Cựu Bộ trưởng Ukraine Ostap Semerak cho biết vụ vỡ đập Kakhovka có thể là thảm họa môi trường tồi tệ nhất nước này kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Chernobyl.

Ukraine: Vụ vỡ đập nước là 'thảm họa môi trường tồi tệ nhất sau Chernobyl'

Đan Thuỳ | 07/06/2023, 09:40

Cựu Bộ trưởng Ukraine Ostap Semerak cho biết vụ vỡ đập Kakhovka có thể là thảm họa môi trường tồi tệ nhất nước này kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Chernobyl.

Các nhà khoa học Ukraine đang đợi nước rút bớt trước khi đánh giá đầy đủ tác động môi trường của vụ vỡ đập Kakhovka. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia sau sự cố sập một phần của một trong những con đập lớn nhất thế giới.

Ukraine cáo buộc Nga cho nổ đập, trong khi giới chức Nga đưa ra những giải thích khác nhau, một số đổ lỗi cho việc Ukraine pháo kích, những người khác cho rằng con đập tự vỡ.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mô tả vụ vỡ đập là một "thảm họa môi trường".

anh-man-hinh-2023-06-07-luc-09.04.45.png
Người dân địa phương đã phải lội qua những con đường ngập nước để đến nơi an toàn - Ảnh: Evgeniy Maloletka/AP

Các nhà phân tích cho rằng quy mô thiệt hại sẽ phụ thuộc vào lượng nước thoát ra. Vụ vỡ đập đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán, khiến các công viên quốc gia bị ngập lụt và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người.

Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể gây ra mối nguy lâu dài cho nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia, đồng thời phát tán độc tố nông nghiệp và hóa dầu ra biển Đen.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết các chuyên gia của họ tại Zaporizhzhia, cách đó 160km về phía thượng nguồn, đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Họ cho biết "không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức tại nhà máy", bởi vì các bể làm mát đã đầy.

Điều này có thể thay đổi trong tương lai, nếu hồ chứa phía sau đập bị cạn kiệt đáng kể, điều này sẽ gây khó khăn cho việc bổ sung hệ thống làm mát và vận hành máy phát điện diesel.

Cựu Bộ trưởng Sinh thái Ukraine Ostap Semerak cho biết đây là mối đe dọa lớn nhất hiện tại do vụ vỡ đập gây ra. Song ông cho rằng những mối nguy khác có thể xuất hiện trong những ngày và tuần tới, khi nước lũ nhấn chìm các thành phố, trạm xăng và trang trại. Dòng nước sẽ bị ô nhiễm bởi hóa chất nông nghiệp và các sản phẩm dầu, rồi sau đó chảy vào biển Đen.

"Điều này sẽ tác động đến các nước Romania, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, cũng như gây hại cho toàn bộ khu vực. Chính phủ đã tuyên bố đây là thảm họa môi trường lớn nhất ở châu Âu trong 10 năm qua và tôi nghĩ đây có thể là thảm họa tồi tệ nhất ở Ukraine kể từ vụ Chernobyl năm 1986", ông Semerak nói thêm.

Theo ông Zelenskiy, phòng tua bin của nhà máy thủy điện đã chìm trong nước và 150 tấn dầu nhờn công nghiệp đã bị cuốn trôi .

Ông Denys Tsutsaiev của Tổ chức Hòa bình Xanh ở Trung và Đông Âu nhận định vụ vỡ đập "một lần nữa gây nguy hiểm cho hàng nghìn sinh mạng của dân thường và thiên nhiên".

"Đây là một thảm họa rất lớn, nhưng còn quá sớm để đánh giá tác động và khó so sánh với những gì đã xảy ra trước đây. Chúng tôi vẫn chưa biết con đập bị hư hại bao nhiêu", ông Tsutsaiev chia sẻ. 

Đập Nova Kakhovka cung cấp nước cho bán đảo Crimea và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Hồ chứa lớn dài 240km và rộng tới 23km.

Bài liên quan
Nga - Ukraine bí mật đàm phán tại Qatar
Trang Bloomberg dẫn nguồn tin tiết lộ Nga và Ukraine tiến hành đàm phán “một cách hạn chế” do Qatar tạo điều kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine: Vụ vỡ đập nước là 'thảm họa môi trường tồi tệ nhất sau Chernobyl'