theo các binh sĩ đang tham chiến, mặc dù lực lượng Ukraine có thể cầm cự cho đến khi tất cả đạn dược và vũ khí của Mỹ được đưa ra mặt trận, thách thức phía trước vẫn rất khó khăn.

Palisa, đại tá thuộc Lữ đoàn cơ giới 93, phát biểu vài giờ sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công trên bộ ở Kharkiv: “Tôi có thể nói rằng khó có khả năng thời gian đứng về phía chúng tôi, vì một cuộc chiến kéo dài đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn. Điều quan trọng là phải buộc Nga phải trả giá đắt càng nhanh càng tốt”.

“Thật là khập khiễng khi so sánh tài nguyên của đối phương, về nhân lực hay trang thiết bị với chúng tôi. Nguồn lực đó cực kỳ lớn. Đó là lý do một cuộc chiến kéo dài và không có lợi cho chúng tôi”, ông Palisa nói.

Bài liên quan
Lầu Năm Góc phát hiện thêm lỗi định giá sai vũ khí gửi cho Ukraine
Hãng Reuters dẫn báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) cho biết Lầu Năm Góc vừa phát hiện thêm một sai sót kế toán trong ước tính viện trợ quân sự dành cho Ukraine. Số tiền định giá quá mức vào khoảng 2 tỉ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngoại giao 'Cây tre Việt Nam' trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trường phái ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine vật lộn chống đỡ chiến thuật ‘giương đông kích tây’ của Nga