Nền kinh tế thế giới có vẻ sẽ có một khoảng thời gian khó khăn trước mắt, khi bản báo cáo ngày 19.7 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2016 và 2017, trong đó một phần lớn là do tác động từ sự kiện nước Anh rời khỏi EU (Brexit).

Vì sao Trung Quốc ngày càng khép cửa về kinh tế?

Nhàn Đàm | 21/07/2016, 14:24

Nền kinh tế thế giới có vẻ sẽ có một khoảng thời gian khó khăn trước mắt, khi bản báo cáo ngày 19.7 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2016 và 2017, trong đó một phần lớn là do tác động từ sự kiện nước Anh rời khỏi EU (Brexit).

Cụ thể theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017, đều giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Điều đáng chú ý nhất trong bản báo của IMF là rất ít đề cập đến vai trò của kinh tế Trung Quốc trong nỗ lực hồi phục kinh tế thế giới. Chỉ một ngày sau, tham tán thương mại Mỹ Chris Wilson phát biểu tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cảnh báo nguy cơ Trung Quốc đang ngày càng khép cửa nền kinh tế và ít cởi mở hơn. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang ở giai đoạn chậm nhất kể từ năm 1990, vì sao Trung Quốc lại ngày càng khép cửa về kinh tế?

Khó có thể nói Trung Quốc đang ngày càng trở nên cô lập về mặt kinh tế, khi mà trong vòng 4-5 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu của nước này đã tăng vọt, có thời điểm tăng tới 14% so với cùng kỳ chẳng hạn như vào tháng 3. Các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc khuynh đảo thị trường từ châu Âu đến Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thép Trung Quốc đã đẩy không ít ngành sản xuất thép tại Mỹ và các quốc gia châu Âubị đe dọa nghiêm trọng, buộc Mỹ và liên minh châu Âu (EU) phải cùng lúc đưa ra những biện pháp phòng vệ thương mại và tăng mức áp thuế với thép nhập khẩu Trung Quốc để ổn định tình hình.

Nhưng, có một thực tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn, đó là Trung Quốc đang ngày càng khép cánh cửa kinh tế của mình với bên ngoài. Một mặt, nước này tìm mọi cách gia tăng kim ngạch xuất khẩu bằng mọi giá; mặt khác, Trung Quốc đang khép cánh cửa lại ngày càng chặt hơn với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nước này. Nhập khẩu hàng hóa của thị trường Trung Quốc đã giảm hẳn kể từ đầu năm 2016. Trung bình trong 4 tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm khoảng 8-9%. Điềuđã gây ra một tác động lớn đối với hàng loạt các ngành sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới do giảm sút nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc. Tổng cầu của thị trường Trung Quốc giảm sút mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra sự trì trệ về kinh tế tại các quốc gia có quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ với quốc gia này, mà hầu hết đều là các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Nhật, Đức hay Hàn Quốc.

Việc Trung Quốc ngày càng khép cánh cửa nền kinh tế của mình với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài là một nghịch lý trong bối cảnh hiện tại. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và nhà đầu tư ra đi ngày càng nhiều, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và quá trình đô thị hóa đã gần như ngừng lại hoàn toàn. Lẽ ra trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần phải mở rộng cánh cửa nền kinh tế hơn để thu hút đầu tư, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Báo cáo của tham tán thương mại Mỹ tại WTO Chris Wilson cho biết, các công ty Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn để ngăn cản các công ty này đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Ngay cả các tập đoàn lớn như Qualcomm hay Apple cũng đang chịu nhiều sức ép hơn do những cáo buộc và trừng phạt về các vấn đề như độc quyền hay vi phạm quyền sở hữu.

Để giải quyết tình hình nền kinh tế trì trệ hiện tại, có thể thấy những gì chính phủ Trung Quốc đang làm gần giống với những gì nước này đã làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009: Tăng cường các gói kích thích kinh tế, sử dụng đòn bẩy tăng tiêu dùng nội địa, nới lỏng tín dụng với các doanh nghiệp nhà nước cũng như các công ty tư nhân, tăng cường các dự án đầu tư công...

Đúng là có một số điểm tương đồng giữa tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 với Trung Quốc, đó là: nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trên thế giới suy giảm do bất ổn kinh tế, dẫn tới tăng trưởng kinh tế suy giảm do sụt giảm về xuất khẩu, các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng suy yếu do biến động trên thị trường tài chính. Nhờ vào các biện pháp kích cầu nền kinh tế, Trung Quốc đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 một cách khá ngoạn mục vớisức cầu lớn của thị trường nội địa khổng lồ lên tới 1,3 tỉdân của nước này. Và giờ đây, có lẽ chính phủ Trung Quốc đang hướng tới các giải pháp tương tự để vực dậy tăng trưởng khi mà kinh tế thế giới đang rơi vào trì trệ. Nói cách khác, Trung Quốc đang lấy sức tiêu dùng của thị trường nội địa khổng lồ của mình làm bàn đạp để vực dậy tăng trưởng, thông qua các gói kích thích và tăng đầu tư công.

Đó có lẽ là lý do vì sao chính phủ Trung Quốc đang có thái độ tẩy chay các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, cũng như ngày càng khép cánh cửa kinh tế lại chặt hơn. So với thời điểm 2008-2009thì rõ ràng tổng cầu của thị trường nội địa Trung Quốc hiện tại đã không còn dồi dào như trước kể cả sau khi đã mở rộng tín dụng và tăng đầu tư công. Nguyên nhân làvì giá nhân công đã tăng lên khá nhiều trong khi thu nhập trung bình lại không tăng nhanh bằng, những biến động lớn mới đây liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ hay sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán khiến người dân Trung Quốc có xu hướng tăng tiết kiệm và tích trữ thay vì tăng chi tiêu cá nhân và hộ gia đình. Vì thế, để các biện pháp vực dậy tăng trưởng dựa vào tổng cầu nội địa có thể thành công, thì điều cần thiết là phải hạn chế nhập khẩu hàng hóa cũng như hạn chế các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Đây có thể xem như một biểu hiện khá giống với chủ nghĩa trọng thương vốn rất thịnh hành tại châu Âu cách đây vài thế kỷ, trong đó khuyến khích tăng cường xuất khẩu bằng mọi giá trong khi cố gắng giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Giải pháp này của chính phủ Trung Quốc có lẽ dựa trên suy nghĩ rằng, sức cầu lớn của thị trường nội địa khổng lồ của nước này có thể giải quyết được các rắc rối về dư thừa công suất của các tập đoàn và doanh nghiệp trong nước, cũng như vực dậy được tăng trưởng kinh tế. Có lẽ tư duy theo kiểu chủ nghĩa trọng thương này sẽ tiếp tục thống trị trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vài năm tới, kể cả khi châu Âu và Mỹ có gây áp lực bằng cách không công nhận trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, cũng như tăng mức áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Trung Quốc ngày càng khép cửa về kinh tế?