100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành ban hành nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1.10.2021.

Ủy ban Thường vụ QH nhất trí việc hỗ trợ dân và doanh nghiệp bị dịch COVID-19

Lam Thanh | 16/09/2021, 17:28

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành ban hành nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1.10.2021.

Ngày 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỉ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỉ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỉ đồng).

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ cho rằng việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 là cần thiết.

Dự kiến, các giải pháp này thực hiện trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 118 nghìn tỉ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỉ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 là cần thiết.

tvqh-3.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 3

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 đã mang lại hiệu quả hỗ trợ tích cực và được nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Chính phủ đề xuất tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành thì các loại hình kinh doanh dịch vụ hầu hết đang chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%. Luật cũng không có quy định về việc miễn, giảm thuế.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã đề xuất giảm mức thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế như: vận tải; dịch vụ lưu trú; ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí…

Về mức giảm, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1.9.2021 đến hết ngày 31.12.2021.

Không áp dụng cho hoạt động cung cấp hàng hóa trực tuyến

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi… để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.

Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực như hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác… ra khỏi phạm vi áp dụng của chính sách giảm thuế GTGT.

tvqh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại cuộc họp

Lý do là việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến của những lĩnh vực này vẫn có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh.

Ngoài ra, theo sự thẩm tra của ủy ban, chính sách hỗ trợ thông qua giảm thuế GTGT có thể dẫn đến không đạt mục tiêu chính sách khi người thụ hưởng thật sự không phải là người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa/dịch vụ. Rõ nhất là trong các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu do các đối tượng nộp thuế này chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quản lý thuế để bảo đảm mục tiêu chính sách. Theo đó, đề nghị bổ sung nội dung sau: “Chính phủ chịu trách nhiệm trong công tác quản lý thuế để bảo đảm người tiêu dùng (người mua hàng hóa/dịch vụ) được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT quy định tại khoản này”.

Tránh tình trạng không bị tác động vẫn được thụ hưởng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Vì nguồn lực có hạn, do đó phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục rà soát chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như hàng không, vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, các công ty lữ hành, khách sạn, dịch vụ đang gặp rất khó khăn về dòng tiền.

tvqh-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành nghị quyết để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn cho tác động nặng nề bởi dịch.

Đối với việc miễn thuế phải nộp của quý 3 và 4/2021, ông Hải yêu cầu phải chú ý tới các hộ, cá nhân kinh doanh, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ; phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp theo lĩnh vực, chính xác, phù hợp.

Về giảm thuế GTGT từ ngày 1.10 đến 31.12.2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, ông Hải đề nghị Chính phủ rà soát để loại trừ không giảm thuế GTGT cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến; đảm bảo đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành ban hành nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1.10.2021.

Bài liên quan
Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường quyết định công tác nhân sự
Quốc hội sẽ họp bất thường vào sáng 21.3 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Thường vụ QH nhất trí việc hỗ trợ dân và doanh nghiệp bị dịch COVID-19