Ngày càng có nhiều công ty lớn đa quốc gia quyết định đóng cửa hoạt động của họ ở Nga ngay cả khi không bị bắt buộc.
Các công ty trong nhiều ngành đang rút khỏi Nga, từ Apple (nhà sản xuất iPhone, iPad, MacBook và nhiều thiết bị công nghệ), Nike (thời trang thể thao), Dell (sản xuất máy tính), Ikea (bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới), ExxonMobil (dầu khí) đến General Motors (sản xuất ô tô).
Các công ty bày tỏ lo ngại về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, điều này gây ra sự phẫn nộ lan rộng trên khắp Mỹ và nhiều nước châu Âu. Việc họ có rời Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt của chính phủ hay không không phải lúc nào cũng rõ ràng. Điều chắc chắn là có nhiều lý do các doanh nghiệp tránh xa Nga.
Đầu tiên và quan trọng nhất là sự không chắc chắn. Đầu tư tiền và bán hàng hóa mà các công ty sẽ được trả bằng đồng rúp Nga bị mất giá nghiêm trọng, là quyết định kinh doanh tồi ở thị trường phương Tây?
Các biện pháp trừng phạt với lĩnh vực ngân hàng của Nga có thể khiến việc bồi thường cho một số vụ mua bán đó trở nên khó khăn. Nga đang tạm thời dừng việc rút các khoản đầu tư nước ngoài khỏi nước này, điều đó có thể đồng nghĩa các công ty không thể thu được lợi nhuận mà họ kiếm được ở Nga.
Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn quốc tế, nhận xét: “Các doanh nghiệp đang tự hỏi: Tôi có muốn tiếp tục với điều gì đó mà không biết liệu hợp đồng ký hôm nay có thể được thực hiện vài tuần hay vài tháng trong tương lai hay không. Tình trạng khó khăn chung trong hệ thống tài chính Nga khiến nó trở nên quá bấp bênh. Các doanh nghiệp ghét sự không chắc chắn".
Tuy nhiên, Josh Lipsky cho biết số lượng lớn các doanh nghiệp rút khỏi Nga là điều không bình thường, ngay cả với một cuộc khủng hoảng như thế này.
"Nói chung, nếu có cơ hội kiếm tiền, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào một thị trường. Song có một sự đồng thuận rằng việc bán những sản phẩm này là không thích hợp", ông nói.
Ngay cả Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng các hoạt động kinh doanh của các công ty trên toàn cầu đang tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế cho nền kinh tế Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết trong cuộc gọi với các nhà báo nước ngoài: “Nền kinh tế Nga đang hứng chịu những đòn giáng nghiêm trọng”.
Hôm 1.3, Thủ tướng Nga - Mikhail Mishustin cho biết chính phủ đang xem xét các bước có thể thực hiện để ngăn các doanh nghiệp phương Tây rút vốn khỏi nước này.
Một yếu tố giúp các doanh nghiệp dễ dàng rút các hoạt động khỏi Nga vì nó không phải là cường quốc kinh tế toàn cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội của Nga nhỏ hơn khoảng 25% so với Ý và nhỏ hơn 20% so với Canada, quốc gia có dân số chỉ bằng một phần nhỏ của Nga.
Về cơ bản, Nga là nhà cung cấp năng lượng và các mặt hàng khác - lúa mì, gỗ và nhiều loại kim loại, chẳng hạn nhôm, nhưng hầu hết đều có sẵn ở những nơi khác.
"Có những lựa chọn thay thế. Các công ty có thể tìm thấy những thị trường và đối tác thương mại khác đáp ứng tất cả các yêu cầu ủy thác đó cho các cổ đông của họ. Họ đã đưa ra quyết định rằng Nga không đáng để mạo hiểm", Josh Lipsky nhận định.
Các biện pháp trừng phạt của nhiều nước phương Tây đến nay miễn trừ cho lĩnh vực dầu mỏ của Nga, với hy vọng ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và tăng giá đột biến trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, phần lớn dầu Nga đang được rao bán vẫn không bán được, dù giá đã giảm mạnh.
Việc tìm kiếm các tàu chở dầu cập các cảng Nga cũng như các công ty sẵn sàng bảo hiểm cho các tàu và chuyến hàng rất khó khăn.
Apple, Nike, Dell ngừng bán hàng tại Nga
Hiện Apple đã ngưng bán tất cả các sản phẩm ở Nga. "Hồi tuần trước, chúng tôi đã cho dừng việc xuất hàng hóa tới mọi kênh bán hàng của chúng tôi tại Nga", Apple nêu rõ.
Apple cũng cho biết đã gỡ bỏ 2 ứng dụng truyền thông nhà nước Nga là RT News và Sputnik News khỏi kho ứng dụng App Store.
"Chúng tôi đã thực hiện một số hành động trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Chúng tôi đã tạm ngừng bán tất cả sản phẩm ở Nga. Apple Pay và các dịch vụ khác cũng bị hạn chế. RT News và Sputnik News không còn có thể truy cập ở phạm vi ngoài nước Nga", theo phát ngôn viên của Apple.
Ngoài ra, Apple cũng vô hiệu hóa tính năng cập nhật tình trạng giao thông trên Apple Maps tại Ukraine như biện pháp bảo vệ an toàn cho công dân Ukraine trong bối cảnh xung đột giữa hai nước đang xảy ra.
Apple cũng cho biết đang tiến hành hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo, cung cấp viện trợ cho cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Ukraine. Apple khẳng định sẽ tham gia cùng tất cả những người đang kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới.
Tuần trước, Dell thông báo đã ngừng các hoạt động bán hàng tại Nga và Ukranie.
Nike cũng thông báo dừng bán sản phẩm tại Nga. Ford cũng dừng hoạt động với liên doanh tại Nga từ ngày 1.3.
Cũng trong ngày 1.3, Boeing thông báo ngừng hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga, ngừng những hoạt động tại nước này và tạm thời đóng cửa văn phòng ở Ukraine.