Theo kết luận điều tra, cựu Giám đốc CDC Hải Dương và ông chủ Việt Á đã thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho một số lãnh đạo số tiền từ 20 – 25% giá trị hợp đồng.

Việt Á chi đến 25% hợp đồng 'để được CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm'

Nhã Thanh | 21/08/2023, 09:50

Theo kết luận điều tra, cựu Giám đốc CDC Hải Dương và ông chủ Việt Á đã thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho một số lãnh đạo số tiền từ 20 – 25% giá trị hợp đồng.

Qua nhiều “cửa” để tác động tới Bí thư Tỉnh ủy

Liên quan đến việc tiêu thụ test xét nghiệm của Công ty Việt Á tại các CDC tỉnh thành, theo kết luận điều tra, trong năm 2020, tại tỉnh Hải Dương xảy ra đợt dịch COVID-19, đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn TP.Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Do tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, có khả năng bùng phát trên diện rộng nên UBND tỉnh công bố dịch đợt 3.

Sau đó, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) gọi điện cho Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) đề nghị Tuyến giúp đỡ Việt Á được cung cấp test xét nghiệm và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho tỉnh Hải Dương phục vụ phòng chống dịch.

Lúc này, Giám đốc CDC Hải Dương nói “việc phức tạp và không đủ thẩm quyền giải quyết”. Nghe được lời này, ông chủ Việt Á gọi điện cho Nguyễn Huỳnh (là thư ký của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long) để nhờ ông Long tác động đến ông Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương). Ông Long đã đề nghị và được Phạm Xuân Thăng đồng ý giúp đỡ Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á.

Tiếp đó, thư ký của Bộ trưởng Long gọi điện cho Việt nói “sếp đã trao đổi với anh Thăng…, em liên hệ với anh Thăng để về đó triển khai”. Khi được Phan Quốc Việt thông báo về việc Bí thư Hải Dương đã đồng ý cho Việt Á tham gia xét nghiệm phòng chống dịch, Giám đốc CDC Hải Dương báo “khẩn trương cho máy và người về hỗ trợ tỉnh”.

pham-xuan-thang-cuu-bi-thu-hai-duong-.jpg
Ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) - Ảnh: Internet

Ngay sau đó, Tổng giám đốc Việt Á chỉ đạo nhân viên đưa máy móc, thiết bị… về Hải Dương phối hợp với CDC phục vụ công tác xét nghiệm, phòng chống dịch.

Ngày 29.1.2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Phạm Xuân Thăng chủ trì họp và kết luận: “... giao UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á triển khai ngay các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh trên diện rộng”.

Đưa 100.000 USD cho Bí thư Tỉnh ủy

Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, ngày 20.2.2021, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, ông Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho tỉnh Hải Dương. Tại buổi gặp này, Việt đưa cho Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỉ đồng).

Tại cuộc họp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh (ngày 22.2.2021), ông Thăng đã kết luận và yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương thực hiện việc giao CDC Hải Dương phối hợp với Công ty Việt Á xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng theo đúng đề nghị của doanh nghiệp.

Quá trình điều tra, ông Thăng khai nhận đã được Phan Quốc Việt đưa 100.000 USD vào ngày 20.2.2021.

phan-quoc-viet-pham-duy-tuyen-gd-cdc-hai-duong-.jpg
Bị can Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến - Ảnh: Bộ Công an

Cựu Giám đốc CDC nhận 27 tỉ đồng qua tài khoản của bảo vệ, thông gia

Theo kết luận điều tra, trong quá trình hợp thức hồ sơ đấu thầu để thanh toán tiền cho Việt Á, để đảm bảo thanh toán đúng đơn giá do phía công ty đưa ra, Giám đốc CDC Hải Dương đã chỉ đạo kế toán trưởng phối hợp với nhân viên kinh doanh của Việt Á lấy báo giá của Công ty Việt Á và các đơn vị khác, trong đó giá của Công ty Việt Á là thấp nhất.

Cùng với đó, Tuyến cũng chỉ đạo bộ phận kế toán làm việc với Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính (thuộc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương) để bảo vệ được đơn giá của Công ty Việt Á; trên cơ sở đó, làm thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Kết luận điều tra cho thấy Phạm Duy Tuyến ký 4 hợp đồng giữa CDC Hải Dương và Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác. CDC Hải Dương thanh toán hơn 147 tỉ đồng cho Việt Á từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, thanh toán tiền 226.176 test xét nghiệm do Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 73,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Việt Á, Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt đã thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh số tiền từ 20 - 25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm của Việt Á.

Trong vụ án này, CQĐT kết luận Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỉ đồng. Tuyến đã đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD để "Bí thư quan tâm, tạo điều kiện". Ngoài ra, bị can Tuyến còn đưa tiền cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương; số tiền còn lại, cựu Giám đốc CDC sử dụng cá nhân.

Số tiền 27 tỉ đồng được thủ quỹ của Công ty Việt Á chuyển đến các tài khoản mà ông Tuyến cung cấp. CQĐT xác định, phía Việt Á đã chuyển 22 tỉ đồng đến tài khoản của ông Phạm Văn Cường là bảo vệ CDC Hải Dương (bạn học của ông Tuyến); chuyển 5 tỉ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hiện (là thông gia với gia đình ông Tuyến).

        Bị can Phạm Duy Tuyến bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Bị can Phạm Xuân Thăng bị đề nghị chuyển tội danh từ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang “Nhận hối lộ”. Trong bản kết luận, C03 đề nghị Viện KSND tối cao phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh đối với bị can Thăng.

Bài liên quan
Tổng giám đốc Việt Á ‘cảm ơn’ cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Văn Trịnh khai đã giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất test xét nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Á chi đến 25% hợp đồng 'để được CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm'