Tiếp nối câu chuyện về cuộc đời khi giao lưu với các Phật tử tại chùa Giác Ngộ, diễn viên Việt Trinh thú nhận rằng, đã có lúc chị bế tắc tới mức viết thư tuyệt mệnh để lại và có ý định quyên sinh để giải thoát cho mình.
Tuổi thơ đầy cơ cực
Mới đây, khi được mời đến chia sẻ trong khóa tu “Ngày an lạc” lần thứ 25 tại chùa Giác Ngộ, Việt Trinh đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc đời mình. Nữ diễn viên “Người đẹp Tây Đô” chia sẻ rằng, ai cũng phải đi qua một thời tuổi thơ và dù tuổi thơ đó ngọt ngào hay dữ dội thì ai cũng yêu thương tuổi thơ của mình.
“Khi lớn lên, nhớ lại tuổi thơ của mình, mình cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù đó là tuổi thơ rất cực khổ, thậm chí mình thua bạn kém bè rất nhiều thứ. Nhưng chính từ những khó khăn, cực khổ đó mà mình bản lĩnh hơn khi đối diện với những sóng gió của cuộc đời.
Tôi may mắn sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Dù mẹ nuôi con một mình nhưng tấm lòng của mẹ rất bao la. Tuổi thơ, tôi đã được chứng kiến những nỗi nhọc nhằn và cơ cực mà mẹ phải trai qua để nuôi các con khôn lớn. Với tôi, mẹ là người phụ nữ vĩ đại và tôi yêu thương nhất.
Tôi là con gái út nên trong nhà tôi gần gũi mẹ nhiều nhất. Từ bé, tôi đã được chứng kiến những giọt nước mắt và những nỗi cơ cực mà mẹ phải gồng gánh để nuôi 7 anh em chúng tôi thành người. Nhiều khi thấy mẹ với thân hình nhỏ nhắn (chỉ cao có 1m5) nhưng gánh nặng oằn lên vai, tôi cứ ước mình phải làm gì đó để mẹ bớt cực. Lúc 7 - 8 tuổi, tôi cứ nghĩ mình phải làm ra thật nhiều tiền để mẹ bớt cực khổ.
Với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ làm ra tiền thì mẹ sẽ bớt cực nhưng không biết rằng, cố gắng học giỏi để sau này thành tài thì sẽ có nhiều cơ hội giúp mẹ bớt cơ cực. Cho nên, hồi đó tôi ngang ngạnh lắm. Tôi hay trốn mẹ đi làm thuê, làm mướn… rồi mẹ biết được lại bắt về đánh đòn.
Có một trận đòn mẹ đánh kinh khủng lắm. Mẹ vừa đánh vừa bảo rằng: "Mẹ có cực khổ tới mấy cũng cố gắng nuôi các con ăn học đàng hoàng chứ không để cho các con thất học". Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao mình chăm chỉ đi làm mướn để kiếm tiền phụ giúp mẹ mà còn bị mẹ đánh.
Nhưng sau này, khi học hết lớp 12, biết chữ nghĩa, biết tính toán, có công ăn việc làm ổn định… mới hiểu tấm lòng mẹ bao la vô cùng. Nếu như lúc đó, mẹ yếu lòng, mẹ nghĩ “Con mình học ngần đó đủ rồi, cho nó đi làm đi, mình đỡ cực” thì chắc là không có Việt Trinh của ngày hôm nay. Nghĩ lại những tháng ngày đó, lúc nào tôi cũng nghẹn ngào nhưng thực sự rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì nhờ mẹ như thế mà ngày đó tôi đã không thất học”, Việt Trinh nghẹn ngào kể lại tuổi thơ.
Theo nữ diễn viên “Người đẹp Tây Đô”, vào những năm của thập niên 70, khi gia đình chị rời TP.HCM lên Bình Phước theo diện xây dựng vùng kinh tế mới thì gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, cả nhà phải ăn cơm bo bo độn với khoai sắn, khoai lang. Riêng chị, vì là con út nên được ăn cơm nhiều hơn các anh chị.
