Tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax, Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 18.11 nói rằng Kyiv từ chối ưu tiên của Nga đối với một "hiệp định đình chiến ngắn hạn".

Vì sao Ukraine bác bỏ 'thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn' của Nga

Hoàng Vũ | 20/11/2022, 12:32

Tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax, Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 18.11 nói rằng Kyiv từ chối ưu tiên của Nga đối với một "hiệp định đình chiến ngắn hạn".

“Câu hỏi thực tế và chính xác hơn được đặt ra ở đây là liệu hòa bình thực sự sẽ được khôi phục như thế nào. Dù cuộc xung đột có chấm dứt nhưng nó không đồng nghĩa với việc nền hòa bình được đảm bảo”, ông Zelensky nói.

Theo Tổng thống Ukraine, phía Nga đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn nhưng chỉ để “câu giờ” giúp Moscow có thể hồi phục sức mạnh quân sự. “Một số người sẽ coi thỏa thuận ngừng bắn là sự kết thúc cho xung đột, nhưng theo tôi thì điều đó chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”, ông Zelensky nói thêm.

Nhà lãnh đạo Ukraine trước đó cũng từng đề xuất dự thảo hòa bình với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm các điều khoản như an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine và buộc Moscow bồi thường những thiệt hại cho toàn bộ cuộc xung đột”.

Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hôm 19.11 rằng Điện Kremlin không đề xuất chính phủ Ukraine “đình chiến”. “Chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía Nga về một số cuộc trò chuyện hay cuộc đàm phán nào”, ông Yermak nói.

Được biết, đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv bắt đầu từ ngày 28.2, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng nỗ lực này đóng băng từ đầu tháng 4, khi các cuộc thảo luận giữa phái đoàn hai bên ở Istanbul, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, sụp đổ.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ và châu Âu đang thúc giục Ukraine hoan nghênh một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine cho đến nay đã bác bỏ những lời kêu gọi đó, nói rằng bất kỳ động thái đàm phán nào bây giờ sẽ có lợi cho Moscow hơn là Kyiv.

Cố vấn Yermak cũng báo hiệu một chiến dịch quân sự sắp tới phía Ukraine thực hiện ở Crimea - bán đảo bị Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014, song ông Yermak không xác nhận mốc thời gian chính xác để bắt đầu.

“Cuộc chiến này, nó vẫn tiếp tục. Tôi chắc chắn rằng một chiến dịch chiếm lại Crimea sẽ được thực hiện”, phụ tá hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết.

Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov cũng nói với Sky News rằng quân đội Ukraine sẽ đến Crimea vào tháng 12 và cuộc chiến sẽ kết thúc vào mùa xuân năm sau.

Về phần mình, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram ngày 19.11 cho rằng dù phương Tây cố gắng thúc giục Ukraine đàm phán với Nga nhưng Tổng thống Zelensky không muốn tham gia để tránh thừa nhận thất bại.

“Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) không sẵn sàng chấm dứt quan hệ với Nga, bởi điều có thể dẫn đến Thế chiến thứ 3. Do đó, họ tăng cường trao đổi với Ukraine và thúc giục Kyiv tham gia đàm phán", cựu tổng thống Nga cho hay.

Theo Medvedev, Tổng thống Ukraine "không muốn đàm phán vì "các cuộc đàm phán rất nguy hiểm với ông ấy". "Trừ khi ông ấy thừa nhận thực tế hiện tại ở Ukraine, nếu không việc ngồi vào bàn đàm phán là vô nghĩa. Nhưng một khi thừa nhận, Zelensky sẽ bị phế truất bởi chính phe theo chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine. Tình thế hiện tại của Tổng thống Ukraine là tiến thoái lưỡng nan”, ông nói.

Điện Kremlin cũng đánh giá kịch bản đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky là "bất khả thi". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng giới lãnh đạo Ukraine không có ý định đàm phán.

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Ukraine bác bỏ 'thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn' của Nga