Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Vụ chống bán phá giá thép Trung Quốc: Cơ quan điều tra đã chấp nhận hồ sơ

Tuyết Nhung 15/06/2024 11:25

Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.

Yêu cầu điều tra thép Trung Quốc

Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) thông tin Cục đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu), yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.

a1817113-dbf7-48e2-86d0-ff005782e32f.jpeg
Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam những tháng đầu năm - Ảnh: IT

Ngày 1.4.2024, Cơ quan điều tra ra thông báo đề nghị Bên yêu cầu bổ sung nội dung của hồ sơ yêu cầu điều tra nói trên.

Ngày 26.4.2024, Bên yêu cầu nộp bổ sung các thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan điều tra.

Ngày 13.5.2024, Cơ quan điều tra ra thông báo đề nghị Bên yêu cầu tiếp tục bổ sung lần thứ 2 một số nội dung của hồ sơ yêu cầu điều tra.

Ngày 31.5.2024, Bên yêu cầu đã nộp bổ sung, hoàn thiện các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Ngày 14.6.2024, Cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.

Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm: Xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương;

Xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Để phục vụ công tác thẩm định hồ sơ, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa bị đề nghị điều tra, Cơ quan điều tra đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa tương với hàng hóa bị đề nghị điều tra cung cấp các thông tin có liên quan, cụ thể như sau: Thông tin về loại hình doanh nghiệp (sản xuất, thương mại…); Công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm thép cán nóng từ năm 2020 đến năm 2023; Ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến); Bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.

Thời hạn cung cấp các thông tin nêu trên là ngày 5.7.2024.

Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Theo phản ánh nhiều doanh nghiệp thép tại Việt Nam, xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại trong hai tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thép từ Trung Quốc đang đe dọa sản xuất trong nước.

Trước sức ép từ thép nhập khẩu, doanh nghiệp lo ngại hoặc chần chừ trong việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí đã có thương hiệu lớn trong ngành chuyển hướng sang lĩnh vực khác.

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, tính chung cả 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam đạt 1,28 triệu tấn, tương đương 496,03 triệu USD, tăng 3,4% về giá trị và tăng 2,5% về lượng so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá trung bình trong cả 3 tháng đạt 387,4USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép từ Trung Quốc chiếm tới 69% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt gần 2,81 triệu tấn, với trị giá 1,78 tỉ USD, tăng mạnh 93,9% về lượng và tăng 64,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tràn vào thị trường trong nước đã và đang làm khiến thép Việt Nam bị "lép vế", đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó.

Hiệp hội Thép Việt Nam giải thích do kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản gần như "đóng băng", dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước sụt giảm mạnh. Do đó, Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu thép dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo áp lực lên nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Một lý do quan trọng khác khiến lượng thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam là việc loại bỏ các hàng rào kỹ thuật trong quá trình nhập khẩu. Trước đây, theo Thông tư liên tịch số 58, để được thông quan, thép nhập khẩu phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng khá phức tạp. Tuy nhiên, vào ngày 21.9.2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18, hủy bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa từ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Bài liên quan
Thép Xanh Nam Định: Xả thân trước CAHN không chỉ vì một trận thắng!
Chắc chắn đội Thép Xanh Nam Định (TXNĐ) sẽ quyết đấu để lấy lại tình yêu của người hâm mộ. Trận đấu chưa diễn ra, nhưng đội CAHN đã sớm gặp bất lợi!

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
30 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ chống bán phá giá thép Trung Quốc: Cơ quan điều tra đã chấp nhận hồ sơ