Đóng khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD chưa thể giúp Tập đoàn Alibaba thoát khỏi tầm ngắm của giới chức Trung Quốc, vì đế chế truyền thông mà họ nắm giữ vẫn là mối lo ngại lớn.

Vì sao đế chế Alibaba của Jack Ma là ‘cái gai trong mắt’ giới chức Bắc Kinh?

Cẩm Bình | 23/04/2021, 10:29

Đóng khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD chưa thể giúp Tập đoàn Alibaba thoát khỏi tầm ngắm của giới chức Trung Quốc, vì đế chế truyền thông mà họ nắm giữ vẫn là mối lo ngại lớn.

Alibaba vốn nổi tiếng với nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmail, nhưng tập đoàn này lâu nay cũng đã xây dựng nên đế chế truyền thông khổng lồ gồm báo giấy, truyền hình kỹ thuật số, nền tảng mạng xã hội, trang phát video, công ty sản xuất phim cùng công ty quảng cáo.

Mạng lưới trên là công cụ hiệu quả giúp hướng người dùng đến những lĩnh vực khác mà Alibaba có hoạt động kinh doanh. Sức ảnh hưởng ngày một lớn trong sáng tạo và đăng tải nội dung - quá trình phải chịu sự giám sát chặt chẽ tại Trung Quốc - của chúng khiến giới chức nước này không khỏi lo lắng.

Khi công khai ý định nghỉ hưu vào năm 2018, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma - từng làm giáo viên tiếng Anh - tuyên bố tập trung vào giáo dục và tự nhận mình là “giám đốc giáo dục” (chief education officer) thay vì “giám đốc điều hành” (chief executive officer). Trong bối cảnh giới chức Trung Quốc muốn hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn, hàng loạt ý tưởng táo bạo của vị tỷ phú 56 tuổi trở bị coi là quá phá cách.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f2-2f1-2f3-2f7-2f33717312-1-eng-gb-2fscmp.jpg
Mạng lưới truyền thông quá mạnh của Alibaba cùng danh tiếng quá lớn của Jack Ma khiến giới chức Trung Quốc không hài lòng - Ảnh: Nikkei Asian Review

Nỗ lực đưa Alibaba vào tầm kiểm soát bắt đầu bằng động thái ngăn công ty công nghệ tài chính Ant Group phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) cuối năm ngoái. Sau đó giới chức Trung Quốc còn yêu cầu Alibaba giảm cổ phần nắm giữ tại những đơn vị truyền thông, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin tiết lộ.

Alibaba sở hữu tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) phát hành ở Hồng Kông, trang phát video Youku; giữ 30% cổ phần của mạng xã hội Weibo. Ngoài ra tập đoàn còn đầu tư nền tảng Bilibili tương tự Youtube, công ty truyền thông Nhất Tài, trang tin công nghệ 36Kr , trang tin Huxiu.com, công ty quảng cáo hàng đầu Trung Quốc Focus Media.

Giáo sư Chu Ninh thuộc Học viện Tài chính cao cấp Thượng Hải (SAIF) nhận xét: “Công bằng mà nói thì quyền kiểm soát truyền thông, thông tin, dữ liệu cá nhân tại Trung Quốc của Alibaba vượt xa nhiều “ông lớn” công nghệ ở quốc gia khác”.

Sức ảnh hưởng quá mức cho phép thể hiện qua 2 vụ việc. Tháng 12.2020, trang Huxiu.com đăng bài bình luận phản đối quy định chống độc quyền của chính quyền, cảnh báo rằng siết chặt quản lý sẽ khiến công ty công nghệ phát triển yếu đi và làm Trung Quốc mất tính cạnh tranh.

Bài viết được đăng sau khi cơ quan quản lý thị trường mở cuộc điều tra dẫn đến mức phạt 2,8 tỉ USD đưa ra mới đây. Huxiu.com sau đó phải xóa bài, ngưng hoạt động suốt một tháng lấy lý do “bảo trì mạng”.

Vụ việc thứ hai là Weibo bị phát hiện xóa bài đăng, đóng bình luận, gỡ bỏ chủ đề tìm kiếm hòng dập tắt tin đồn liên quan đến một nhân sự Alibaba cấp cao. Tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ trích làm vậy thật thô thiển và hiểu vấn đề quá đơn giản.

