Các cụ xưa dạy “bé không vin, cả gãy cành”, không uốn nắn từ nhỏ, sau sẽ hỏng.
Hai ngày qua, dư luận xã hội, báo chí truyền thông “chính thống” lẫn mạng xã hội dày đặc ý kiến về vụ hành hung dữ tợn xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM). Sự bức xúc càng bị đẩy cao khi nạn nhân là 2 đứa trẻ con, còn thủ phạm là dân phòng - người chức việc đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, và lại xảy ra trong cơ sở giáo dục.
Con cái mình dứt ruột đẻ ra, ai mà chẳng thương. Nó bị người ta đánh đau, lại càng thương tợn. Vậy nên ta dễ dàng thông cảm khi bà mẹ thằng bé bị đánh than thở, coi cái video clip thấy con bị đánh dã man thì thương lắm, tức lắm. Ai chả thế. Nói thực, con tôi mà bị đánh, tôi cũng tức cũng đau. Người chứ đâu phải gỗ đá.
Tôi phản đối hành vi thô bạo mất tính người của anh dân phòng hung dữ hơn cọp kia. Kẻ phi pháp, lại là mấy đứa trẻ con, đã bị bắt, thì có pháp luật, có cả các cơ quan chức năng xem xét, xử lý, giải quyết, chứ đâu cái thói động một tí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Càng không thể chấp nhận khi người bị đánh là những đứa trẻ hoàn toàn không có khả năng chống đỡ, nơi “tra tấn” lại là cơ sở giáo dục. Trường học chứ có phải chuồng cọp đâu mà đánh đá người ta như thế.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cho rõ ràng, công bằng, khách quan, kẻo rơi vào nhất bên trọng nhất bên khinh. Điều dễ nhận thấy, hầu hết báo chí, cơ quan truyền thông (tivi, đài), mạng xã hội đều chỉ gọi hai đương sự bị đánh là “hai thiếu niên”, “hai em bé”, “hai đứa trẻ”, “trẻ vị thành niên”, “hai em 14 tuổi”… Có nghĩa là đối tượng rất tội nghiệp, đáng thương, cứ như trẻ ngoan đang yên đang lành chẳng làm gì nên tội bị lôi ra uýnh. Viết như thế, báo chí dễ gây ra sự hiểu rằng chúng bị đánh oan. Nhiều người không chỉ đề nghị xử lý hình sự “tay dân phòng" (điều này chính xác), mà còn vội vàng quy trách nhiệm cho cả hiệu trưởng của ngôi trường diễn ra vụ việc... Và cũng thật đáng suy nghĩ, các cấp chính quyền (phường, quận, thành phố) và cơ quan quản lý giáo dục (phòng, sở) trước áp lực dư luận quá lớn đã xoa dịu bằng cách… chiều theo số đông.
Đúng ra, để thật khách quan, phải nói rõ đó là hai kẻ trộm, hai tên trộm nhỏ tuổi. Cứ theo thông tin chi tiết trên báo, và cả lời thú nhận của hai đương sự nhí, thì các cậu cũng không phải dạng vừa. Bỏ học, lêu lổng, ít nhất cũng có “tiền sự” 3 - 5 lần trèo tường vào trộm cắp trong khuôn viên trường Nguyễn Văn Tố. Ở lứa tuổi ấy, đáng nhẽ các cậu cần được gia đình để mắt, quan tâm chu đáo thì lại được phóng sinh, nửa đêm nửa hôm trèo tường vượt rào vào công sở trộm cắp, gia đình vẫn không chút nghi ngờ về hành tung của con em mình. Nếu không xảy ra vụ leo rào lần thứ 5 bị phát giác trên, ai dám khẳng định sẽ không tiếp diễn sự “quen mui bén mùi ăn mãi”, “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, các em sẽ dấn sâu vào vi phạm pháp luật và đạo đức. Nay lấy được đồ của nhà trường, mai có thể lấy đồ của bất cứ ai để có tiền tiêu xài.
Kẻ hung thần mang danh dân phòng nói trên, do đánh người quá ác, cần phải bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí truy tố, kết án. Có như vậy mới góp phần chặn lại cái ác trong chính anh ta, đồng thời trong xã hội. Nhiều người bảo, nếu cứ xuề xòa cho qua, xử lý nội bộ, kiểm điểm nghiêm khắc, rồi chả thay đổi được gì, đâu lại vào đấy, ác vẫn cứ ác, thậm chí còn ác hơn bởi đã được từng trải, tôi luyện, tha thứ.
Còn hai đứa trẻ, chính xác là hai tên trộm, nhờ bị phát hiện quả tang, biết đâu có thể chấm dứt chuỗi trượt dài. Bị đánh đau lần này, xét góc độ nào đó cũng là cần thiết, mới tỉnh ra được. Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Nếu mai kia vẫn chứng nào tật ấy, chết cái nết không chừa, thì sẽ không phải chỉ bị đánh mà còn đối diện với pháp luật. Lúc ấy thì đã muộn.
Các cụ xưa dạy “bé không vin, cả gãy cành”, không uốn nắn từ nhỏ, sau sẽ hỏng. Pháp luật phải nghiêm trị kẻ đánh người dã man, nhất là đánh trẻ em thì tội càng nặng, nhưng xã hội (chính quyền, gia đình) cũng cần giáo dục nghiêm khắc những đứa trẻ cố tình vi phạm phẩm hạnh và đạo đức con người. Cần chê trách, thậm chí xử phạt những gia đình đã buông tuồng thả lỏng con cái, mặc cho chúng hư hỏng, tới khi biết sự việc đáng tiếc mới than thở này nọ mà quên rằng nguyên nhân cũng ở chính mình.
Hồi tôi còn nhỏ, thấy các cụ thân sinh cũng như người lớn xung quanh rất nghiêm khắc dạy dỗ con cái. Chỉ cần đứa nào tắt mắt của ai thứ gì, hoặc có biểu hiện bất minh (vắng nhà lúc đêm hôm, đua đòi, có tiền tiêu xài hoang phí…) là hỏi han cặn kẽ, xử lý răn đe ngay, thậm chí già đòn cho tỉnh ngộ. Xưa nay, hầu hết sự hư hỏng của bọn trẻ đều bắt đầu từ gia đình, do buông lỏng, không nghiêm khắc, nuông chiều, cha mẹ, người lớn vô trách nhiệm… Thời ấy, phải nói rằng, dù còn đói nghèo thiếu thốn nhưng con người cư xử tốt sạch lương thiện hơn bây giờ nhiều.