“Nhiều lúc nhìn bạn bè có bàn tay thon gọn, nuột nà, mềm mại… tôi rất thèm vì tôi không có được bàn tay như vậy. Tay của tôi rất thô, gân guốc và xấu xí vì hồi bé làm nhiều việc nặng nhọc. Nào là đi theo mấy anh đi lượm củi, kéo nước bằng dây thừng, xách nước đi tưới tiêu… Nhiều khi nhìn vào tay mình có chút xấu hổ nhưng cũng rất tự hào. Nhìn vào mỗi đường gần trên bàn tay lại nhớ lại quãng thời gian thơ ấy từng làm gì với các anh, các bạn trong xóm của mình. Kể lại thấy tuổi thơ cơ cực và dữ dội nhưng tôi rất hạnh phúc. Trong suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên được tuổi thơ của mình. Mãi mãi sẽ là như vậy”, Việt Trinh kể thêm.
Nói về cơ duyên đến với điện ảnh, Việt Trinh cho biết, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có những ước mơ. Ước mơ đó đổi thay theo từng giai đoạn. Đến bây giờ, khi đã ở tuổi 45 nhưng Việt Trinh vẫn nghĩ nghề diễn đã tìm đến mình bởi trong ký ức tuổi thơ chị không hề nghĩ đến nghề này.
“Hồi bé, tôi rất mê hát cải lương lắm lắm. Mê tới mức, các đoàn cải lương về quê biểu diễn là mẹ cấm tới mấy cũng trốn đi xem bằng được. Nhìn những người đóng công chúa hoặc bà hoàng là thần tượng lắm, chỉ ước sau này mình được như công chúa. Tôi còn nhớ, thời đó rất mê vở tuồng “Phạm Công Cúc Khoa” nên cứ rủ bạn bè trong xóm lấy lá chuối với lá khoai sắn kết lại làm lọng, may áo giáp rồi diễn chơi với nhau.
Lên lớp 8 - lớp 9 lại mê làm ca sĩ. Mỗi lần phụ mẹ nấu cám cho heo ăn, hái lá so đũa cho dê ăn, giặt quần áo giúp các anh… là miệng nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác. Nhiều khi còn lấy ghế ra làm sân khấu, dạt quần áo sang hai bên làm màn nhung… rồi biểu diễn như đang biểu diễn trên sân khấu vậy dù không có khán giả.
Năm 13 tuổi, mỗi lần từ Bình Phước về TP.HCM lại ở trong một xóm lao động nghèo mà các đoàn làm phim rất hay về đó quay. Tôi còn nhớ, thời điểm đó nghệ sĩ Thương Tín đang quay phim “Tiếng gọi lúc mờ sáng”, tôi cùng với mấy đứa trẻ con trong xóm nhào ra xem rất say mê.
Lúc đang cùng bọn trẻ chen chúc xem thì thấy đạo diễn Lê Mộng Hoài ngoắt lại. Lúc lại gần các chú kêu: “Xoè cái tay ra xem bói coi”, tôi cũng xòe tay ra. Chú Lê Mộng Hoài xem xong nói: “Con nhỏ này sau này đóng phim nổi tiếng lắm nè!”. Vì câu nói đó mà từ chỗ rất ước ao trở thành ca sĩ tôi lại chuyển sang mong mình trở thành diễn viên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời diễn viên của mình.
Sau này, khi học hết lớp 12, gia đình chuyển về TP.HCM sống lại, gia đình muốn tôi theo học sư phạm nhưng vì đầu đã “tư tình” với điện ảnh rồi nên không còn chút hứng thú với sư phạm nữa cả. Đầu óc lúc đó chỉ có tiểu phẩm này, nhân vật kia, vai diễn nọ… để nhìn vào gương tự diễn rồi tự xem chứ không có gì khác có thể chen vào đó được. Cuối cùng, tôi đăng ký thi vào trường điện ảnh TP.HCM và bắt đầu nghiệp diễn viên từ đó”, Việt Trinh kể thêm.