Nhân dân nhật báo cũng lưu ý: “Thật đáng kinh ngạc khi Alibaba có sức mạnh hình thành dư luận thật lớn”.

Theo giáo sư Chu: “Vụ việc trên Weibo cho thấy đơn vị tư nhân như Alibaba lại có thể lọc, kiểm soát thông tin hiệu quả như thế nào”. Động thái khóa vô thời hạn trang cá nhân của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mà Twitter, Facebook thực hiện là hồi chuông cảnh tỉnh nữa với giới chức Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng của nền tảng công nghệ không ngừng lớn mạnh khi mọi người ngày càng phụ thuộc vào chúng. Điều đó buộc giới chức Trung Quốc phải thay đổi thái độ.

Năm 2014, giới chức Trung Quốc công khai khuyến khích các công ty công nghệ và phương tiện truyền thông truyền thống kết hợp sâu hơn, đầu tư lẫn nhau. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng ủng hộ.

Vậy mà giờ đây, cơ quan chức năng lo ngại sức ảnh hưởng truyền thông lớn sẽ giúp Alibaba cũng cố vị thế thống trị ở những lĩnh vực khác ngoài thương mại điện tử và dịch vụ tài chính trực tuyến.

Mạng lưới truyền thông rất có ý nghĩa đối với Alibaba. So với đối thủ như Tencent sở hữu ứng dụng nhắn tin triệu người dùng Wechat hay ByteDance nắm trong tay ứng dụng TikTok (tại Trung Quốc lấy tên Douyin) rất được ưa chuộng, Alibaba thiếu nền tảng tự phát triển để thu hút và giữ chân người dùng.

“Một hệ sinh thái thiếu nền tảng truyền thông sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Nhìn vào các đối thủ, Alibaba nhận ra có nguồn lực truyền thông rất có lợi”, theo nhà phân tích Martin Bao thuộc ICBC International.

Cụ thể, Wechat góp phần thúc đẩy nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo phát triển mạnh mẽ - thu hút khách hàng mới thông qua tính năng giới thiệu bạn bè. Tencent là cổ đông lớn thứ hai của Pinduoduo. Tương tự TikTok (hay đối thủ Kuaishou) nhờ sở hữu lượng người dùng đông đảo mà cũng nhanh chóng phát triển hoạt động bán hàng bằng phát trực tiếp (live-stream).

Mạng lưới truyền thông còn giúp tăng doanh thu quảng cáo. Đây là nguồn thu ổn định, chi phí thấp.

Alibaba không tiết lộ doanh thu quảng cáo, nhưng giám đốc tài chính Vũ Vệ năm 2017 từng tiết lộ 60% doanh thu của tập đoàn đến từ nền tảng quảng cáo. Khách hàng mua không gian quảng cáo trên trang web Alibaba hay trên nền tảng truyền thông của đối tác Alibaba.

Công ty eMarketer ước tính Alibaba chiếm hơn 30% thị phần quảng cáo tại Trung Quốc năm 2020. Họ làm việc với hơn 4.000 đối tác truyền thông, 100.000 ứng dụng di động, tiếp cận 98% dân số.

Nhà phân tích Leo Sun thuộc đơn vị tư vấn đầu tư tài chính The Motley Fool nhận xét Alibaba sở dĩ đầu tư vào truyền thông là vì muốn mở rộng hệ sinh thái truyền thông họ nắm giữ bằng mọi giá, ngăn công ty khác như Tencent hay Bidu xác lập thế thống trị.

Tuy nhiên, Tencent hay Baidu ít có khả năng bị giới chức Trung Quốc nhắm đến do khoản đầu tư truyền thông họ thực hiện vẫn bám sát hoạt động kinh doanh chính, còn Alibaba lại bao phủ quá rộng. Vài công ty công nghệ khác chấp nhận tuân theo quy định cơ quan quản lý đặt ra thay vì phản đối như Alibaba.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao đế chế Alibaba của Jack Ma là ‘cái gai trong mắt’ giới chức Bắc Kinh?