Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký quyết định giải quyết tố cáo đối với ông Đặng Văn Nang - Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh. Đồng thời cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị làm rõ dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để người vợ trục lợi từ dự án đường ở tổ 1, 7 và 8 thuộc ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh của ông Nang.

‘Vợ quan’ được bồi thường, ‘dân đen’… tay trắng

Thanh Tuấn | 05/10/2017, 12:41

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký quyết định giải quyết tố cáo đối với ông Đặng Văn Nang - Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh. Đồng thời cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị làm rõ dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để người vợ trục lợi từ dự án đường ở tổ 1, 7 và 8 thuộc ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh của ông Nang.

          

“Quan thành phố” ký bồi thường cho… vợ

Theo hồ sơ mà PV thu thập được, vào tháng 10.2013, UBND xã Hòa An phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tuyến đường giao thông nông thôn chạy dài qua tổ 1, 7 và 8 thuộc ấp Hòa Long. Dự án này do UBND xã Hòa An làm chủ đầu tư.

Lẽ ra sau đó xã Hòa An tiến hành các thủ tục tiếp theo. Nhưng bỗng dưng, ông Đặng Văn Nang can dự vào dự án với tư cách là Phó chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh. Ông Nang còn tự phong cho mình chức Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư (HĐBTHT&TĐC) dự án này.

Công trình xây đường nói trên có chiều dài hơn 1,4 km, mặt ngang 5,5 m và tổng kinh phí hơn 7,6 tỉ đồng. Nguồn vốn lấy từ ngân sách Nông thôn mới và nhân dân đóng góp. Có 39 hộ dân bị ảnh hưởng. Ban đầu, người dân được thông báo là công trình không có kinh phí, chính quyền vận động dân hiến đất theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và được đa số bà con đồng tình.

Trong 2 ngày 5.4 và 7.4.2014, UBND xã Hòa An tổ chức họp dân để lấy ý kiến triển khai dự án và xét hỗ trợ cho 4 hộ có đất bị ảnh hưởng nhiều, gồm hộ ông Lê Văn Hải (245,5 m2), ông Lê Văn Phước (252,5 m2), ông Đỗ Văn Hai (225,75 m2) và ông Đặng Văn Nang - Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh (431,4 m2). Biên bản 2 cuộc họp này thể hiện các hộ dân đồng ý hiến đất làm đường, UBND xã sẽ đề nghị UBND TP.Cao Lãnh hỗ trợ 50% tổng diện tích đất và hoa màu cho 4 hộ trên (do bị mất hơn 150 m2 đất cho dự án).

Nhiều hộ dân không được bồi thường, dù mất nhiều đất

Trên cơ sở đề nghị của xã, ngày 26.4.2014, Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh - Nguyễn Thanh Hải ký văn bản thống nhất lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Ngày 5.8.2014, ông Nang lấy danh nghĩa là Chủ tịch HĐBTHT&TĐC TP.Cao Lãnh chủ trì cuộc họp để xét phương án bồi thường cho tuyến đường ấp Hòa Long. Biên bản thể hiện, bà Đặng Thị Thứ (vợ ông Nang) được bồi thường 50% diện tích đất lâu năm ở thửa đất số 2 (211,8 m2) và 100% diện tích đất lâu năm thuộc thửa đất số 15 là 436,2 m2 (do không còn hưởng lợi sau khi dự án hoàn thành). Tổng số đất bà Thứ được bồi thường là 648 m2 (tăng hơn 216 m2 so với đề nghị của xã trước đó).

Ngày 22.10.2014, Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh ký quyết định thu hồi 648 m2 đất trồng cây lâu năm của hộ ông Đặng Văn Nang, nhưng không phải là 2 thửa đất được xét bồi thường trước đó! Trên thực tế thì thửa đất này là có thật, và hộ ông Nang đã được cấp giấy CNQSDĐ. Vậy 2 thửa đất được xét bồi thường cho bà Thứ ở đâu ra?

Chưa hết, ngày 24.10.2014, ông Nang ký quyết định hỗ trợ bồi thường. Điều lạ là quyết định này căn cứ vào quyết định thu hồi đất của hộ ông Nang, nhưng lại bồi thường cho bà Đặng Thị Thứ, tổng số tiền hơn 237 triệu đồng. Ông Nang còn ký quyết định bồi thường cho 3 hộ còn lại.

Điều đáng nói là, ngay từ đầu ông Nang đã không có quyền làm chủ đầu tư dự án, nhưng cố xen vào và ký ban hành hàng loạt giấy tờ bất hợp lý, để cuối cùng ký bồi thường đất cho… vợ mình. Từ đó tạo ra nghịch lý là cả dự án chỉ có 4 hộ được bồi thường, còn lại đều… tay trắng. Chính việc làm mờ ám của ông Nang đã khiến cho dân bức xúc.