Nổi tiếng vẫn không bao giờ quên được thuở cơ hàn
Tiếp nối buổi trò chuyện khisư thầy Thích Quảng Tịnh đặt vấn đề rằng: “Khi thành công và nổi tiếng, thông thường người ta rất dễ quên đi những khó khăn, cơ hàn… thuở ban đầu. Chính vì vậy, người ta rất dễ đánh mất mình, thậm chí tạo ra nhiều nghiệp chướng nữa. Chị nhận định gì về điều này và đối với cuộc đời chị thì sao?”.
Trước câu hỏi này, diễn viên “Người đẹp Tây Đô” thật lòng tâm sự rằng, chị có một chút hơi khác so với những điều quý thầy đã đặt vấn đề. Với chị, khi nổi tiếng khắp gần xa, khi đã có tiền của… chị lại không quên thuở cơ hàn của mình vì những điều đó đã quá in đậm trong tiềm thức của mình. Điều đó cũng tựa như việc bản thân Việt Trinh từng rất khao khát làm ra tiền để mẹ đỡ vất vả, nhọc nhằn, cơ cực… khi còn bé. Cái sự khao khát đó luôn thường trực trong tâm khảm của chị, giống như đống tro âm ỉ lửa, chỉ cần có gì đó rớt xuống sẽ bùng tỏa lên rất mạnh.
“Lúc đó, cái sai duy nhất của tôi là muốn làm ra thật nhiều tiền, càng nhanh càng tốt. Nó giống như tiềm thức của mình sau bao nhiêu năm lại bùng lên khi gặp được cơ hội. Nhưng tôi vẫn không quên đi thời cơ hàn của mình. Thỉnh thoảng, ngồi nói chuyện với một số anh chị, các anh chị vẫn bảo: “Việt Trinh ơi, sao giờ em đi làm nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền rồi mà vẫn cứ nhắc về hồi ở dưới Bình Phước đi làm thuê làm mướn hoặc em là con nhà nghèo. Những lúc như thế tôi thường giải thích rằng: “Việt Trinh có thể nói lời đó được vì những kỷ niệm với bạn bè thời chung khố không bao giờ có thể quên được hoặc phủ nhận đi được”.
Cái thứ hai, trong thời điểm mới nổi tiếng, tôi được nhiều người mời đi ăn ở những nơi cao lương mỹ vị, sang trọng, đắt tiền… Có một lần vào nhà hàng, người ta gọi ra một con vịt quay đặt trước mặt mình. Mà những năm 90 - 91, một con vịt quay có giá tiền đắt kinh khủng lắm. Ngồi nhìn con vịt quay mà tôi không thể tưởng được có một ngày mình được ăn ngon như vậy. Ngoài con vịt quay, trên bàn lúc đó còn những 5 - 6 món ăn khác.
Tôi ngồi nhìn con vịt xong bỗng dưng nhớ tới mẹ, các anh và hai người bạn thân đang ở dưới quê đang rất là cực khổ mà chỉ ước những người thân trong gia đình cùng những người bạn của mình có được một bữa ăn ngon như mình đang được ăn. Mơ ước lắm. Mơ ước tới mức cầm miếng vịt đó lên ăn cảm giác không còn ngon nữa.
Thân của mình ở đây gắp miếng ăn mà tâm của mình lại đang lảng vảng ở dưới quê. Ăn không thấy ngon tí nào. Từ đó, Việt Trinh nguyện rằng, số tiền đầu tiên làm ra sẽ chia sẻ với mọi người trong gia đình, đặc biệt là mẹ mình. Và tôi sẽ dẫn mẹ đi ăn một bữa ăn thật ngon, không cho phép mẹ mình cực khổ nữa. Nhưng kết quả lại không được như mình mong muốn. Khi tôi dẫn mẹ tôi vào nhà hàng sang trọng ăn, mẹ tôi lại ăn không ngon… vì tiếc tiền. Gọi cái gì ra mẹ cũng không dám gắp. Mẹ tiếc tiền con mình làm ra cực khổ nên không dám ăn”, Việt Trinh kể lại.
Sa lầy khi bắt đầu nổi tiếng, kiếm tiền như trở bàn tay
“Người đẹp Tây Đô” thừa nhận rằng, thời đó, vì muốn làm ra thật nhiều tiền nên chị như một con ngựa bất kham.
“Thời đó, tôi háo thắng vô cùng. Chính vì nỗi khát khao muốn kiếm thật nhiều tiền trong tiềm thức trỗi dậy và bùng phát mạnh quá nên phim nào tôi cũng nhận. Có khi, một tháng tôi đóng tới 4 phim, mà hồi xưa đóng một phim mua được mấy cây vàng. Như vậy nghĩa là một tháng tôi kiếm được mười mấy cây vàng. Trong khi, thời điểm đó tôi mới chỉ là một cô gái 19 - 20 tuổi. Mọi người nghĩ tôi có tham không, kiếm được nhiều tiền phải thích chứ. Nhưng chính vì vậy mà tôi không tôn trọng cái nghề của mình.
Ai làm diễn viên đều biết, nếu một ngày mà mình đóng tới 3 bộ phim thì cảm xúc của mình không bao giờ tốt cả. Cảm xúc với từng nhân vật của mình chỉ diễn như một cái máy. Đến cười, khóc, diễn... đó nhưng thực chất là không có tí cảm xúc thật nào. Chính vì vậy, khán giả sẽ đào thải mình vì họ không có cảm xúc với những vai diễn mình đóng nữa.
Tôi đã sai lầm rất nhiều trong nghề diễn từ năm 1993 đến 1995. Thời điểm đó, tôi đóng phim kinh khủng lắm. Tối còn đi diễn ở tỉnh này, tỉnh kia nữa. Mà ngày xưa đi diễn tỉnh một đêm được 200 USD. 200 USD lúc đó đổi ra được một triệu mấy tiền Việt. Vàng lúc đó cũng chỉ có hơn 500 nghìn một chỉ thôi. Số tiền đó cộng với tiền cát sê kiếm được ban ngày nhờ đóng phim nữa… làm sao kiếm được nhiều tiền như thế mà có thể ngừng lại được, kìm mình lại được.
Và cũng vì lẽ đó mà từ năm 1996 đến năm 1997, tôi bị người ta lãng quên. Nhà sản xuất không mời đóng phim của họ nữa vì tội đi trễ về sớm, kênh kiệu trên phim trường. Lúc đó, tôi cũng bất cần nên lại càng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Cho tới lúc, người ta quên hẳn mình, không cần mình nữa và mình nhận thức được điều đó thì tôi bị rơi tự do. Nhưng may là ông Tổ vẫn còn thương Việt Trinh. Trong lúc bị rơi tự do đó, tôi đã tỉnh ngộ và hối hận. Tôi biết những gì mình làm thời gian qua là sai với nghề. Có thể vì thế thấy tôi đã tỉnh ngộ mà ông Tổ thương mới cho đến với bộ phim “Người đẹp Tây Đô”, ngôi sao của thập niên 90 kể thêm.
Từng ước mình đừng là diễn viên nổi tiếng
Chia sẻ về quãng thời gian 10 năm sống khép mình, lánh xa mọi hào quang của sự nổi tiếng, danh vọng và tiền tài…, diễn viên Việt Trinh thú nhận rằng: “Trong những ngày tháng đó, đã có lúc, tôi ước gì mình đừng là diễn viên. Ước gì mình là một người bình thường, đừng nổi tiếng để thị phi không thể làm cho mình gục ngã.
Quãng thời gian đó, tôi không dám xem tivi ra xem vì mở tivi ra toàn gặp lại bạn mình, người này đóng phim, người kia ca hát… Tôi sẽ nhớ nghề không chịu nổi. Tôi đoạn tuyệt với mọi thứ, tới mức thấy số nghệ sĩ là không bao giờ nghe máy.
Trong thời gian không hoạt động nghệ thuật, tôi làm công tác xã hội và được chứng kiến rất nhiều mảnh đời. Có những tấm gương rất sáng, đáng để mình noi. Có những người từng sai lầm rất kinh khủng vào thời trẻ, nhưng trong giây phút giác ngộ, họ đã quay đầu là bờ. Họ sống với mọi người tốt vô cùng, tốt tới mức những người bình thường cũng không tốt bằng họ.
Và tôi nghĩ: “Tại sao mình không đưa những tấm gương đó lên phim, để nhiều người được xem?”. Vì phim là đời, đời là phim. Chính vì vậy mà khi trở lại với nghệ thuật năm 2011, tôi không trở lại với vai trò diễn viên mà kết hợp với chị Châu Thổ trong vai trò đạo diễn là như vậy.
Bên cạnh làm đạo diễn, tôi cũng tham gia những chương trình truyền hình thực tế trẻ trung để có những vốn sống. Có thể nói, lần trở lại sau này âm thầm, lặng lẽ, không hào nhoáng như lần đầu. Tôi không muốn mình nổi tiếng như trước đây nữa vì tôi biết trong cuộc đời mỗi người chỉ có một lần thăng hoa tuyệt vời nhất thôi.
Tên tuổi của Việt Trinh từ năm 1992 đến 1995 là lớn nhất rồi. Tre già măng mọc, vị trí đó bây giờ đã có người khác. Mình trở lại là vì mình yêu nghề, chứ không phải trở lại để nổi tiếng như xưa…”, Việt Trinh kể.
Nữ diễn viên tâm sự rằng, thời điểm chị phải đối diện với những điều thị phi kinh khủng nhất cuộc đời, đã có lúc chị nghĩ đến chuyện tiêu cực nhất. Có một lần, chị viết một bức thư để lại cho người thân, sau đó lặng lẽ tìm đến một ngôi chùa nhỏ ở Đồng Nai.
Đến đó, chị đã có cơ hội được trút hết lòng mình, những điều mà chị không dám tâm sự với bất kỳ ai, kể cả mẹ mình vì sợ mọi người không chịu nổi. Rất may, trong cơn cùng quẫn, chị đã được khai mở để giải quyết những vướng mắc trong lòng mình và từ bỏ hẳn ý định tự vẫn. Chị quyết định phải sống để nếu có lỗi sẽ làm điều tốt để sửa lỗi, nếu không có lỗi sẽ chứng minh cho người đời thấy mình là người tốt.
“Khi có một ai đó chưa phạm lỗi hoặc mình nghi ngờ họ phạm lỗi thì đừng nên suy diễn. Bởi vì đôi lúc sự suy diễn, sự gán tội của mình đối với người ta sẽ khiến người ta đến con đường tự vẫn. Tôi đã từng lâm vào hoàn cảnh như thế và cũng đã chứng kiến những câu chuyện như thế. Sẵn đây xin khuyên rằng, nếu chúng ta bế tắc, đừng nghĩ đến những điều tiêu cực vì như thế là trốn tránh mà trốn tránh cũng không giải quyết được. Chúng ta nên đối diện rồi bình tâm mà nghĩ suy”, Việt Trinh nhắn nhủ.
Cho đến bây giờ chưa hết sai lầm…
Thú nhận về những điều đã làm trong cuộc đời, diễn viên Việt Trinh tâm sự rằng, cho đến bây giờ chị vẫn còn có những sai lầm. Có những sai lầm chị nhận ra để sửa đổi, cũng có những sai lầm chị không nhận thấy. Và dù sai lầm gì đi nữa, việc nhận ra cái sai để sửa chữa bản thân sẽ tốt hơn là trốn tránh hoặc không chấp nhận mình sai.
“Với bản thân, cho đến khi đã được giác ngộ, tôi vẫn tiếp tục sai lầm. Nhưng mỗi lần sai lầm là một câu chuyện khác. Trên đường đời chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều câu chuyện, có những câu chuyện chúng ta làm chủ được, có những câu chuyện ta hoàn toàn bị động. Có khi ta là người viết ra câu chuyện, cũng có khi ta là nhân vật trong câu chuyện. Tới bây giờ, tôi biết mình vẫn đang có những sai lầm. Nhưng mỗi ngày, tôi luôn cầu mong có được trí tuệ sáng suốt để nhìn thấy những sai lầm của mình mà sửa chữa”, Việt Trinh trải lòng.
Ngôi sao điện ảnh thập niên 90 lý giải rằng, lúc mới nổi tiếng chị rất nóng tính. Vì nóng tính nên mới có nhiều hành động sai lầm.
“Thời đó, tôi thích ăn món canh chua cá lóc mà cá lóc ai cũng thích phần ruột. Chị giúp việc không biết sở thích đó của tôi nên khi làm cá đã vứt ruột cá đi. Lúc ăn, không thấy ruột cá đâu, tôi nổi giận linh đình, tôi nóng tới mức muốn bưng cả tô canh mà đập bể. Mẹ nhìn thấy hành động của tôi như vậy liền gọi tôi lên phòng.
Mẹ bảo: “Con như vậy là sai hoàn toàn, con phải xin lỗi chị ấy vì người ta biết mà bỏ đi mới có tội, còn đây người ta không biết con thích ăn ruột cá nên mới bỏ đi, như thế không thể trách họ được. Mà con còn nhỏ tuổi hơn người ta, con hành xử như thế là không phải phép”. Nghe lời mẹ phân tích, tôi đã dịu cơn nóng, đi xuống xin lỗi chị giúp việc. Sau này, tôi nhận ra sự nóng nảy sẽ khiến mình hành động sai lầm nhiều chuyện”.
Từ bài học của chính cuộc đời mình, diễn viên “Người đẹp Tây Đô” phân tích rằng, ánh hào quang trên sân khấu hay trong phim ảnh không khác nhau gì là mấy. Và đó đều là những thứ ảo ảnh có thể khiến con người dễ đánh mất mình. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định, có ánh hào quang mình sẽ ra sao, chưa có ánh hào quang mình sẽ thế nào... Đừng để khi có một người khác đứng lên thay thế vị trí của mình, mang ánh hào quang đi chỗ khác, mình sẽ bị rơi tư do, sẽ có những việc làm rất sai lầm.
“Nếu các bạn trẻ muốn đến với nghệ thuật phải chuẩn bị cho mình một hành trang vững chãi, nhất là về tư tưởng. Tư tưởng là nền tảng để chúng ta không bị sốc. Vì ông bà thường nói, nổi tiếng đi đôi với tai tiếng. Nổi tiếng với người thường chỉ có một người biết nhưng nổi tiếng với người nghệ sĩ thì nhân lên hàng triệu. Nổi tiếng không có nghĩa là bước lên hoa hồng mà đi, bước lên nhung lụa mà lướt.
Chúng ta cũng phải bản lĩnh. Chưa nổi tiếng chúng ta bản lĩnh một, nổi tiếng rồi chúng ta nổi tiếng một nghìn. Nếu chúng ta chuẩn bị một tâm lý, một hành trang vững chắc thì chúng ta bước vào nghệ thuật sẽ đỡ bị sốc hơn, đỡ bị đau khổ hơn”, Việt Trinh nói.
Hà Tùng Long/Dân Trí