Theo dữ liệu ghi nhận được của vệ tinh Modis thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), một lượng dung nham khổng lồ đang xâm nhập lên bề mặt của núi lửa Agung ở đảo Bali (Indonesia).
Vệ tinh Modis chịu trách nhiệm liên tục quét bề mặt Trái Đất để theo dõi quá trình hình thành mây, thay đổi của các chu trình carbon và các nguồn nhiệt.
Dữ liệu từ Modis được tổ chức theo dõi hoạt động núi lửa MIROVA phân tích cho thấy có được một vệt nhiệt “nóng dị thường”, tương đương với khoảng 70.000 megawatt điện, trên miệng núi lửa Agung, trang MAGMA Indonesia cho hay.
Theo MAGMA Indonesia: “Dữ liệu này chỉ ra rằng đang có một lượng dung nham khổng lồ trên bề mặt của núi lửa (Agung)”.
MIROVA hiện vẫn chưa ghi nhận thêm hiện tượng bất thường nào từ núi lửa, nhưng tổ chức này cảnh báo những dấu hiệu nhiệt có thể bị che giấu bởi những đám mây. Trước đó, giới chức Indonesia cũng cho rằng khả năng xảy ra một vụ phun trào lớn là rất cao.
Trang tin Reuters cho biết Trung tâm giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) cũng đang dùng máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh và nhiều thiết bị khác để theo dõi núi lửa Agung. Tuy nhiên, do hoạt động của Agung không được ghi lại một cách có hệ thống kể từ khi núi lửa này phun trào 54 năm về trước, nên công tác dự báo rất khó khăn.
PVMBG cảnh báo nếu phun trào, Agung trong vòng 3 phút có thể phóng những khối đá to hơn nắm tay người ra xa đến 8km, khí núi lửa có thể bay xe đến 10km.
Trong những ngày qua, người dân và du khách trên đảo Bali đã rất hoảng sợ khi núi lửa Agung liên tục phun những cột khói bụi cao hàng ngàn mét. Báo động núi lửa đã được nâng lên mức 4, mức cao nhất, và cảnh báo đỏ về hoạt động hàng không đã khiến sân bay quốc tế ở Bali tê liệt.
Sau lệnh đóng cửa hôm qua, giới chức Jakarta sáng ngày 28.11 thông báo tiếp tục đóng cửa sân bay ở Bali cho đến 7 giờ sáng ngày 29.11, trong khi sân bay Lombok lân cận đã hoạt động trở lại sau khi ngừng hoạt động hôm 27.11, trang Reuters cho biết. Khoảng 60.000 hành khách đang bị kẹt lại.
Khoảng 10 sân bay thay thế đã được chuẩn bị để đón những chuyến bay đổi hướng, không bay đi Bali nữa, theo Reuters.
Chính quyền Indonesia đã ra lệnh sơ tán khoảng 100.000 dân sống gần núi lửa. Đã có ít nhất 40.000 người sơ tán thành công, nhưng còn khoảng 50.000- 60.000 người kẹt lại, trang Express cho hay.
Cẩm Bình (theo Express, Reuters)