Sáng 17.1, HĐXX TAND TP.Hòa Bình tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án chạy thận làm chết người xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, các luật sư tiến hành xét hỏi người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan -ông Hoàng Công Tình (bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực -BVĐK tỉnh Hòa Bình) để làm rõ nội dung liên quan đến việc có hay không sự cần thiết trong xét nghiệm AAMI ngay sau khi sửa chữa xong hệ thống nước RO.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Tình nói: “Sau khi sự cố xảy ra, tôi rất băn khoăn về tiêu chuẩn nước RO và đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Tôi được biết sau khi sửa chữa hệ thống RO, xét nghiệm AAMI là xét nghiệm khuyến cáo và không bắt buộc”. Theo ông Tình, cái bắt buộc sau sửa chữa cho đến nay là chỉ xét nghiệm hóa chất tồn dư.
Về việc sửa chữa hệ thống vào ngày 28.5.2017, ông Tình nói không được biết và cũng không được biết nội dung hợp đồng. Nhưng nếu hợp đồng có nội dung ghi cần xét nghiệm và chờ 14 ngày thì lúc đó bệnh viện, phòng vật tư và khoa điều trị phải có kế hoạch chuyển bệnh nhân.
Theo ông Tình, xét nghiệm AAMI phải chờ 14 ngày, như vậy hệ thống RO phải dừng 14 ngày nhưng chưa có tài liệu nào và chưa có nhà khoa học nào trao đổi rằng phải chờ xét nghiệm và sau 14 ngày hệ thống mới có thể hoạt động được.
Khi luật sư hỏi với vai trò là người chuyên môn, ông Tình giải thích hệ thống RO không được phép dừng quá 1 ngày. Đường ống dẫn nước RO là hệ thống rất nhiều ống nước đi xung quanh các phòng bệnh, nếu dừng quá 1 ngày, có nguy cơ nước trong ống sẽ hình thành mảng bám, phát sinh vi khuẩn, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ở Việt Nam, hệ thống này gần như liên tục hoạt động, chỉ nghỉ vào ngày chủ nhật.
Theo ông Tình, nước RO được sử dụng cho máy chạy thận cung cấp cho các bộ phận gồm: cung cấp để rửa hệ thống quả lọc thận của bệnh nhân tái sử dụng cho bộ lọc, rửa máy và thử máy thận trước khi chạy thận cho bệnh nhân, sử dụng để trộn với dung dịch đậm đặc mà bệnh viện đã nhập từ các đơn vị theo tỉ lệ nhất định để dùng lọc máu cho bệnh nhân.
Liên quan đến việc bác sĩ ra y lệnh, ông Tình cho biết việc bác sĩ ra y lệnh lọc máu giống như lệnh điều trị thuốc, những vật tư đi kèm không phải là nhiệm vụ của bác sĩ..
Các bị cáo có mặt tại tòa - Ảnh chụp màn hình
Nếu có thì thực hiện theo hợp đồng?
Trả lời câu hỏi của HĐXX, VKS và các luật sư chiều 16.1, bà Bùi Thị Thu Hằng -Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình -với tư cách người đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết sau khi sự cố y khoa chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn do đích thân bà Hằng làm Chủ tịch Hội đồng.
Tại cuộc họp với nhiều thành phần tham gia, trong đó có 4 chuyên gia về lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã đánh giá kết luận nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong không phải là sốc phản vệ mà phải nghĩ đến ngộ độc. Hội đồng chuyên môn cũng loại trừ dịch lọc, vì Bệnh viện thành phố Hòa Bình và bệnh viện Mai Châu đang cùng sử dụng nên các thành viên Hội đồng nghĩ đến nguyên nhân do nước RO.
Bà Hằng phân tích sốc phản vệ không thể xảy ra đối với hàng loạt bệnh nhân có độ tuổi và thể trạng khác nhau trong cùng một thời điểm.Tuy nhiên, theo bà Hằng, mặc dù thời điểm đó chưa thể xác định chính xác nguyên nhân xảy ra sự cố, nhưng việc xử lý sự cố của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là “phù hợp và có nhiều cố gắng”.Trong phần trả lời, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO.
Lúc này, luật sư dẫn nội dung bản hợp đồng 315 mà BVĐK tỉnh Hòa Bình ký với Công ty Thiên Sơn về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 có điều khoản bắt buộc phải xét nghiệm AAMI sau sửa chữa để bảo đảm chất lượng nước RO cho chạy thận nhân tạo.
Điều ngạc nhiên là Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình lại khẳng định nếu có thỏa thuận trong Hợp đồng thì thực hiện theo Hợp đồng và phải báo cho Khoa (Hồi sức tích cực -PV) để chuyển bệnh nhân chạy thận đi chạy ở nơi khác.
Nhã Thanh