Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Thị Thu Hằng, đến nay Việt Nam đã nhận 4 loại vắc xin với tổng cộng gần 6,4 triệu liều.
Cụ thể hơn, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 4 loại vắc xin, gồm gần 4,4 triệu liều AstraZeneca từ chương trình COVAX và nguồn mua, cùng 1,4 triệu liều do chính phủ Nhật Bản trao tặng; 2.000 liều vắc xin Sputnik V do chính phủ Nga trao tặng, 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc tặng.
Ngày 7.7 vừa qua, lô vắc xin Pfizer - BioNtech đầu tiên đã về đến Việt Nam với số lượng gần 100.000 liều (97.110). Tính ra, Việt Nam hiện đã nhận được tổng cộng gần 6,4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.
Sắp tới, Việt Nam sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ cung cấp qua chương trình COVAX.
“Chương trình COVAX cũng đã cam kết dành ưu tiên cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo và sẽ chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều vắc xin Moderna do chính phủ Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX, dự kiến sẽ đến Việt Nam ngay trong tuần này. Cũng cần phải nói thêm rằng với tinh thần trách nhiệm và cùng chung tay với cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã đóng góp cho cơ chế COVAX 500.000 USD”, bà Lê Thị Thu Hằng nói tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến chiều 8.7.
Ngoài ra, 600.000 liều vắc xin AstraZeneca còn lại mà chính phủ Nhật Bản tặng có thể sẽ sớm về Việt Nam. Khi đó, Việt Nam nhận tổng cộng 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ Nhật Bản.
Tính riêng trong tháng 7.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long dự kiến sẽ có 8,7 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp nhận vắc xin của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vắc xin để cùng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Về câu hỏi liên quan đến kế hoạch sử dụng 500.000 liều vắc xin do Trung Quốc tặng, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như các bạn đã biết và báo chí đã đưa tin công khai ngày 20.6 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm cùng với 502.400 bơm kim tiêm dùng một lần loại 1ml do Trung Quốc viện trợ. Số vắc xin này sẽ được Việt Nam triển khai, sử dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ tiến hành tiêm chủng cho các công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam”.
Tính đến 16 giờ ngày 8.7.2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.983.800 liều xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 249.532.
Ngày 8.7.2021 có thêm 22.647 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 16 tỉnh thành và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng như sau:
1. Hà Nội: 1.514
2. Thái Bình: 99
3. Nam Định: 223
4. Ninh Bình: 12
5. Quảng Ninh: 453
6. Nghệ An: 2.735
7. Sơn La: 596
8. Quảng Trị: 364
9. Quảng Nam: 463
10. Bình Thuận: 24
11. Đắc Nông: 144
12. TP.HCM: 9.423
13. Đồng Nai: 60
14. Tiền Giang: 3.732
15. Cần Thơ: 408
16. Bình Dương: 106
17. Bệnh viện/Viện/Trường: 1.966
18. Bộ Quốc phòng: 325
Vắc xin COVID-19 của Moderna chống lại biến thể Delta hiệu quả hơn so với Beta
Hãng dược Moderna cho biết vắc xin COVID-19 của họ có triển vọng chống lại biến thể Delta (được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ) trong một nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, với hiệu quả giảm nhẹ so với chủng ban đầu.
Nghiên cứu được thực hiện trên huyết thanh của 8 người tham gia thu được một tuần sau khi họ nhận được liều thứ hai của vắc xin Moderna (mRNA-1273).
Theo hãng Moderna (Mỹ), vắc xin đã tạo ra phản ứng kháng thể chống lại tất cả các biến thể được thử nghiệm, nhưng vẫn kém hơn trong mọi trường hợp với hoạt động vô hiệu hóa của vắc xin chống lại chủng coronavirus ban đầu được tìm thấy lần ở Trung Quốc
Dữ liệu cho thấy vắc xin của Moderna hiệu quả hơn nhiều trong việc tạo ra kháng thể chống lại biến thể Delta so với biến thể Beta được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi.
Với ba phiên bản của biến thể Beta, các kháng thể trung hòa được kích thích bằng vắc xin giảm từ 6 đến 8 lần so với các kháng thể được tạo ra chống lại chủng ban đầu, trong khi mức giảm khiêm tốn từ 3,2 đến 2,1 lần với các dòng biến thể lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ gồm Delta và Kappa.
"Những dữ liệu mới này đang khuyến khích và củng cố niềm tin của chúng tôi rằng vắc xin Moderna có thể duy trì khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới được phát hiện", Giám đốc điều hành Moderna - Stéphane Bancel nói.