Và 1 người dân đã đứng ra tố cáo hành vi của ông Nang và được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kết luận là… tố cáo đúng.

Đường làm mãi chưa xong

Theo hồ sơ, ngày 5 và 7.4.2014 có 2 cuộc họp dân để lấy ý kiến về dự án làm đường nói trên, thì đáng lẽ ra chỉ có 2 biên bản. Tuy nhiên trong hồ sơ dự án bất ngờ xuất hiện thêm 2 biên bản khác. Đáng ngạc nhiên là các biên bản khác nhau về nội dung nhưng lại họp cùng thời gian, địa điểm, ngày tháng năm.

Con đường dang dở vì chỉ lo bồi thường cho vợ “sếp”

Cụ thể, có 2 biên bản thể hiện các hộ dân đồng ý hiến đất làm đường; UBND xã sẽ đề nghị UBND TP.Cao Lãnh hỗ trợ 50% tổng diện tích đất và hoa màu cho 4 hộ dân. Tuy nhiên, 2 biên bản khác thì chỉ đề cập đến việc người dân đồng ý hiến đất làm đường. Nghĩa là có dấu hiệu lập khống biên bản nhằm hướng đến việc trục lợi của ông Nang.

PV cho người dân xem và đối chiếu 2 biên bản họp dân cùng lúc 16 giờ ngày 5.4.2014. Vừa thấy chữ ký của mình ở cả 2 biên bản kỳ lạ, ông Hồ Văn Mô bức xúc nói: “Lúc dự án thi công, tui là 1 trong những hộ tiên phong hiến đất. Tui dỡ cả phủ thờ trước nhà dời vô trong cho nhà nước làm đường. Nếu nói hơn 150 m2 được bồi thường, vậy tui hiến đến 400 m2 sao không thấy hỗ trợ?”

Và sau khi xem kỹ những biên bản họp dân nói trên, ông Mô còn sững sờ và cho rằng, trong cùng một thời điểm, ông không thể “phân thân” đi dự 2 cuộc họp. Tại thời điểm họp, bà con có thống nhất hỗ trợ 50% cho những ai mất hơn 50 m2. Nhưng sau đó chính quyền đo đạc, đền bù ra sao thì dân không hề biết.

“Các hộ dân thống nhất nếu ai bị mất đất hơn 50 m2 sẽ được bồi thường 50%. Ví dụ hộ bị mất 100 m2, thì 50 m2 đầu coi như hiến, 50 m2 còn lại sẽ được hỗ trợ 50% (tức là 25 m2). Còn chuyện có nhiều biên bản họp dân, biên bản do UBND xã lập nên ấp không biết”, ông Nguyễn Thanh Phương (Trưởng ấp Hòa Long) giải thích.

Hậu quả của việc bất nhất và có dấu hiệu trục lợi từ dự án làm đường nói trên mà hiện nay, tuyến đường qua tổ 1,7 và 8 ấp Hòa Long chưa hoàn thành. Sau hơn 3 năm thi công, con đường vẫn bị gián đoạn. Con đường mới đổ đan đã thẳng tấp 2 đầu, ở đoạn giữa là đoạn đường đất, vì qua đất của 1 hộ mà chính quyền không bồi thường.

Nhà bà Chưa (mang kính) mục nát nhưng không được bồi thường

Chủ hộ này là bà Trần Thị Chưa, rất nghèo khó, chồng thì qua đời mà bà lại không còn sức lao động, mắc nhiều chứng bệnh. Bà sống với 2 người con nhưng đều không có việc làm ổn định. Bà Chưa cho rằng, diện tích đất của bà bị ảnh hưởng chiều dài 48 m, ngang 6,5 m. Bà bị mất nhiều đất mà còn phải tháo dỡ, di dời căn nhà.

Trong khi nhà bà đã mục nát, dỡ ra sẽ “đổ nợ”. Do đó bà mong muốn chính quyền bồi thường về đất và hỗ trợ di dời nhà cho bà thỏa đáng. Thế nhưng sau nhiều lần “kỳ kèo”, ngành chức năng quyết định hỗ trợ bà Chưa khoảng 40 triệu đồng, nhưng bà không đồng ý.

“Về chủ trương làm đường thì tui hoàn toàn đồng ý, nhưng công trình đi qua làm tui bị mất nhiều đất và nửa căn nhà, nên mức hỗ trợ như vậy là không thỏa đáng. Tui không đòi hỏi, chỉ mong sao hỗ trợ đủ kinh phí để cất lại nhà kín mưa nắng để ở. Chứ nhà tui nghèo, lấy tiền đâu ra mà cất lại. Tại sao ông Nang và những hộ khác được bồi thường, còn tui thì không?”, bà Chưa so sánh.

Thanh Kỳ

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vợ quan’ được bồi thường, ‘dân đen’… tay trắng