Theo VEPR, trong các phương án có thể thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

VEPR: Nên cắt giảm 2% kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp

Lam Thanh | 22/10/2020, 06:37

Theo VEPR, trong các phương án có thể thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Số DN được hỗ trợ không đáng kể

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3 và 9 tháng năm 2020 vừa công bố ngày 21.10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, tính từ đầu năm tới hết tháng 9.2020, Ngân hàng nhà nước đã ba lần hạ các công cụ lãi suất điều hành, nhiều gói hỗ trợ được triển khai.

cong-doan.jpg
Toàn cảnh cuộc tọa đàm

Tuy nhiên, theo VEPR, số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách không đáng kể do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3.2020. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập trong việc thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn.

“Với các thủ tục nói trên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất”, VEPR nhận định.

Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng 9, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250 nghìn tỉ. Nguyên nhân của tình trạng này là có sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp cũng kém hiệu quả do thủ tục phức tạp và các điều kiện ngặt nghèo.

Bên cạnh đó, điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động cũng không hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp, khi mà để được vay ngân hàng chính sách với lãi suất 0%, doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; doanh nghiệp phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2020 đến hết ngày 30.6.2020.

“Việc thiết kế chính sách như vậy không giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, và không khuyến khích doanh nghiệp duy trì việc làm”, VEPR nhận định.

Chính sách hỗ trợ người lao động chưa hiệu quả

Theo VEPR, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động cũng chưa cho thấy hiệu quả trong thực tế. Tính đến giữa tháng 8.2020, chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỉ đồng (chiếm 19%).

Nhóm được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.

Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân; Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

tang-truong.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách.

“Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ”, báo cáo nêu.

Ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn

Cũng theo viện nghiên cứu này, việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai; rà soát để cắt giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp.

Trong các phương án có thể thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành; các chính sách cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, VEPR nêu.

Từ đó, viện này còn cho rằng việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo báo cáo, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận. Việc thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả.

Gói hỗ trợ lần 2 chưa cần thiết

“Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả, nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội”, báo cáo nhận định.

Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới.

Do vậy, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.

Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra. Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID– 19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.

Bài liên quan
Doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn, chuyên gia nói gì?
Liên quan đến việc doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ lương, các chuyên gia kinh tế có quan điểm trái chiều nhau về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR: Nên cắt giảm 2% kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp