Mỹ là nước nhập khẩu hàng đầu thủy sản Việt Nam. Sau 10 năm hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã tăng tới 80%.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 11.9 cho biết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực sang Mỹ đều có doanh số tăng đột phá sau 10 năm. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỉ USD, tăng 80% so với 10 năm trước, thời điểm Việt Nam - Mỹ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013.
Riêng xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD năm 2022, trong đó xuất khẩu tôm chạm mức đỉnh trên 1 tỉ USD năm 2021, cá tra tăng 50% từ 359 triệu USD lên 537 triệu USD, cá ngừ tăng gấp đôi từ 244 triệu USD lên 489 triệu USD. Ba ngành hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ gia tăng nhập khẩu nhiều sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam như cua, ghẹ, ngao, các loài cá biển, cá nước ngọt khác.
8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỉ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022 do khó khăn chung của thị trường thế giới như lạm phát, giá trung bình xuất khẩu giảm. Riêng với thủy sản, vấn đề tồn kho của các nhà nhập khẩu Mỹ từ nửa cuối năm 2022 cũng là một nguyên nhân chính khiến cho nhập khẩu của thị trường chậm lại, nhất là 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Do vậy, tới hết tháng 8.2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 30%, xuất khẩu cá tra giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Mỹ đồng thời cũng là đối tác cung cấp một số mặt hàng hải sản quan trọng cho thị trường Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Mỹ sang Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD mỗi năm, với những mặt hàng chính gồm cá hồi, cá trích, cá bơn, cá minh thái, cá tuyết... Phần lớn hải sản đó được các đối tác Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam để gia công, chế biến và xuất khẩu trở lại thị trường này. Hoạt động này cũng mang thêm doanh thu cho doanh nghiệp Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.
Mỹ đang và sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược hàng đầu của thủy sản Việt Nam, bởi vị thế của một cường quốc kinh tế lớn có dân số lớn thứ 3 thế giới và có tỷ lệ dân thành thị ngày càng gia tăng, đặc biệt tăng trưởng số lượng di dân ở đất nước này được dự báo ngày càng cao. Những đặc tính của thị trường này sẽ mang lại cơ hội tăng thị phần cho thủy sản Việt Nam, không chỉ phát triển các sản phẩm xuất khẩu truyền thống mà cả phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn, phù hợp cho các gia đình thành thị, cũng như các chủng loại sản phẩm có giá phù hợp cho tầng lớp thu nhập trung bình hoặc di dân.
Đặc biệt quan trọng là sau chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden và đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ, cùng với tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, kỳ vọng là hợp tác kinh tế thương mại, trong đó có thương mại thủy sản của Việt Nam với Mỹ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn.
Trao đổi với báo chí về triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại Việt Nam - Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như: dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ... để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Mỹ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Mỹ đã làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi xuất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đi xuống vì lãi suất cao. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá Fed đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử... được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối, tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức, đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh".
"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Mỹ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro", người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh.