Chi nhánh Moscow của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã nhận thấy lượng yêu cầu tăng vọt từ các công ty Nga muốn mở tài khoản mới.

Hàng trăm công ty Nga mở tài khoản ngân hàng Trung Quốc khi bị phương Tây trừng phạt

Sơn Vân | 03/03/2022, 19:26

Chi nhánh Moscow của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã nhận thấy lượng yêu cầu tăng vọt từ các công ty Nga muốn mở tài khoản mới.

Động thái này diễn ra sau khi các doanh nghiệp Nga phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc tấn công Ukraine.

"Trong vài ngày qua, 200-300 công ty đã tiếp cận chúng tôi, muốn mở tài khoản mới", người làm việc tại chi nhánh Moscow (Nga) của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc và có kiến ​​thức trực tiếp về hoạt động của ngân hàng này, nói với Reuters.

Anh ta từ chối nêu tên vì không được ngân hàng cho phép nói chuyện với giới truyền thông.

Chưa rõ nhu cầu của người Nga về mở tài khoản mới tại các ngân hàng Trung Quốc phổ biến như thế nào. Thế nhưng, nguồn tin của chủ ngân hàng nói với Reuters rằng nhiều công ty đang tìm kiếm tài khoản mới làm ăn với Trung Quốc và ông kỳ vọng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của các công ty như vậy sẽ tăng lên.

Các chính phủ phương Tây đang đẩy nền kinh tế Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, thúc giục các công ty quốc tế ngừng bán hàng, cắt đứt quan hệ và bán phá giá các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỉ USD.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt Nga, cho rằng chúng không hiệu quả và khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và giao thương bình thường với Nga.

Một số ngân hàng nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Moscow có Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc từ chối bình luận. Ba ngân hàng nhà nước khác của Trung Quốc không trả lời câu hỏi từ Reuters.

cac-cong-ty-nga-dua-nhau-mo-tai-khoan-ngan-hang-trung-quoc.jpg
Tiền xu và tiền giấy nhân dân tệ của Trung Quốc trong ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Doanh nhân Trung Quốc có quan hệ lâu dài với Nga (giấu danh tính) cho biết một số công ty Nga mà ông làm việc đang có kế hoạch mở tài khoản bằng đồng nhân dân tệ.

"Đó là điều hợp lý đơn giản. Nếu bạn không thể sử dụng đô la Mỹ hoặc euro, đồng thời Mỹ và châu Âu ngừng bán nhiều sản phẩm cho bạn, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang Trung Quốc. Xu hướng này là không thể tránh khỏi", nguồn tin nói với Reuters.

Khi ngày càng nhiều công ty phương Tây từ bỏ Nga, sự sẵn sàng của Trung Quốc để duy trì quan hệ kinh doanh với Nga làm nổi bật rạn nứt sâu sắc trong cuộc khủng hoảng lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2. Xu hướng đó có thể đe dọa làm mất đi sự thống trị của đô la Mỹ trong giao thương toàn cầu.

Tập đoàn vận tải FESCO (công ty vận tải và hậu cần lớn của Nga) tuần này cho biết sẽ chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từ khách hàng, sau khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).

Shen Muhui, người đứng đầu cơ quan thương mại thúc đẩy liên kết giữa Nga và Trung Quốc, cho biết: “Việc các công ty Nga sẵn sàng chấp nhận đồng nhân dân tệ là điều tự nhiên”. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc đang phải hứng chịu sự sụt giá đồng rúp và nhiều nhà sản xuất đang tạm ngừng giao hàng để tránh những khoản lỗ có thể xảy ra, ông Shen Muhui nói.

Đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với nhân dân tệ hôm 3.3 (1 nhân dân tệ = 17,88 rúp), mất gần 40% giá trị so với đồng tiền Trung Quốc trong tuần qua.

Konstantin Popov, doanh nhân Nga ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Các công ty sẽ chuyển sang kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ nhưng trong mọi trường hợp, mọi thứ sẽ trở nên đắt hơn gấp 2, 3 hoặc 4 lần với người Nga vì tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng rúp cũng đang thay đổi”.

Ông Shen Muhui nói nhu cầu của Nga với hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

Nhiều sàn giao dịch bitcoin không chặn người Nga, làm suy yếu nỗ lực trừng phạt từ phương Tây

Một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới vẫn cho người Nga hoạt động, quyết định mà các chuyên gia cho rằng làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm mục đích bóp nghẹt Nga và cắt đứt nền kinh tế này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, đã buộc các công ty và tổ chức tài chính phải ngừng kinh doanh tại nước này.

Thế nhưng, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, gồm cả Binance, Kraken và Coinbase có trụ sở tại Mỹ, không thực hiện lệnh cấm hàng loạt với khách hàng Nga, bất chấp lời kêu gọi từ chính phủ Ukraine. Họ cho biết sẽ sàng lọc người dùng và chặn bất kỳ ai bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt.

Động thái này thể hiện hố sâu ý thức hệ giữa lĩnh vực tài chính truyền thống và thế giới tiền điện tử, mà nguồn gốc của chúng nằm ở lý tưởng tự do và sự thiếu tin tưởng vào các chính phủ.

Các sàn giao dịch tiền điện tử lập luận rằng việc cắt đứt toàn bộ một quốc gia sẽ đi ngược lại với đặc tính của bitcoin là cung cấp quyền truy cập vào các khoản thanh toán mà không có sự giám sát của chính phủ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chống rửa tiền cảnh báo các sàn giao dịch có thể đang giữ một con đường mở cho người Nga chuyển tiền ra nước ngoài, qua đó làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm gây áp lực buộc Nga dừng tấn công Ukraine.

Theo các chuyên gia chống rửa tiền và tiền điện tử, những người bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt có thể cố gắng chuyển tiền thông qua đồng tiền ẩn danh - loại tiền điện tử che giấu danh tính của người dùng hơn cả bitcoin. Những người ủng hộ điều này nói rằng họ cung cấp cho người dùng sự bảo vệ tốt hơn khỏi sự giám sát xâm nhập của các chính phủ.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp Nga đã đổ xô chuyển đổi đồng rúp sang ngoại tệ, khi rúp đạt mức thấp kỷ lục so với USD hôm 2.3. Cụ thể là 1 USD = 112,43 rúp.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhiều người Nga đang bí mật mua tiền điện tử. Khối lượng giao dịch giữa đồng rúp và tiền điện tử đạt 15,3 tỉ rúp (140,7 triệu USD) vào ngày 28.2, tăng gấp 3 lần so với một tuần trước đó, theo trang CryptoCompare.

Hôm 2.3, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết mức tăng đột biến khiến các nhà quản lý lo lắng, với việc Ủy ban châu Âu đang xem xét liệu tiền điện tử có được sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt không.

Lập trường của các sàn giao dịch tiền điện tử đi ngược lại quan điểm của một số công ty thanh toán truyền thống và các công ty công nghệ tài chính (fintech) đã phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế dịch vụ ở Nga.

Ví dụ công ty thanh toán Wise và công ty xử lý chuyển tiền Remitly đã tạm ngừng dịch vụ chuyển tiền ở Nga, trong khi Apple hạn chế sử dụng Apple Pay.

Visa và Mastercard cũng đã chặn nhiều công ty tài chính Nga khỏi mạng lưới của họ.

Phó thủ tướng Ukraine - Mykhailo Fedorov hôm 28.2 đã đề nghị các sàn giao dịch tiền điện tử chặn địa chỉ ví kỹ thuật số của người dùng Nga, một động thái có thể loại bỏ hiệu quả khả năng giao dịch tiền điện tử của họ.

Thế nhưng, Giám đốc điều hành sàn Kraken - Jesse Powell nói ông sẽ không chấp nhận việc này, gọi bitcoin là "hiện thân của các giá trị tự do". Kraken nói sẽ tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định của tất cả khu vực pháp lý mà nó hoạt động.

Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cũng từ chối cấm tất cả người dùng Nga nhưng cho biết đang chặn tài khoản của bất kỳ khách hàng nào bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt. "Tiền điện tử nhằm cung cấp tự do tài chính lớn hơn cho mọi người trên toàn cầu", Binance cho biết.

Binance chiếm hơn 40% tất cả các giao dịch tiền điện tử bằng đồng rúp, theo trang CryptoCompare. Người phát ngôn Binance từ chối bình luận về con số này hoặc cung cấp chi tiết về bất kỳ người dùng bị trừng phạt nào mà nó đã chặn.

Coinbase cũng cho biết sẽ không áp đặt lệnh cấm hoàn toàn với các giao dịch liên quan đến người Nga, nhưng sẽ chặn tài khoản của những người bị nhắm mục tiêu bởi lệnh trừng phạt.

Joby Carpenter, chuyên gia về tiền điện tử và tài chính bất hợp pháp tại Hiệp hội các chuyên gia về chống rửa tiền được chứng nhận, cảnh báo việc tiếp tục hoạt động ở Nga có thể gây ra rủi ro cho chính các sàn giao dịch.

Các sàn giao dịch và cuối cùng là các ngân hàng nơi tiền điện tử hoạt động ngoài luồng sẽ cần phải cảnh giác với những nỗ lực này để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt hoặc luật chống khủng bố”, Joby Carpenter nói.

Bài liên quan
Nhóm kháng chiến trên mạng Ukraine nhắm đến lưới điện và đường sắt Nga, được hacker Belarus hỗ trợ
Một nhóm chiến tranh du kích mạng Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công phá hoại kỹ thuật số nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga như đường sắt và lưới điện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng trăm công ty Nga mở tài khoản ngân hàng Trung Quốc khi bị phương Tây trừng phạt